Xác nhận
Doanh nhân viết

Doanh nhân Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954

    |

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mang lại cho tầng lớp doanh nhân một cuộc đổi mới sâu sắc, từ thân phận dân thuộc địa sang công dân một nước độc lập. Cùng với nhân dân cả nước, doanh nhân Việt Nam hăng hái tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, bắt tay vào công cuộc kiến thiết nước nhà.

Doanh nhân Việt Nam từng bước được thừa nhận...

Ngay từ sau Ngày Độc lập 2/9, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn trương kiến thiết quốc gia trên tất cả các mặt: hành chính, kinh tế, giáo dục, y tế, đoàn kết dân tộc… Đối với tầng lớp doanh nhân Việt Nam, Người hiểu rõ tầm quan trọng và những đóng góp của họ trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia. Trong bức thư gửi giới Công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của tầng lớp doanh nhân Việt Nam:

"Cùng các ngài trong giới Công thương

Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. 

Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. 

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Tư tưởng chủ đạo trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Hồ Chí Minh là bãi bỏ các quy định độc quyền thời thuộc địa, thực hiện tự do kinh tế. Chính phủ đã ban hành hàng loạt các sắc lệnh thể hiện quyền tự do kinh tế của người dân.


Bác Hồ với giới Công thương, năm 1946

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ngày 5/9/1945, Bộ Nội vụ ban hành sắc lệnh bãi bỏ các thể lệ về sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo trước đó của chính quyền thuộc địa. Đồng thời, toàn bộ sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo ở Bắc bộ được hoàn toàn tự do. Đặc biệt, Sắc lệnh ngày 2/10/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế đã cho thấy tinh thần khuyến khích hoạt động tự do kinh doanh trong nước của Chính phủ. Trong Sắc lệnh quy định: “Kể từ ngày ký quyết định này, đều bãi bỏ tất cả các luật lệ buộc phải có giấy phép trước của Chính phủ mới được khai trương, khuếch trương, nương lại hay di chuyển những cơ quan thương mại, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp”.

Đến ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi các doanh nhân, các điền chủ cùng nhau kiến thiết nước nhà trong Thư gửi chủ nông gia Việt Nam như sau: 

“Hỡi đồng bào điền chủ nông gia!

Anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã.

Tục ngữ có câu: “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Đồng bào điền chủ nông gia hãy hǎng hái cùng nhau làm việc kiến quốc đó”.

Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam, bao gồm kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Tư bản tư nhân“Họ bóc lột công nhân nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ:

“1 - Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.

Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.

2 - Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức.

Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.

Trong sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm về kinh tế tư bản tư nhân và những nhà tư sản. Người viết: “Còn giai cấp tư sản ở ta, thì họ có xu hướng chống đế quốc… cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội”.

… Đến chứng minh vai trò to lớn của mình

Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhiều doanh nhân đã hết lòng ủng hộ cách mạng như Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà…

Sau Cách mạng tháng Tám, các doanh nhân thời thuộc địa đã tham gia cùng Chính phủ khắc phục khó khăn, kiến thiết đất nước. Điển hình như doanh nhân Trịnh Văn Bô tham gia Ủy ban Hành chính Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Cụ Bô nhận công tác ở Ngân hàng Trung ương của Chính phủ tại Việt Bắc. Đến khi Chính phủ lâm thời phát động Tuần lễ vàng, gia đình ông đã quyên góp 1.000 lạng vàng, mua và tặng 20 vạn áo trấn thủ…


Gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô trong ngày mở đầu Tuần lễ Vàng
tại Nhà Hát lớn Hà Nội 17/9/1945
(Nguồn:Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Hoặc doanh nhân Ngô Tử Hạ, trong thảm họa chết đói năm 1945, cụ đã mặc áo the, khăn xếp, kéo xe bò khắp đường phố Hà Nội để kêu gọi cứu tế và sử dụng nhà in của cụ làm nơi in tờ bạc đầu tiên của Chính phủ.

Doanh nhân Ngô Tử Hạ kéo xe bò đi quyên góp trong Nạn đói 1945
(Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Một trường hợp nổi tiếng khác là doanh nhân Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội, đóng góp nhiều tiền vàng cho chính quyền cách mạng. Khi Toàn quốc kháng chiến diễn ra, cụ Thiện đã giúp Chính phủ xây dựng nhà máy in tiền và cung cấp quân lương cho kháng chiến.


Máy in tiền của doanh nhân Đỗ Đình Thiện tại Khu Di tích đồn điền Chi Nê
(Nguồn: Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam)

Ngoài ra, nhiều doanh nhân cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, cùng đồng bào các giới bắt tay vào công cuộc kiến thiết quốc gia. Với kinh nghiệm và sở trường của mình, nhiều doanh nhân đã đứng ra thành lập các công ty, tổ chức kinh tế mới như Việt Thương công ty, Ngân hàng Nam Á, Thái Bình thương hội, Công ty Việt Bắc… Sự thống nhất dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa đã tạo điều kiện cho các doanh nhân mở rộng buôn bán. Ngoài ra, để đảm bảo ổn định của nền kinh tế, một số hãng buôn tư nhân đã trở thành đại lý các mặt hàng quan trọng cho Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian hòa bình ngắn ngủi, sự tái xâm lược của thực dân Pháp đã khiến cho công việc kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam bị gián đoạn. 

Trong thời gian Toàn quốc kháng chiến, nền kinh tế Việt Nam bị chia thành các khu vực do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý (gồm căn cứ cách mạng và vùng giải phóng) và vùng Pháp tạm chiếm (vùng tạm chiếm). Khi các thành thị bị tạm chiếm, phần lớn nhân dân di chuyển về vùng nông thôn hoặc theo Chính phủ lên vùng kháng chiến. Một số doanh nhân ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh đã bỏ lại cơ sở kinh doanh của mình, theo Chính phủ lên chiến khu. Trong điều kiện khó khăn của chiến khu, hoạt động sản xuất chỉ được duy trì ở mức vừa đủ để phục vụ cuộc sống thường nhật và chiến đấu. Một số cơ sở sản xuất nhỏ được duy trì như thuộc da, làm mũ, làm dép, đường mật, bánh kẹo, đậu phụ, mực viết, phấn, đồ thủy tinh… 

Cũng trong thời gian này, ở vùng kháng chiến, Chính phủ đã hỗ trợ một phần đối với các doanh nhân. Từ tháng 3/1947 đến tháng 9/1948, Chính phủ đã hỗ trợ 2.252.580 đồng cho 775 nhà kinh doanh trên các lĩnh vực cấp thiết như công nghệ, dầu thắp sáng, thủy tinh, hóa phẩm… Để khuyến khích tư nhân tham gia sản xuất và do tình hình thời chiến, Chính phủ không quy định mức thuế đối với tư doanh. Phải đến năm 1953, khi vùng kháng chiến được mở rộng, cuộc kháng chiến đang vào những giai đoạn quyết định, Chính phủ mới đặt vấn đề thu thuế với các cơ sở tư doanh, nhưng cũng dựa trên tinh thần tự nguyện.


Bác Hồ đến thăm một xưởng công binh tại chiến khu Việt Bắc, tháng 2/1951
(Nguồn: Tạp chí Công thương)

Có thể nói, tầng lớp doanh nhân đi theo Chính phủ Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến, đóng góp tài lực, vật lực xây dựng nền kinh tế kháng chiến, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Bên cạnh đó, một số doanh nhân cũng có tinh thần quốc gia nhưng vì một số lý do đã không tản cư lên chiến khu. Họ ở lại các khu vực tạm chiếm của Pháp tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh mang tính cầm chừng, chờ đợi kết thúc chiến tranh. Một số doanh nghiệp vẫn tin vào chiến thắng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mong chờ ngày hòa bình để tiếp tục sản xuất, như hãng dệt Cự Doanh, nước mắm Vạn Vân… Những cơ sở kinh tế này sau năm 1954 đã trở thành xí nghiệp công tư hợp doanh.

Ngay khi quay lại Việt Nam, người Pháp đã bắt đầu kế hoạch khôi phục nền kinh tế ở những vùng tạm chiếm. Pháp đưa ra kế hoạch Bourgoin nhằm tái thiết Đông Dương trong vòng 10 năm. Theo kế hoạch này, người Pháp sẽ chú trọng vào công nghiệp chế biến sản phẩm từ hầm mỏ, đất đai với hai điểm then chốt là phải phát triển công nghiệp cơ khí và hóa chất. Công nghiệp năng lượng cũng được người Pháp đề cập để điện khí hóa toàn Việt Nam. 

Theo kế hoạch Bourgoin, người Pháp cần đến hơn 3 tỷ USD để tái thiết Đông Dương. Tuy nhiên, bản kế hoạch này cũng cùng số phận với sự xâm lược của Pháp tại Đông Dương, tính đến ngày 30/6/1949, chỉ mới 1, 241 tỷ USD được giải ngân, nên nền kinh tế của Đông Dương không có gì thay đổi. Sau năm 1950, Pháp bắt đầu nhận được viện trợ từ Mỹ nhưng chủ yếu dành cho quân sự.

Giai đoạn này ở vùng tạm chiếm xuất hiện một vài ngành công nghiệp mới như công nghiệp giải trí. Từ thập niên 1950, một số rạp chiếu phim bắt đầu hoạt động tại Hà Nội, Sài Gòn. Công ty Điện ảnh Kim Chung của Trần Viết Long là một điển hình. 


Logo Công ty Điện ảnh Kim Chung của Đạo diễn Trần Viết Long
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp đã đưa tư bản nước ngoài có thế lực tài chính mạnh vào, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam tại các vùng tạm chiếm. Các doanh nhân người Việt phải chịu sự thất thế so với các ngoại kiều (như người Hoa) hoặc chịu tác động mạnh mẽ từ những thế lực tài chính mạnh là người Pháp.

Về sau, do điều kiện chiến tranh ngày càng diễn biến bất lợi cho thực dân Pháp, một số công ty Pháp đã tìm cách thoái vốn khỏi Việt Nam. Nhân cơ hội này, một số doanh nhân Việt Nam đã tìm cách mua lại các cơ sở kinh tế của họ.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam trong 9 năm này chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc kháng chiến chống Pháp, tầng lớp doanh nhân cũng theo đó gặp nhiều biến động, thăng trầm trong hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn chứng minh được vai trò to lớn trong công cuộc tái thiết và bảo vệ đất nước.

Chia sẻ: