Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Hoàng Tăng Bí

Tiểu sử

Hoàng Tăng Bí, tự là Nguyên Phu, hiệu là Tiểu Mai, sinh năm 1883 tại làng Đông Ngạc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, thủ đô Hà Nội). Hoàng Tăng Bí là thế hệ thứ năm của gia tộc họ Hoàng ở làng Đông Ngạc, nổi tiếng có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đại khoa, làm quan to triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Năm 1906, cụ Hoàng Tăng Bí đỗ cử nhân với vị trí á nguyên tại Trường thi Hà Nam ở tuổi 22 trong một cuộc thi có 6.121 người tham dự. 

Thời điểm Hoàng Tăng Bí bắt đầu con đường khoa cử là lúc đất nước đã đánh mất quyền độc lập, trở thành một nước thuộc địa dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Nhiều nhà Nho như Hoàng Tăng Bí đã dần từ bỏ lối suy nghĩ Nho học mà tiếp thu tư tưởng canh tân, tiến bộ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam nhằm mưu đường cách mạng, thức tỉnh dân trí, chấn hưng dân khí, khôi phục nền độc lập và sức mạnh cho nước Việt Nam. 

Hoàng Tăng Bí đã sớm ý thức được tầm quan trọng của con đường duy tân để đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Sau kỳ thi năm 1906, dù đỗ á nguyên nhưng cụ không ra làm quan mà tham gia phong trào Duy Tân, đi nhiều nơi diễn thuyết, hô hào duy tân để thức tỉnh giới Nho sĩ và nhân dân.

Năm 1907, Hoàng Tăng Bí cùng nhiều sĩ phu cùng chí hướng như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Vũ Hoành, Nguyễn Hữu Cầu... thành lập trường tư thục đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4, phố Hàng Đào, Hà Nội. Trường được phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa Thục do chí sĩ Nhật Bản là Phúc Trạch Dụ (Fukazawa) mở tại Nhật Bản và từng được Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đến tham quan trong các năm 1905 và 1906.

Nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục

Mục tiêu thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục là khai mở dân trí cho dân, mở lớp dạy học không lấy tiền, tổ chức diễn thuyết, bồi dưỡng ý chí tự lập, tự cường dân tộc, duy tân, tiến thủ, truyền bá nền tư tưởng học thuật mới, nếp sống văn minh, tiến bộ, cải tổ giáo dục theo Tây phương tới người dân. Trường do cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học và tổ chức thành các ban Trước tác, Giáo dục, Tài chính, Cổ động. Cụ Hoàng Tăng Bí tham gia Ban Giáo dục, dạy Hán văn và tham gia Ban Cổ động.

Mặc dù do các sĩ phu theo lối Nho học thành lập, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương từ bỏ lối học khoa cử, tập trung vào thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán văn. Về tài chính, hội viên tự ý góp bao nhiêu cũng được và quyên thêm ở những chỗ quen, hảo tâm. Tiền hiệu trưởng quản chi, nhưng sổ sách do Nguyễn Quyền giữ. Ban đầu, nhóm sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục có ý định sẽ lập một trường tại Hà Nội, sau đó sẽ phát triển ra các tỉnh. Đến khi chọn địa điểm, do tài chính còn eo hẹp, Lương Văn Can đề nghị lấy nhà mình (số 4 Hàng Đào) làm cơ sở ban đầu, vì nhà có một cái gác tẩu mã, chứa được vài trăm học sinh, mặc dù dưới đất đang là cửa hàng kinh doanh tơ lụa của vợ ông. 

Dự định khi học sinh đông hơn, sẽ mướn nhà số 10 ở bên cạnh. Nhà này còn rộng hơn nhà cụ Can, vốn là của ông Hương cống Sùng - một phú gia bậc nhất đất Hà thành, đã bán lại cho ông Phạm Lẫm và đang rất trống vì ông Lẫm đi làm bố chánh ở Vĩnh Lại, Hưng Hóa. Nhà này ăn thông từ Hàng Đào sang Hàng Quạt, dài trên 50m, có chỗ rộng hơn 30m, cũng có gác tẩu mã và hoa viên. Về sau trường đã thuê được địa điểm này để phát triển theo kế hoạch cả nhóm đã đề ra. 

Hai người đảm nhiệm việc lập các thủ tục xin phép lập trường tại phủ Thống sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn.

Một điểm đặc biệt của Đông Kinh Nghĩa Thục là trường chủ trương đưa môn kinh tế vào chương trình giảng dạy cho học viên, trước tiên là công thương, kỹ nghệ của nước ngoài. Sách Quốc dân độc bản - một tài liệu giáo khoa quan trọng của trường, có 79 bài thì có 24 bài (từ bài 56-79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế, kỹ nghệ. Cho đến nay chưa biết được các soạn giả đã tham khảo nguồn tài liệu nào để viết về các vấn đề kinh tế học. Có thể họ tham khảo từ các sách Tân văn, Tân thưTân báo (từ Trung Quốc, Nhật Bản), các sách báo kinh tế của người Pháp và từ chính các vấn đề kinh tế nổi cộm đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó. Trong các luận điểm về kinh tế mà các soạn giả nêu ra, khá nhiều dẫn chứng từ các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Đội ngũ giảng viên của trường cũng rất nhiệt tâm dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho người dân từ thôn quê đến thành thị, vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, Đông Kinh Nghĩa Thục đã mở thêm 4 phân hiệu ở Hà Đông và Sơn Tây. Theo Lý Tùng Hiếu trong sách Lương Văn Can và phong trào Đông Du thì "riêng phân hiệu ở quê hương Chèm Vẽ của Hoàng Tăng Bí trực chỉ đạo và do tú tài Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Nguyễn Châu Đỉnh, hai anh em Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên tổ chức".

Không chỉ chịu trách nhiệm giảng dạy tại phân hiệu Chèm Vẽ, Hà Đông, cụ Hoàng Tăng Bí còn cùng với Phan Châu Trinh, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc tham gia diễn thuyết, cổ động cho tư tưởng duy tân, học vấn đi đôi thực nghiệp, kinh doanh, mở mang công thương - lấy chữ tín làm đầu, làm cho dân giàu nước mạnh. Từ những buổi diễn thuyết do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động, các diễn giả như Phan Châu Trinh, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc rất được công chúng hâm mộ và nổi tiếng về tài diễn thuyết. Vì vậy, đương thời có lưu truyền câu thơ khuyết danh như sau: "Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách đến như mưa". Các ông cũng đưa những bài văn thơ đăng trên Đăng cổ tùng báo và Đại Việt Tân báo là cơ quan ngôn luận của trường. 

Nhà Nho đi buôn

Không chỉ là một thành viên sáng lập, một diễn giả nổi tiếng của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Hoàng Tăng Bí còn biết đến là một nhà kinh doanh có tiếng ở Hà Nội, người đi đầu trong phong trào "Nhà Nho đi buôn" do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động.

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng phát triển thì chi phí duy trì hoạt động càng nhiều. Do là ngôi trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam thành lập dựa trên số tiền được quyên góp từ những nhà hảo tâm, gia đình học viên và từ số vốn ban đầu của ban lãnh đạo trường nên khi số lượng học viên ngày càng tăng, vấn đề tài chính gặp nhiều khó khăn.

Theo học giả Nguyễn Hiến Lê: "Các cụ thiếu kinh nghiệm, thiếu tổ chức, không dự tính số thu và số chi cho từng khoản, đã không bắt hội viên đóng nguyệt liễm, học sinh đóng học phí, mà thấy việc gì nên làm cũng không từ nan, thành thử số thu mỗi ngày một giảm mà số chi mỗi ngày một tăng, nào tiền mướn nhà, tiền đóng bàn ghế, tiền giấy mực cho giáo sư và cả học sinh, tiền cơm buổi trưa cho mấy chục người ăn, tiền khắc bản gỗ, in sách và tiền giúp thanh niên xuất dương nữa. Như vậy nền tài chính làm sao vững được và sáu bảy tháng sau khi trường mở cửa, quỹ đã gần cạn".

Trước tình hình khó khăn về tài chính của trường, khi soạn các bài ca khuyến công, khuyến thương, ban lãnh đạo trường đã nghĩ đến việc mở hiệu buôn và  xưởng máy để kiếm lời giúp quỹ trường. Nhưng do ban lãnh đạo trường không đủ tiền để tổ chức những cơ sở đó, nên chỉ khuyên hội viên ai có vốn thì đứng ra kinh doanh, rồi nếu có lời, tùy ý giúp trường bao nhiêu cũng được. Cũng từ đó, Đông Kinh Nghĩa Thục phát động phong trào "Nhà Nho đi buôn" với mục tiêu gây dựng tài chính giúp đỡ cho sự phát triển của Đông Kinh Nghĩa Thục và còn làm thay đổi nhận thức của giới sĩ phu nho học đương thời về việc kinh doanh, phá bỏ được cái tục khinh công, thương từ mấy nghìn năm truyền lại.

Không hô hào suông, nhiều thành viên trong Đông Kinh Nghĩa Thục đã thành lập các hiệu buôn để kinh doanh. Cụ Hoàng Tăng Bí là cá nhân đi đầu trong phong trào "Nhà Nho đi buôn" ngay từ khi mới phát động. Cụ Bí mở hiệu Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Cửa hiệu của cụ Bí cũng chính là tư gia của ông ngoại - cụ Nguyễn Trọng Hiệp - Kinh lược xứ triều Nguyễn và là thầy dạy của vua Thành Thái.

Đông Thành Xương là công ty chuyên buôn bán hàng nội hóa và làm công nghệ. Theo nghiên cứu của học giả Nguyễn Hiến Lê: "Nơi đây lần đầu tiên dùng những khung cửi rộng dệt vải xuyến bông phù dung lớn (kêu là xuyến bông đại hóa), rồi nhuộm đen, bán rất chạy. Cụ Hoàng còn chế ra các thứ trà tàu, trà mạn, trà hột ướp sen và một thứ giấy hoa tiên để cạnh tranh với Hoa kiều".

Dưới sự điều hành của cụ Hoàng Tăng Bí, Đông Thành Xương trở thành một hiệu buôn rất có tiếng tại Hà thành: vốn xây dựng lớn nhất, trang hoàng đẹp, bán nhiều đồ nội hóa như quạt lông, đồ tre đan tại làng Đại Đồng, Sơn Tây, khay trúc ở Nghệ An...

Từ danh tiếng của cửa hiệu Đông Thành Xương, phong trào "Nhà Nho đi buôn" nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Nhiều sĩ phu đương thời đã hùn vốn lập công ty, lập hiệu buôn, khách sạn và nhà hàng trên khắp cả nước. Ví dụ như ở hiệu buôn Sơn Thọ của cụ Nguyễn Trác ở Phú Thọ, hiệu buôn Phúc Lợi Tế của cụ Tùng Hương ở tỉnh Phúc Yên, ở Sài Gòn có Chiêu Nam Lầu của cụ Nguyễn An Khương, ở Mỹ Tho có Minh Tân khách sạn của cụ Huỳnh Đình Điển, ở Long Xuyên có hiệu buôn Tân Hợp Long của cụ Hồ Nhật Tân...

Kính phục Hoàng Tăng Bí và các sĩ phu, trong diễn ca Nam Thiên phong vận, người đương thời ca ngợi các cụ: "Xã Đông Ngạc Hoàng quân Tăng Bí/ Tánh thông minh tuổi trẻ khác thường/Tướng môn dòng dõi họ Hoàng/ Á môn giá cũng xem thường nhẹ không/ Đêm ngày dốc một lòng vì nước/Đông Thành Xương đứng trước ra buôn... Cho hay những bậc tài danh/ Vì giang sơn phải dấn mình bước ra".

Sự lớn mạnh của Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng trở thành vấn đề lo ngại đối với chính quyền thực dân Pháp. Vào tháng 11/1907, chính quyền thực dân ra lệnh giải tán trường và đầu năm 1908, chính quyền thực dân tiếp tục đưa ra lệnh cấm hội họp, diễn thuyết đối với Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, Hoàng Tăng Bí thôi dạy học nhưng vẫn tiếp tục mở mang thủ công nghệ, buôn bán và vẫn giữ liên lạc để đàm luận thời cuộc với các yếu nhân, giảng viên Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau vụ chống thuế ở Trung Kỳ (tháng 1/1908) và đặc biệt là vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (tháng 6/1908) khiến thực dân Pháp kinh hãi, chính quyền thực dân xem Đông Kinh Nghĩa Thục là "cái lò phản loạn ở Bắc Kỳ". Khi phát hiện thấy sự dính líu của trường với nghĩa quân của Đề Thám ở Yên Thế, thực dân Pháp đã đàn áp thẳng tay, bắt hầu hết giáo viên, giải tán hội buôn, đóng cửa Đăng Cổ Tùng Báo, cấm diễn thuyết, cấm lưu hành và tàng trữ các tác phẩm của nhà trường.

Đóng góp cho xã hội và những năm cuối đời

Tháng 10/1908, nhiều thành viên của trường như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành bị kết án khổ sai chung thân, Dương Bá Trạc bị kết án 15 năm tù, Hoàng Tăng Bí bị kết án 5 năm khổ sai đi đày ở Côn Đảo. Cụ Hoàng Tăng Bí nhờ được sự bảo lãnh từ nhạc phụ Cao Xuân Dục - Thượng thư Bộ Học nên chỉ bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội một năm, bị quản thúc tại Huế 15 năm.

Suốt 15 năm chịu sự quản thúc tại Huế, cụ Hoàng Tăng Bí tiếp tục dùi mài kinh sử đi thi và đỗ phó bảng năm 1910, nhưng không ra làm quan. Cụ Bí mở trường tư dạy học, viết kịch bản của ba vở tuồng với tinh thần yêu nước: Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký (1913), Nghĩa nặng tình sâu - về Mị Châu Trọng Thủy (1926), Thù chồng nợ nước - về Trưng Trắc, Trưng Nhị (1927).

Sau 15 năm bị quản thúc tại Huế, Hoàng Tăng Bí trở lại nghề dạy học, dạy Việt văn ở Trường Gia Long. Thực dân Pháp biết danh tiếng của cụ Bí nên cấm không cho dạy. Cụ Bí sang cộng tác với Báo Trung Bắc tân văn, viết nhiều bài về đạo đức, nhân cách của người cầm bút trong thời đại Âu hóa với quan niệm tiến bộ của người trọng lễ, nghĩa, trí, tín. Cụ Bí còn nghiên cứu và viết cuốn Lược khảo lịch sử Trung Quốc với bút danh Tiểu Mai và dịch một số tác phẩm văn học của Pháp nhưng không có điều kiện xuất bản.

Cụ Hoàng Tăng Bí đã truyền lại chí khí và lòng yêu nước cho con trai  Hoàng Minh Giám. GS. Hoàng Minh Giám sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người trực tiếp trợ giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với nhà ngoại giao Jean Sainteny của Chính phủ Pháp, dẫn đến việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Cụ Hoàng Tăng Bí từ giã cõi đời tại làng Đông Ngạc tháng 3/1939, sau những năm hoạt động yêu nước sôi nổi, khi mới 56 tuổi. 

Triết lý kinh doanh

 

 

Thành tựu

Hoàng Tăng Bí là cá nhân đi đầu trong phong trào “Nhà Nho đi buôn” do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động với mục tiêu thay đổi nhận thức của giới sĩ phu nho học đương thời về việc kinh doanh, phá bỏ được cái tục khinh công, thương từ mấy nghìn năm truyền lại.

Kính phục Hoàng Tăng Bí và các sĩ phu, trong diễn ca Nam Thiên phong vận, người đương thời ca ngợi các cụ: "Xã Đông Ngạc Hoàng quân Tăng Bí/ Tánh thông minh tuổi trẻ khác thường/Tướng môn dòng dõi họ Hoàng/ Á môn giá cũng xem thường nhẹ không/ Đêm ngày dốc một lòng vì nước/Đông Thành Xương đứng trước ra buôn... Cho hay những bậc tài danh/ Vì giang sơn phải dấn mình bước ra".

Hoàng Tăng Bí còn có công trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng Việt Nam, góp  phần phát huy những giá trị văn hóa của bộ môn nghệ thuật này thông qua các vở tuồng nổi tiếng do chính cụ sáng tác như Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký (1913), Nghĩa nặng tình sâu - về Mị Châu Trọng Thủy (1926), Thù chồng nợ nước - về Trưng Trắc, Trưng Nhị (1927).

Hoàng Tăng Bí đóng vai trò quan trọng cho việc thành lập trường tư thục Thăng Long tại Hà Nội nơi kế thừa và phát huy tinh thần của Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cụ Hoàng Tăng Bí đã truyền lại chí khí và lòng yêu nước cho con trai Hoàng Minh Giám. GS. Hoàng Minh Giám sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người trực tiếp trợ giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với nhà ngoại giao Jean Sainteny của Chính phủ Pháp, dẫn đến việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.