Xác nhận
Doanh nhân viết

Xây dựng doanh nghiệp theo mô hình xanh ngọc

    |

“Xanh ngọc” là khái niệm không còn xa lạ với người làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam. Có lẽ, bất kỳ ai cũng thừa nhận đây mà mô hình cấp tiến nhất trong những mô hình quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình này trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam là điều không hề đơn giản. Nhưng, khó không có nghĩa là không thể!

Điểm tiêu biểu của một mô hình cấp tiến

Có thể, mọi người đã biết xanh ngọc là gì và mô hình hoạt động ra sao. Nhưng, để thuận tiện hơn cho việc cởi mở phương pháp xây dựng tổ chức theo mô hình này, chúng ta thử cùng nhau điểm qua những đặc điểm tiêu biểu của mô hình này.

Trước nhất, trong thế giới quan xanh ngọc, thế giới là nơi mỗi cá nhân thể hiện mình. Có nghĩa, thế giới này không phụ thuộc vào quyền lực theo hệ thống phân cấp, phân quyền. Ở đây, mỗi người được khuyến khích để khám phá và trở về với chính mình. Có nghĩa, chúng ta tìm thấy được tiềm năng thật sự của bản thân để hướng đến sứ mệnh mà bản thân muốn theo đuổi.

Tiếp theo, dựa vào chính việc mỗi cá nhân có quyền thể hiện mình, trong thế giới quan xanh ngọc, cái tôi sẽ được thuần hóa. Sự thuần hóa này được hiểu theo hướng lành mạnh; tức là, khi đã lắng nghe được nội tâm của chính mình, chúng ta dần dần từ bỏ cái tôi của mình. Vì sao? Vì chúng ta nhận ra, cái tôi - gồm nỗi sợ, tham vọng, khát khao - đã quyết định cuộc đời mình như thế nào. Và, điều đó là không cần thiết. Chúng ta không còn cần kiểm soát nữa. Bỏ xuống được cái tôi giúp chúng ta tin tưởng vào chính mình và tin vào người khác nhiều hơn.

Thứ ba, đặc điểm nhất thiết phải có trong thế giới quan xanh ngọc, đó là hãy để lương tâm dẫn lối chúng ta. Khi nhận ra cái tôi của mình và có thể thuần hóa cái tôi ấy, chúng ta không còn bị chi phối bởi những tác nhân bên ngoài. Mọi suy nghĩ, hành vi của chúng ta lúc này đều là kết quả của diễn biến nội tại. Trong chúng ta luôn có những câu hỏi rất lành mạnh, “giải pháp này có đúng không?”, “tôi có đang trung thực không?”, “tôi có đang cống hiến cho xã hội này?”…

Thứ tư, đặc điểm cực kỳ quý giá trong thế giới quan xanh ngọc, chúng ta sẽ tìm kiếm sự trọn vẹn. Khi để lương tâm dẫn lối, khi đã tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi rất lành mạnh kia, chúng ta sẽ nhận ra giá trị thật của cuộc đời này; đó là, tất cả mọi người và mọi thứ trên hành tinh này đều gắn kết chặt chẽ với nhau. Đó là lúc chúng ta có thể tạo ra sự liên kết với mọi người, với mọi thứ quanh mình theo hướng tích cực và lành mạnh nhất.

Áp dụng mô hình vào kinh doanh: Không hề đơn giản!

Không dễ để có thể xây dựng thành công mô hình kinh doanh theo tiêu chí xanh ngọc, đó là điều rất dễ nhận thấy. Bởi, nếu dễ dàng, có lẽ đa phần các công ty, doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chuyển đổi tổ chức của mình theo hình thức này. Thật ra, nếu xét từ những đặc điểm tiêu biểu - có thể hiểu là ưu điểm - của mô hình xanh ngọc, chúng ta đã có thể suy ra những khó khăn gặp phải nếu muốn xây dựng từ đầu, hoặc chuyển đổi mô hình đang có sang xanh ngọc.

Đầu tiên hết, chúng ta đang theo thói quen phân quyền - giao việc - giám sát. Đây không đơn giản chỉ là khó khăn trong cấu tổ chức nhân sự mà còn là thói quen của từng cá nhân, nhất là người lãnh đạo doanh nghiệp.

Một chủ doanh nghiệp thường muốn có quyền lực - phương tiện để điều hành và giám sát đội ngũ nhân sự của mình. Điều này không hề sai, bởi, họ là người đầu tư tài chính ban đầu, họ có mong muốn phát triển nguồn tiền của mình lên, sinh lợi từ nguồn tiền ấy là điều rất dễ hiểu.

Thêm nữa, ngay cả cấp quản lý trong đại đa số doanh nghiệp vẫn giữ tư tưởng làm đúng mô tả công việc và chịu đúng trách nhiệm đã thỏa thuận ban đầu. Đây cũng là thái độ đúng, bởi họ thực hiện cam kết chứ không phải chỉ cố bảo vệ lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, nếu cả cấp lãnh đạo đến quản lý đều giữ thói quen tư duy này, thì việc chuyển đổi sang mô hình xanh ngọc gần như là điều không thể. Bởi, trong thế giới quan xanh ngọc, tất cả mọi người đều bình đẳng và có trách nhiệm với công việc, với tổ chức, với xã hội như nhau.

Thứ hai, không nhiều tổ chức có phương tiện giúp người lao động chuyển hóa cái tôi của mỗi người. Nếu xét ở vấn đề trên, thì ngay cấp lãnh đạo, quản lý trong đại đa số doanh nghiệp còn giữ cái tôi, nên bám chấp vào quyền lực, phân tầng; thế thì bằng cách nào có thể giúp độ ngũ nhân sự bên dưới chuyển hóa được cái tôi của họ?

Thời gian gần đây, những cụm “thực hành chánh niệm trong công việc”, “sống và làm việc tỉnh thức” được nhắc nhiều đến mức lạm dụng; trong khi, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng khai thác đúng những nội dung này. Chúng ta hãy đặt ra một câu hỏi đơn giản thôi, tại sao tổ chức lớn như Google lại chi khoản tiền khổng lồ cho nhân viên của họ được tiếp cận và thực hành thiền, chánh niệm? Đơn giản vì phương pháp ấy thật sự đem lại lợi ích cho mỗi người về lâu dài. Và, đó là cơ sở để mỗi người thực hành có thể nhìn thấu, hiểu đúng về cái tôi của mình.

Nên, có thể thấy, muốn xây dựng từ đầu hay muốn chuyển đổi mô hình doanh nghiệp theo hướng xanh ngọc, phải bắt đầu từ mọi cá thể trong tổ chức ấy. Việc nhận diện để chuyển hóa cái tôi của mỗi người là điều không thể thiếu. Khó khăn của chúng ta là không nhìn thấy cái tôi của mình để chuyển hóa; và cũng không biết tìm đâu phương pháp để thực hành, khi mà doanh nghiệp không gợi ý, hỗ trợ.

Thứ ba, vì không thuần hóa được cái tôi, chúng ta làm sao đảm bảo mình đang làm việc bằng lương tâm? Chưa nói đến việc người lao động trong tổ chức làm đúng hay chưa đúng, thành thật hay không thành thật. Kể cả nếu họ làm đúng, cũng phải xét xem họ làm đúng với KPI hay làm đúng với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp?

Ở đây, chúng ta sẽ nhìn ra một vấn đề rất quan trọng nếu muốn xây dựng mô hình xanh ngọc. Trong thế giới quan xanh ngọc, không cần áp dụng đến công thức đo lường mức độ mà một nhân sự hoàn thành công việc. Bởi, khi không cho cái tôi cá nhân xuất hiện trong công việc, trong tổ chức, bất kỳ người lao động nào cũng làm việc bằng lương tâm thì KPI hay OKR sẽ là vô nghĩa.

Và từ quan điểm vừa nêu, nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy rất nhiều doanh nghiệp “tưởng” bỏ KPI đi thì tổ chức của họ là xanh ngọc. Thực tế, họ đi ngược và không tạo ra kết quả gì cả. Bởi, không có bảng biểu báo cáo để giám sát KPI, nhưng quản lý và lãnh đạo thường xuyên “thăm hỏi” kết quả từng phần công việc. Thành ra, cấp quản lý lại mất thêm thời gian cho việc giám sát này, chỉ để tự mình tin doanh nghiệp của mình xanh ngọc!

Biết xanh ngọc là mô hình cấp tiến; cố tạo ra những đặc điểm “giống” với sự cấp tiến ấy cũng chỉ là biểu hiện của việc chiều chuộng cái tôi của cấp quản lý, cấp lãnh đạo mà thôi. Như thế, mô hình xanh ngọc càng lúc càng xa vời.

Khó, nhưng không phải là không thể!

Nói theo cách ngắn gọn nhất, thì, hãy tập trung vào con người, vào việc chuyển hóa cái tôi của mỗi cá nhân trong tổ chức ấy. Nghe có vẻ “lý thuyết” và không rõ ràng. Thực tế, đó là cách duy nhất để tạo ra mô hình xanh ngọc. Vấn đề ở đây là con người. Mà, mỗi cá thể có một cái tôi rất riêng, không thể dùng một hoặc một vài phương pháp để áp dụng chuyển hóa cái tôi cho tất cả mọi người được.

Thế nên, muốn đạt đến mô hình xanh ngọc, hãy bắt đầu ở lãnh đạo tập thể đó. Họ phải là người nhận biết được cái tôi của bản thân và sẵn sàng bỏ cái tôi ấy xuống vì mục đích lớn. Và, chắc chắn, mục đích lớn ở đây là tạo công việc cho nhiều người, cùng nhau làm điều đúng đắn và cống hiến nhiều nhất có thể cho xã hội, cho cộng đồng.

Một nhà lãnh đạo nếu xem lợi nhuận là trên hết thì nên bám sát mô hình kinh doanh kim tự tháp. Chỉ khi lãnh đạo không tìm kiếm những nhân sự làm được việc và “trung thành”, mà đi tìm “bạn đồng hành” có cùng lý tưởng thì mới có thể bắt tay xây dựng mô hình xanh ngọc được. Và, chính vì cộng sự là bạn đồng hành, chứ không đơn thuần là đồng nghiệp hay nhân sự dưới tuyến nên không có sự phân tầng, phân quyền ở đây.

Từ cấp lãnh đạo, giá trị niềm tin được xây dựng thì không lý do gì những nhân sự khác không có niềm tin vào chính bản thân mình, vào đồng nghiệp của mình và vào con đường mọi người đi cùng nhau. Rõ ràng, vấn đề niềm tin giữa con người với con người, khi cùng lắng nghe tiếng nói nội tâm để xem giá trị đạo đức là trên hết là vấn đề then chốt trong quá trình xây dựng mô hình xanh ngọc.

Như câu chuyện thành công của Buurtzorg vậy. Họ là nhóm những y tá thoát ra khỏi những giới hạn cũ - về thời gian và không gian làm việc, về mối quan hệ đồng nghiệp, về mức độ tương tác giữa bên cung cấp với bên thụ hưởng dịch vụ... Từ Buurtzorg, chúng ta dễ dàng nhận ra, họ xem nhau là bạn đồng hành, là nhóm những người có cùng chí hướng, cùng lý tưởng, đặt việc chăm sóc bệnh nhân lên hàng đầu. Xuất phát của họ chỉ có thế, và, họ đã thành công.

DJC không dám tự nhận là mô hình xanh ngọc thành công tiêu biểu tại Việt Nam. Nhưng, đội ngũ DJC luôn có niềm tin vào mô hình này. Không cần định nghĩa, cũng không cần có những tiêu chí cụ thể vạch ra để xác minh mình có thể đạt được bao nhiêu phần trăm. Quan trọng nhất, tiền đề đầu tiên là tin vào chính mình, tin vào đồng đội của mình, tin con đường cùng nhau đi đem lại lợi ích cho số đông…, như thế đã đủ để DJC có niềm tin mô hình của mình vốn đã mang màu xanh ngọc từ đầu.

Nếu nhìn rộng, mô hình xanh ngọc sẽ tạo nên một hệ sinh thái riêng, rộng lớn. Trong đó có những cá thể mang giá trị riêng; và những cá thể ấy bổ trợ, tương hỗ cho nhau. Như thế, tự nhiên hệ sinh thái này sẽ vững bền và ngày càng phát triển. Còn nếu nhìn hẹp lại, chúng ta thử hình dung thế này, bộ não của mỗi con người có đến 85 tỷ tế bào; nhưng chẳng cần đến ban chấp hành hay ban quản lý nào cả.

Tại sao phải tổ chức những cuộc họp để báo cáo mỗi tuần, mỗi tháng; và từ quản lý cấp cao trở xuống đều phải sẵn sàng phần trình bày của mình? DJC gặp nhau mỗi tuần, thậm chí mỗi tuần nhiều lần, nhưng những gì trao đổi với nhau là các bước triển khai kế hoạch để đi tiếp. Đó thuần túy là những buổi chia sẻ ý tưởng rồi cùng nhau biến ý tưởng thành hiện thực. Không có sự căng thẳng nào khi “phê bình và tự phê bình” cả; chỉ có cổ vũ và sẵn lòng đồng hành cùng nhau.

Rõ ràng, hệ thống thứ bậc không giải quyết được sự phức tạp. Nếu mỗi cá thể trong cùng một tổ chức có cùng niềm tin, cùng đặt giá trị đạo đức lên trên hết, thì mô hình xanh ngọc tự nhiên sẽ thành hình.

NGUYỄN CHÂU LINH - Founder - CEO Tập đoàn DJC

Chia sẻ: