Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Trần Quý Cáp

Tiểu sử

Trần Quý Cáp lúc nhỏ có tên là Nghị, tự là Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thai Xuyên, ông sinh năm 1870 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thai La, xã Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nên ông không may mắn có nhiều điều kiện ăn học như các con nhà phú túc trong vùng, khi lớn lên, ông vừa giúp gia đình lo chuyện đồng áng, vừa dùi mài kinh sử. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền mua sách vở, Trần Quý Cáp phải học nhờ sách của con nhà khá giả trong vùng. Nhưng nhờ bản tính thông minh, chịu khó học tập nên Trần Quý Cáp được thầy dạy khen “đọc sách gì cũng hiểu ngay, thầy dạy lấy làm lạ”. Đến năm 20 tuổi, ông được Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong chu cấp ăn học và cho đổi tên thành Quý Cáp.

Sau này khi lên trường tỉnh học, Trần Quý Cáp là một trong sáu người học giỏi nhất ở trường tỉnh lúc bấy giờ.

Là một sĩ phu cấp tiến, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng cải cách của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, Trần Quý Cáp với tấm lòng yêu nước nồng nàn đã cực lực đả kích lối khoa cử xưa, đề nghị một lối học mới có tinh thần cứu quốc. Năm 1905, ông cùng Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng quyết định vào Nam, hô hào công cuộc Duy Tân.

Truyền bá tư tưởng duy tân đất nước

Đi qua nhiều tỉnh, thành miền Trung, cả ba người rất tích cực tuyên truyền, vận động tư tưởng Duy Tân nhằm thay đổi lối sống và phong tục đã lỗi thời của người Việt, đề cao tầm quan trọng của việc kinh doanh, khuyến khích mở các thương hội để khôi phục nền kinh tế nước nhà, mở các trường theo lối tân học để đào tạo nhân tài cho phong trào… đi đến đâu cũng được nhiều người hưởng ứng.

Vào Bình Định gặp lúc quan tỉnh mở kỳ thi khảo hạch, ra đầu bài thơ là Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn Lương Ngọc, cả ba ông nhân dịp cổ động việc nước, liền nộp quyển làm bài. Những bài của ba ông khiến quan tỉnh điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để quyết định. Vào đến Khánh Hòa, nhân có chiến hạm Nga vào tránh bão ở vịnh Cam Ranh, ba ông liền giả làm thương nhân thuê thuyền ra quan sát.

Vào tới Bình Thuận, ba ông lại kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Trương Gia Mô, Nguyễn Hiệt Chi và các con trai của nhân sĩ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh họp bàn việc nước, mưu lập công ty kinh doanh, mở trường dạy học để khai mở dân trí, chấn hưng kinh tế nhằm mưu đường canh tân.

Năm 1906, sau cuộc Nam du, Trần Quý Cáp trở về Quảng Nam theo yêu cầu của Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đệ bổ nhiệm ông làm Giáo thụ phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Theo Châu bản đời vua Thành Thái (5/7/1906) của Bộ Lại cho biết: “Ngày 21 tháng 5 năm nay, nhận được tờ tư của Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đệ trình rằng: Chức Giáo thụ phủ Thăng Bình thuộc hạt hiện khuyết. Xét có đồng Tiến sĩ Trần Quý Cáp xin về dạy học để tiện chăm sóc cha mẹ là người cần mẫn, văn học đáng khen, được sĩ tử lấy làm tấm gương, xin đưa viên ấy bổ làm Giáo thụ phủ ấy”.

Tuy nhiên, Trần Quý Cáp lại có ý định không nhậm chức mà chọn việc nhóm họp mọi người để diễn thuyết, truyền bá những tư tưởng canh tân, đổi mới cho người dân Quảng Nam nhưng được lời khuyên của gia đình và bằng hữu, ông miễn cưỡng nhận chức Giáo thụ phủ Thăng Bình. Theo lời kể của Trần Huỳnh Sách, học trò của ông thì: “Tiên sinh không muốn đi, nhưng thân bằng lấy sự nhà nghèo và mẹ già khuyến khích mãi, tiên sinh mới đi”.

Trong thời gian nhận chức Giáo thụ, Trần Quý Cáp đã biến phủ Thăng Bình làm nơi duy tân hóa giáo dục, hợp pháp hóa việc dạy chữ Quốc ngữ và truyền bá tân học. Ông thay đổi lối học khoa cử trước giờ của trường thành ngôi trường Duy Tân theo lối học mới, tiến bộ hơn bằng việc giảng dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội, dạy thủ công, thể dục, võ thuật, chú trọng vào tính hướng nghiệp và sự thực dụng.

Đồng thời, ông còn tổ chức diễn thuyết cổ động tân học cho rất nhiều người trong tỉnh Quảng Nam, nhiều nhân sĩ đã tự nguyện góp công, góp của dựng lên nhiều ngôi trường theo lối duy tân tại nhiều làng, xã trong tỉnh Quảng Nam. Từ đó tư tưởng đổi mới mà ông cùng Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng đã dành nhiều tâm huyết tuyên truyền lan rộng ra khắp các trường khác trong tỉnh Quảng Nam, làm thay đổi nhận thức trong lối sống, cách sinh hoạt và nhận thức của người Việt trong nhiều vấn đề như thương mại, nông nghiệp, lối học tập, lối sống… Chưa đầy một năm, trong tỉnh Quảng Nam đã có đến 40 trường tân học ra đời, với những cái tên tiêu biểu và có ảnh hưởng lớn như Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại…

Tư tưởng của ông đã hoàn toàn đổi mới và điều quan trọng là ông đã hoạt động không biết mệt mỏi để thực hiện lý tưởng cứu nước trong nhiều địa hạt. Khi phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh phát động ngày càng diễn ra sôi nổi, ông lại tham gia Duy Tân hội của Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành. Ông đề cao biện pháp để mở mang dân trí, nâng cao tinh thần của quần chúng không gì hơn diễn thuyết, mở trường dạy học…

Hoạt động kinh doanh

Không chỉ diễn thuyết, kêu gọi về việc lập thương hội, công ty để kinh doanh, Trần Qúy Cáp còn là người thực hiện. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Xuân trong Phong trào Duy Tân: “Tháng tư năm Bính Ngọ 1906, Trần Qúy Cáp cùng Nguyễn Tán, các ông cử Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh… lên nguồn núi Dùi Chiêng tìm Sở rẫy Cờ Vĩ để khẩn hoang. Thấy đất linh láng màu mỡ tốt, bèn về mộ phu lên làm. Lúc ấy dân chưa nhận thức, người sợ nước độc, kẻ sợ xa nhà nên không ai chịu đi. Trần Qúy Cáp phải ra thuê một sở ruộng làng Cẩm Nê chỗ giáp giới huyện Hòa Vang với phủ Điện Bàn, diện tích ước phải hai mươi mẫu để lập nông hội. Trần Qúy Cáp đứng ra tổ chức và trông coi sự làm ruộng ấy, mục đích để lấy hoa lợi tiếp tế cho anh em du học”.

Nông hội Cờ Vĩ do Trần Qúy Cáp thành lập nằm ở Cờ Vĩ là một khu vực hẻo lánh mà trước đây Trần Qúy Cáp từng đến để tuyên truyền cổ động Duy Tân. Muốn đến nơi này, cần phải đi ngược sông Thu Bồn, qua các khu vực Phường Rạch, Dùi Chiêng rồi mới tới Tý, Sé, xa hơn là khu vực đóng Tân tỉnh của Nguyễn Duy Hiệu thời Cần vương một buổi đường. Nơi đó, gần như hoang địa, đất rất tốt, lại bằng phẳng, thuận tiện cho việc gieo vải, trồng trọt. Đất đó trồng bắp thì ít nơi nào sánh kịp. Vì thế mà nơi này có tiếng là khu sản xuất bắp. Phương tiện chuyên chở thì chỉ có gánh. Dân phu phải gánh hoa lợi từ nhàn điền ra đến khe Sé rồi mới xuống ghe. Vào ban đêm còn nghe tiếng hổ rống, lại thêm gió núi vượt qua khoảng không rộng lạnh tê tái, nhưng kinh khủng nhất là bệnh sốt rét.

Bất chấp những điều kiện khó khăn đó, Trần Qúy Cáp vẫn không ngại nguy hiểm, gian nan để phát triển hoạt động của nông hội. Ông biên soạn bài thơ Khuyến nông ca khích lệ tinh thần nông phu làm việc: “Nói chi nữa đến ngày hoa vụ/ Gà lộn, cu quay, xôi vò, rượu hủ/Vui cùng nhau ăn cơm mới, nói chuyện xưa/ Khi Lịch Sơn, lúc Tân Giả cày bừa/ Nghĩ cho hết biết bao nhiêu mùi kinh tế/ Việc xử thế phải sạch câu hành chí/ Muốn làm chi những thú mây mưa/ Kìa kìa, gió sớm trăng trưa".

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển nông hội Cờ Vĩ lại thất bại trước những điều kiện khó khăn do thời tiết và địa hình nơi đây. Không nản lòng, Trần Qúy Cáp lại tiếp tục mở nông hội ở Cẩm Nê (Yến Nê). Khu vực này ở giáp giới huyện Hòa Vang, và Phủ Điện Bàn, ở giữa các vùng Hà Thanh, Quang Châu, Dương Sơn, cách đập An Trạch hiện nay ba cây số. Tại nông hội Cẩm Nê, Trần Qúy Cáp chủ trương trồng các loại bắp, sắn, khoai dọc theo bờ sông và khuếch trương một loại cây mới về sau được phổ biến khắp miền Trung, được mệnh danh là miền Thùy Dương. 

Đối với những vùng có nguồn lợi lớn về trồng quế, chè, tiêu… thì Trần Qúy Cáp nhận thấy chủ trương duy tân là một nhu cầu bức thiết để các chủ vườn có cơ hội bán sản phẩm theo đúng giá trị của nó, ngăn chặn nạn thương nhân người Hoa dìm giá, ép giá. Nhận thấy triển vọng tốt đẹp, các chủ vườn đã đua nhau sửa sang, mở mang vườn quế, mua thêm đất để trồng thêm quế, chè, tiêu…

Bên cạnh thương nghiệp và nông nghiệp, Trần Qúy Cáp còn chủ trương duy tân kinh tế trên lĩnh vực thủ công nghiệp. Đáng chú ý là các xưởng sản xuất đồ thủ công, mở các lò rèn và các thương cuộc buôn bán nông cụ, thu hút đông đảo người dân lui tới. Ngoài ra, còn xuất hiện các thương hội dệt vải để may Âu phục, trong đó, làng Bảo An, Điện Bàn nổi tiếng dệt đẹp, các sản phẩm có thể cạnh tranh với tơ lụa nhập cảng.

Thông qua các hoạt động kinh doanh của Trần Qúy Cáp không những đã cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực kinh tế của một số thương nhân mà đặc biệt còn tạo ra một nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động “khai dân trí” và “chấn dân khí”. Cũng qua việc trao đổi buôn bán, những yếu nhân của Phong trào Duy Tân có cơ sở pháp lý để qua lại, trao đổi với nhau nhằm thống nhất hoạt động mà chính quyền thực dân không làm gì được.

Những năm cuối đời

Không thể để mặc cho Trần Qúy Cáp hoạt động, gây ảnh hưởng lớn tại Quảng Nam, thực dân Pháp cho điều ông vào phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trần Qúy Cáp không muốn đi và có ý thoát qua Nhật Bản nhưng do mẹ già và việc nước chưa thành, ông ủy thác việc Thương hội, Học hội cho các đồng chí của mình để vào nhậm chức giáo thụ ở Khánh Hòa. Sau khi Trần Quý Cáp đi nhận chức Giáo thụ ở phủ Ninh Hòa thì huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nổ ra cuộc biểu tình chống đi phu và đòi giảm sưu thuế. Biết tin, Trần Quý Cáp có gửi thư cho bạn hữu của ông ở tỉnh Quảng Nam. Ngay sau đó, thực dân Pháp cho lùng bắt ông. Nội dung bản tấu ngày 04 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908) của Bộ Binh cho biết: “Ngày 13 tháng trước nhận được tư văn của quan tỉnh Khánh Hoà Phạm Ngọc Quát trình rằng: đã nhận được tư văn của Chính phủ nói dân hạt Quảng Nam, Quảng Ngãi tụ tập đòi xét giảm tiền sưu. Hạt ấy tư mong tăng cường tuần phòng nghiêm ngặt, ngăn chặn, lùng bắt. Và gần đây ngài Công sứ ở tỉnh (Khánh Hòa) bàn việc cùng rà bắt viên Giáo thụ Trần Quý Cáp ở Ninh Hoà và tra xét các trường ấu học, thầy dạy, thân sĩ, hương lí tình nghi”.

Quan tỉnh Khánh Hoà kết án ông tội “mưu phản đại nghịch”. Sử liệu Châu bản triều Nguyễn nhắc tới bản án này như sau: “Ngày 19 tháng trước nhận được bản án do tỉnh Khánh Hoà đệ trình, ghi rằng: Trần Quý Cáp là người đỗ đạt trong khoa giáp lại dám mưu đồ làm phản. Trước đây cùng bọn Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Hoàng Thượng Trung câu kết với người nước ngoài âm mưu phản nghịch. Nay lại ngấm ngầm tàng trữ giấy tờ của bọn giặc (Sào Nam tử thi tập). Nguyễn Ty Trực biết rõ âm mưu, không tố cáo, sau khi đem ra tra xét mới chịu cung khai tất cả sự thực. Vậy xin theo luật "Mưu phản đại nghịch" xử Trần Quý Cáp bị lăng trì xử tử. Xin theo luật "Mưu phản" xử Nguyễn Ty Trực bị chém ngay. Phủ thần vâng xét: Trong án này, Trần Quý Cáp mưu đồ làm phản Nguyễn Ty Trực cũng biết rõ âm mưu, tội tình giống nhau, nhưng lại kiêm dẫn hai điều luật, rồi phân biệt xét xử, là ra hai đầu mối. Vậy xin theo luật này, xử Trần Quý Cáp bị chém ngay, miễn tội lăng trì”.

Ngày 17 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908), Trần Quý Cáp bị đưa ra bãi sông Cạn xử trảm. Khi ra pháp trường ông vẫn ung dung, điềm tĩnh như khi giảng sách cho học trò. Trong bài điếu văn ông, Sào Nam Phan Bội Châu viết: “Nhớ khi ông tới trường chém, dao đã kề cổ, còn ung dung xin với quan giám trảm cho đặt án, đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân năm bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách”.

Thành tựu

Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh là "ba ngọn cờ đầu" của phong trào Duy Tân ở miền Trung Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Trần Qúy Cáp là người khai mở dân trí, chấn hưng khinh tế hàng đầu ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX. 

Tư tưởng của ông đã hoàn toàn đổi mới và điều quan trọng là ông đã hoạt động không biết mệt mỏi để thực hiện lý tưởng cứu nước trong nhiều địa hạt.

Ông đề cao biện pháp để mở mang dân trí, nâng cao tinh thần của quần chúng không gì hơn diễn thuyết, mở trường dạy học…

Hình ảnh một vị tiến sĩ cựu học đến với quần chúng để diễn thuyết, bài xích khoa cử, đề cao tân học, cổ động việc lập trường, mở hội nông thương… là một hình ảnh rất mới mẻ và lạ lùng vào đầu thế kỷ XX.