Xác nhận
Doanh nhân viết

Đông Kinh Nghĩa Thục - trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam

    |

Trong cao trào của phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục được biết đến như một điểm sáng văn hóa của phong trào yêu nước Việt Nam. Không chỉ là một ngôi trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam, Đông Kinh Nghĩa Thục còn là nơi đào tạo nhiều nhân tài với tư tưởng canh tân đất nước, chấn hưng thực nghiệp, khai mở dân trí nhằm tìm kiếm con đường cứu nước.

Dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục đã có vai trò hết sức to lớn trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Ngày nay, Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều công trình nghiên cứu lịch sử.

Vai trò của Đông Kinh Nghĩa Thục trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX

Năm 1905, Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học. Năm 1906, Phan Châu Trinh tìm đường sang Nhật để chứng kiến tận mắt bài học Duy Tân, mở đường vào văn minh phương Tây. Hai cụ Phan thăm Khánh Ứng Nghĩa thục, thăm các học đường và khảo sát những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản. Phan Bội Châu nhiều lần nói: “Noi gương chí sĩ Nhật là Phúc Trạch Dụ (Fukuzawa) đã mở Khánh Ứng Nghĩa Thục”.

Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học do các sĩ phu Việt Nam lập ở Hà Nội năm 1907, phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa Thục. Không ngờ người Việt hưởng ứng “Nghĩa thục” nhanh như gió, các trường “Nghĩa thục” (public school) được mở ra ở nhiều tỉnh trên đất nước ta.

Đông Kinh Nghĩa Thục do các sĩ phu cùng chí hướng với Phan Bội Châu như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyến, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành, Nguyễn Hữu Cầu… mở tại số 4 và số 10 Hàng Đào, Hà Nội. Mục đích của Đông Kinh Nghĩa Thục là khai trí cho dân, mở những lớp học do người hảo tâm đóng góp, học viên không phải nộp tiền, nhằm bồi dưỡng ý chí tự lập, tự cường dân tộc, duy tân, tiến thủ, truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới, và nếp sống văn minh, tiến bộ, cải tổ giáo dục theo Tây phương… tới mọi người dân.


Phố Hàng Đào nơi đặt trụ sở của Đông Kinh Nghĩa Thục
(Nguồn: Bảo tàng lịch sử)

Bỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5/1907 – 1/1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ XX có tên là Duy Tân.

1- Cánh chim đầu đàn

Theo Nguyễn Hiến Lê, “Cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước nhà. Lập Nghĩa Thục một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng ra mà lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu phục bằng nội hoá thì người đầu tiên cũng là cụ”. Thế nhưng, khi Đông Kinh Nghĩa Thục thành lập, Phan Châu Trinh chỉ nhận làm người tham gia giảng dạy bình thường.

Nhiều tài liệu cho rằng Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học miễn phí và dạy theo lối cải cách đầu tiên ở Việt Nam. Thực ra trước đó, năm 1905 tại Bình Thuận đã ra đời một ngôi trường tương tự, cũng từ chủ trương của cụ Phan Châu Trinh, đó là trường tư thục Dục Thanh, do ông Nguyễn Trọng Lội mở, ông Lương Thúc Kỳ (nhạc phụ của Phan Khôi) giảng dạy. Phí tổn đều do Công ty Liên Thành (cũng do ông Lội lập) chu cấp. Một số thanh niên Nam kỳ (đất thuộc Pháp) cũng ra đây học.

Nguyên cuối năm 1904 Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chu du mấy tỉnh miền Trung. Đến Bình Thuận, Phan Châu Trinh bị bệnh phải ở lại. Thời gian này ông cùng với Hồ Tá Bang lập một thư xã ở đình Phú Tài để giảng sách Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Nguyễn Trọng Lội nhiệt thành dự khán những cuộc thuyết trình ấy. Đây chính là bước tập dượt để Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời.


Đôi ngũ giảng viên của Đông Kinh Nghĩa Thục (Nguồn: Bảo tàng lịch sử)

Về tài chánh, hội viên tự ý góp bao nhiêu cũng được và quyên thêm ở những chỗ quen, hảo tâm. Tiền - thục trưởng quản chi, nhưng sổ sách do Nguyễn Quyền giữ. Dự kiến sẽ lập một trường tại Hà thành, sau đó sẽ phát triển ra các tỉnh. Đến khi chọn địa điểm, do tài chánh còn eo hẹp, Lương Văn Can đề nghị lấy nhà mình làm cơ sở ban đầu, vì nhà có một cái gác tẩu mã, chứa được vài trăm học sinh, mặc dù dưới đất đang là cửa hàng kinh doanh tơ lụa của vợ ông. Dự kiến khi học sinh đông hơn, sẽ mướn thêm nhà số 10 ở bên cạnh. Nhà này còn rộng hơn nhà ông Can, vốn là của ông Hương cống Sùng, một phú gia bậc nhất đất Hà thành hồi trước, giờ đã bán lại cho ông Phạm Lẫm và đang rất trống vì ông Lẫm đi làm Bố chánh ở Vĩnh Lại, Hưng Hoá. Nhà này ăn thông từ Hàng Đào sang Hàng Quạt, dài trên 50m, có chỗ rộng hơn 30m, cũng có gác tẩu mã và cả một hoa viên. Về sau trường đã thuê được địa điểm này để phát triển theo dự kiến.

Hai người đảm nhiệm việc lập các thủ tục xin phép lập trường tại phủ Thống sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn.

2- Tinh thần “nghĩa thục”

Dù chỉ bằng truyền miệng, nhưng tin tức trường Đông Kinh Nghĩa Thục sắp ra đời lan rất nhanh khắp cả hai vùng đất bảo hộ, miền Bắc và miền Trung. Việc học trò đi học không phải mất tiền là một việc chưa từng có. Nhưng điều mà người ta chú ý nhiều hơn cả là về các vị danh sĩ sẽ giảng dạy ở đây. Họ là những người tâm huyết của đương thời, không chỉ có những tú tài, cử nhân nhưng bất cần áo mão cân đai, mà còn có cả những nhà trí thức Tây học tên tuổi.

Danh sách ứng sinh đăng ký theo học dồn dập đổ về địa chỉ số 4 Hàng Đào. Trong khi đó thủ tục xin phép đã nộp gần hai tháng mà nha Thống sứ vẫn cứ im lặng. Nguyên do là vì… cái tên. Nghĩa thục là trường dạy không lấy tiền, nhưng mật thám Pháp lại thấy nó gần với hai chữ nghĩa quân, là từ mà dân chúng đang gọi quân gia của ông Hoàng Hoa Thám trên Yên Thế.

Một phụ huynh, là dân Tây học, nóng lòng xin cho con học, mách nước với ông Lương Văn Can: Theo lệ Tây, chưa cho phép mà không bác bỏ, xem như mặc hứa. Vì vậy có thể mở lớp ngay được. Nhưng để an toàn, nên mở ngay hai lớp nhỏ nhất, một lớp cho con trai, một cho con gái và chỉ dạy chữ quốc ngữ. Quốc ngữ là lợi khí để khai dân trí, nhưng hợp với chiêu bài “khai hoá” mà người Pháp không có lý do gì cấm.

3- Đưa môn kinh tế vào trường

Điều này chính Phan Châu Trinh cũng đã tiên lượng, khi bàn đến việc quyên tiền, ông có nói: “Chúng ta có cái dũng khí độc lập cả ngàn năm rồi, trăm lần bẻ mà không gãy. Tôi có dịp chu du các nơi, những người hưởng ứng có tới số ngàn, chỉ tiếc một điều, người có hằng sản thì không có hằng tâm, người có hằng tâm thì hầu hết là bần sĩ, mỗi khi nghĩ tới việc đó, tôi thường thở dài, biết làm sao đây”. Trước đó, chính Phan Châu Trinh cũng là người đầu tiên nêu gương chấn hưng thực nghiệp khi cho khai trương Quảng Nam thương hội, mở xưởng dệt rồi may cho mình một bộ Âu phục bằng chính thứ vải tự dệt ấy.

Cho nên mở mang công thương nghiệp lúc đó là vấn đề cấp bách, trước mắt là kiếm tiền trang trải cho Đông Kinh Nghĩa Thục và ủng hộ các học sinh Đông du. Về lâu dài, nó là nền tảng của toàn bộ công cuộc Duy Tân đất nước.


Một lớp học của Đông Kinh Nghĩa Thục (Nguồn: Nghiên cứu quốc tế)

Những chủ trương phát triển công thương, kỹ nghệ này trước hết được đưa vào trong chương trình học của nhà trường. Sách Quốc dân độc bản, một tài liệu giáo khoa quan trọng của trường, có 79 bài thì có tới 24 bài (từ bài 56 đến bài 79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế, kỹ nghệ. Cho đến nay chưa biết được các soạn giả đã tham khảo các nguồn tài liệu nào để viết về các vấn đề kinh tế học. Theo phỏng đoán có thể họ tham khảo từ các sách Tân văn, Tân thư và Tân báo (từ Trung Quốc, Nhật Bản), các sách báo kinh tế của người Pháp, và từ chính các vấn đề kinh tế nổi cộm đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó. Trong các luận điểm về kinh tế mà các soạn giả nêu ra khá nhiều dẫn chứng từ các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

4- Thay đổi tư tưởng nhà Nho đi buôn

Khi Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, tư tưởng trọng nông ức thương dần thay đổi trong giới Nho học đương thời. Nhiều sĩ phu cấp tiến đã lựa chọn con đường kinh doanh để chấn hưng đất nước. Trong số đó có nhiều sĩ phu là thành viên sáng lập của Đông Kinh Nghĩa Thục. Tiên phong trong phong trào nhà Nho đi buôn là ông Hoàng Tăng Bí - một nhà sáng lập của trường đã mở hiệu buôn Đông Thành Xương ở Hàng Gai, vừa buôn bán vừa làm công nghệ, lần đầu dùng khung cửi rộng dệt xuyến bông nhuộm đen; chế các loại trà mạn, trà tàu, trà ướp sen. Hiệu Các Thành ở Hàng Gai, hiệu Hồng Tân Hưng ở Hàng Bồ cũng mở vào lúc ấy.


Phố Hàng Gai, nơi ông Hoàng Tăng Bí mở Công ty Đông Thành Xương
(Nguồn: Bảo tàng lịch sử)

Phong trào từ đó lan ra các tỉnh. Ông Tùng Hương mở hiệu Phúc Lợi Tế ở Phúc Yên và Hưng Lợi Tế ở Hưng Yên. Ở Việt Trì, ông Nguyễn Trác mở hiệu Sơn Thọ. Hai hiệu Sơn Thọ và Đông Thành Xương có vốn lớn nhất, trang hoàng đẹp, bán nhiều đồ nội hoá như quạt lông, đồ tre đan Đại Đồng Sơn, khai trúc Nghệ An, giày Kinh, lãnh Bưởi, lãnh Sài Gòn…

5- Khuyến khích lập đồn điền, khai mỏ

Đông Kinh Nghĩa Thục còn khuyến khích đồng chí lập đồn điền để khuếch trương nông nghiệp. Ông Bùi Đình Tá cùng hùn vốn với người bạn là Phan Tứ, khai phá một đồn điền ở Mỹ Đức, gần chùa Hương. Ông Tá là dân Tây học, đỗ đạt, được bổ thông ngôn rồi thăng tham tá. Chẳng những là người nhiệt tâm dạy giúp Đông Kinh Nghĩa Thục từ khi mới mở, ông còn là người lập ra một cô nhi viện đầu tiên ở Việt Nam. Việc ông mở đồn điền ở Mỹ Đức là để có phương tiện nuôi trẻ mồ côi. Trên Yên Bái còn có một đồn điền được khai phá ở Yên Lập, rộng 50 mẫu, khai rừng đốt than và trồng ngô, lúa. Vì đây là vùng rừng âm, nước độc, nhân công từ xuôi lên lần lượt ngã bệnh, rồi cũng phải bỏ dở.

Một việc ít ai biết là những người trong Đông kinh Nghĩa Thục còn có nhiều chuyến sục sạo trên vùng thượng du Bắc Việt và đã tìm được một số mỏ như than, chì, kẽm, lưu huỳnh… Một đoạn ghi chép của nhà sử học Nguyễn Hiến Lê: “Các cụ lên miền rừng núi, hỏi dò thổ dân, thấy chỗ nào nghi có quặng là đem về ít cục đá, đất, giao cho phòng thí nghiệm phân tích sau khi đóng tiền 5 đồng mỗi lần. Nếu phòng thí nghiệm bảo là có quặng, các cụ đóng thêm tiền, đón kỹ sư đến tận nơi xem xét, sau cùng mướn người cắm mốc bốn bên, vẽ bản đồ xin đóng thuế khai mỏ”.

Nói chung, giới nho sĩ chủ trương đều thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu vốn, thiết bị kỹ thuật nên các công trình chỉ để lại tiếng vang, kích thích lòng yêu nước là chính. Tuy nhiên, các cơ sở kinh tế nói trên còn là nơi gặp gỡ thuận tiện để họ bàn bạc chuyện khác, quan trọng và cao cả hơn.

6- Mở ra con đường Đông du

Không chỉ góp tiền của và công sức cả nhà cho Đông Kinh Nghĩa Thục, trong bốn thanh niên Việt Nam đầu tiên xuất dương qua Nhật mở màn cho phong trào Đông du, còn có hai người là con trai của ông Lương Văn Can.

Cao điểm của phong trào Đông du (1907–1908), con số du học sinh Việt Nam ở Nhật ước chừng 200, Nam kỳ hơn 100 người, Trung kỳ chừng 50 người, Bắc kỳ hơn 40 người. Sở dĩ phong trào Đông du phát triển mạnh ở Nam kỳ là do ông Phan Bội Châu có nhiều mối quan hệ đồng chí với những nhà cách mạng ở vùng đất thuộc địa này. 

Những tác phẩm nghiên cứu về Đông Kinh Nghĩa Thục

Thông qua vai trò quan trọng của Đông Kinh Nghĩa Thục trong công cuộc Duy Tân đất nước đầu thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu đã dành nhiều năm nghiên cứu về phong trào và hoạt động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đã hơn 100 năm kể từ khi được thành lập, Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều công trình nghiên cứu về Lương Văn Can và Đông Kinh Nghĩa Thục trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam.

1- Tuyển tập sách về Đông Kinh Nghĩa Thục của PGS. Chương Thâu

Là người "mê” với Đông Kinh Nghĩa Thục, PGS. Chương Thâu đã dành 25 năm từ khi còn là một sinh viên đến khi trở thành một nhà nghiên cứu gạo cội để “dành tình yêu” trọn vẹn cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Xuất phát từ niềm đam mê và sự tâm huyết đó, PGS. Chương Thâu đã biên soạn bộ sách “Đông Kinh Nghĩa Thục và văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục”.

  • Góc nhìn sử Việt - Đông Kinh Nghĩa Thục

Theo cuốn sách Đông Kinh Nghĩa Thục của PGS. TS Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện ở Hà Nội từ tháng 3/1907 đến tháng 12/1907 dưới hình thức một trường học hợp pháp và mở rộng hoạt động ra các tỉnh xung quanh trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế... như một phong trào cải cách tư tưởng văn hóa và xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách gồm hai phần:

Phần I: Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách tư tưởng văn hóa - xã hội đầu thế kỷ XX

Phần II: Một số nhân vật tiêu biểu và tài liệu học tập, giảng dạy và tuyên truyền của Đông Kinh Nghĩa Thục  

Tuy chỉ tồn tại 9 tháng, Đông Kinh Nghĩa Thục đã xốc lên một phong trào yêu nước mạnh mẽ ở Bắc kỳ mà trung tâm là Hà Nội. Hoạt động công khai và nổi bật nhất của Đông Kinh Nghĩa Thục là về mặt văn hóa, có tiếng vang lan rộng khắp cả nước. Do đó, Đông Kinh Nghĩa Thục cũng đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một trong những phong trào dân tộc- dân chủ đầu tiên trong thời đại mới, hướng tới việc giải phóng dân tộc, trước hết bằng những hoạt động có tính chất cải cách dân chủ, đổi mới tư tưởng, kết hợp với những biện pháp thực hiện cụ thể về văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế... đồng thời gắn liền với xu hướng bạo động cách mạng của Phan Bội Châu, ngọn cờ trung tâm tập hợp và chi phối các phong trào yêu nước ở đầu thế kỷ XX. 

Những câu ca dao sau cho thấy dấu ấn của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã đi vào trong lòng người dân thời bấy giờ:

Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ,
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành,
Gái trai nô nức học hành,
Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.

  • Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục

Để cuốn sách này có thể đến được với độc giả một cách trọn vẹn, PGS. Chương Thâu đã miệt mài tìm kiếm, đích thân đến những trung tâm tư liệu trong và ngoài nước như: Kho lưu trữ của Phủ thống sứ Bắc Kỳ, Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp ở Aixen Provene, Kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo, Thư viện Viễn Đông Bác Cổ tại Paris và Hà Nội, cùng những thư viện những kho sách nhỏ lẻ của các cá nhân, các địa phương trong cả nước.

Cuốn sách gồm 2 phần chính, trong đó tác giả dành phần 1 để khái quát quá trình ra đời, hoạt động và ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục đến phong trào yêu nước của nước ta đầu thế kỷ XX cũng như tác động đến các lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, giáo dục của nước ta.

PGS. Chương Thâu đã đứng trên lập trường và quan điểm duy vật lịch sử để trình bày sự hình thành và những diễn biến giai cấp trong xã hội thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ XX dưới tác động của tình hình thế giới. Những thay đổi sâu sắc trong xã hội là cơ sở của sự hình thành hai khuynh hướng đấu tranh tồn tại song song, hoà lẫn vào nhau trong xã hội, đó là khuynh hướng cải cách ôn hoà và khuynh hướng cách mạng bạo động. Trong bối cảnh đó Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ là phong trào của các sĩ phu đầy tinh thần yêu nước, những người tiếp thu tư tưởng bên ngoài mà còn là một phong trào có quan hệ với cả hai khuynh hướng trên. Do vậy nên tầm ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục trong xã hội nước ta là rất rộng lớn.

Để làm rõ sự hình thành, quy mô hoạt động, tầm ảnh hưởng và sự phong phú mới mẻ về tư tưởng trong các tác phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục, tác giả đã chia phần này thành các chương nhỏ. Bằng những quan điểm về lịch sử và sự phát triển, Phó giáo sư Chương Thâu phân tích cho độc giả thấy sự ra đời và phát triển của Đông Kinh Nghĩa Thục là sự phát triển tất yếu của lịch sử nói chung và phong trào yêu nước nói riêng. Nó là cơ sở và tiền đề cho sự phát triển của các phong trào yêu nước khác.
 
Trong phần 2 - Tổng tập văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc tương đối đầy đủ các di sản của Đông Kinh Nghĩa Thục bằng cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ trên cả phương diện sách giáo khoa dạy trong nhà trường, các thơ văn của các thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời bổ sung thêm một số thơ ca và nhiều bài viết của các tác giả trong Đông Kinh Nghĩa Thục và một số tác giả dù không hoạt động trong phong trào này nhưng có những quan điểm đồng tình, ủng hộ như: Nguyễn Phan Lãng, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh.

Ngoài ra, cuốn sách còn có phần thơ ca của tác giả khuyết danh từng được phổ biển rộng rãi trong hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục. Có thể nói đây là một khối lượng văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục được sưu tập đầy đủ và dịch chú cẩn thận nhất từ trước đến nay, đây là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu.
 
Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng tư tưởng và tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục thì không thể dập tắt được trong tâm trí của người dân Việt Nam.

2- 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục của NXB Tri Thức

Nằm trong phong trào Duy Tân diễn ra tại nước ta vào đầu thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục cho đến nay đã trải qua một trăm lẻ một năm tuổi. Năm 2007 vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời, hàng loạt hội thảo khoa học đã được tổ chức nhằm đem đến những hiểu biết sâu về sự kiện và giai đoạn lịch sử quan trọng này của đất nước. Tập sách 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục vừa được NXB Tri Thức ấn hành chính là thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu của nước ta về vấn đề trên, đó là một số tham luận đã được trình bày và thảo luận trong những cuộc hội thảo.

Với những học giả tên tuổi như Hoàng Như Mai, Vũ Khiêu, Phong Lê, Trần Hữu Tá, Chương Thâu... tập sách đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về sự kiện có thể được xem "là một cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa tiến hành bằng phương tiện giáo dục" (Hoàng Như Mai).

Tuy ra đời và tồn tại trong một thời gian ngắn (tháng 3 - 12.1907), nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục cũng kịp ghi lại dấu ấn đáng tự hào của mình trong giai đoạn giao thời của lịch sử Việt Nam; khi ấy những phong trào yêu nước đều gặp bế tắc do đứng trên quan điểm của hệ ý thức phong kiến, và Đông Kinh Nghĩa Thục đã vượt qua hình thức là một trường học tư thục để trở thành một phong trào truyền bá tư tưởng, tri thức sâu rộng.

Với sự lãnh đạo của Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Châu Trinh và sự góp sức của những trí thức nổi tiếng đương thời, Đông Kinh Nghĩa Thục đã đem đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chính từ đó, những triết gia khai sáng vĩ đại với tư tưởng dân chủ, khoa học như Voltaire, Montesquieu, Diderot, Rousseau... đã được phổ biến tại nước ta, đặt nền cho những biến động lịch sử to lớn sau này...

3- Đông Kinh Nghĩa Thục của Nhà sử học Nguyễn Hiến Lê

Cuốn sách là tập hợp những nghiên cứu về Lương Văn Can và trường Đông Kinh Nghĩa Thục của nhà sử học Nguyễn Hiến Lê. Đặc biệt, cuốn sách đi sâu vào tư tưởng đạo đức kinh doanh mà Lương Văn Can và những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục đã truyền bá rộng rãi đến với người dân những năm đầu thế kỷ XX.

Trong lời đề tựa, tác giả Nguyễn Hiến Lê nhận định rằng: "Chúng ta thường tự hào là một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến. Bốn ngàn năm văn hiến mà giá có gom lại hết những sách vở tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm trong bốn ngàn năm văn hiến đó rồi để riêng ra những tài liệu về các ông vua bà chúa - tức những tài liệu thường vô ích cho văn hóa - còn lại bao nhiêu, có chất lên một chiếc xe cam nhông, sợ cũng không đầy! Dù có chất đầy mười chiếc xe đi nữa thì so với những tài liệu của Pháp cũng chẳng thấm vào đâu: chỉ riêng những tài liệu về thi sĩ Victor Hugo đã chật cả một viện bảo tàng, tức viện Victor Hugo ở Paris rồi. Mà người Pháp không có được bốn ngàn năm văn hiến như ta.

Chắc có độc giả trách tôi là tự ti mặc cảm mà quá tôn sùng người. Trách tôi, tôi xin nhận; nhưng làm sao tôi không tôn sùng người ta, khi người ta hơn mình xa quá đi? Vả lại, tự nhận là mình kém rồi cố theo cho kịp người, hơn người, còn có lợi hơn là tự cao tự đại mà chẳng chịu gắng sức để tiến tới.

Vâng, về phương diện văn hóa, ta đã kém xa Trung Hoa mà cũng thua xa cả pháp. Hai ngàn rưỡi năm trước, Trung Hoa đã biết đặt ra một chức quan chuyên đi ỉượm những bài ca, bài hát trong dân gian, nhờ vậy họ mới có được một tập thi vào hàng cổ nhất thế giới; tới thế kỷ 18, vua Càn Long cho chép lại hết các sách, lập thành bộ Tứ khố toàn thư, một công việc sưu tầm tài liệu không tiền trong lịch sử nhân loại".

Thông qua công trình nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã đi sâu vào vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục nói chung và Lương Văn Can nói riêng trong sự nghiệp canh tân đất nước, chấn hưng kinh tế quốc gia đầu thế kỷ XX thông qua các tài liệu, lời kể từ cụ Huỳnh Thúc Kháng và hậu duệ của những người sáng lập và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Cuốn sách cũng đề cao tư tưởng kinh doanh đi trước thời đại của cụ Lương Văn Can và những nỗ lực của cụ trong hoạt động yêu nước thời bấy giờ.

Chia sẻ: