Xác nhận
Doanh nhân viết

Doanh nhân Việt Nam giai đoạn 1954-1975

    |

Giai đoạn 1954-1975, Việt Nam được đặt dưới hai chế độ chính trị khác nhau, nên tầng lớp doanh nhân Việt cũng bước theo hai ngã rẽ khác nhau. Trong khi doanh nhân miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, tư duy sáng tạo trong kinh doanh dần nhường chỗ cho chủ nghĩa bình quân, thì doanh nhân miền Nam dưới chính sách của nền kinh tế thị trường tự do đã mạnh dạn đầu tư, ngày một phát triển về lượng và chất.

Doanh nhân miền Bắc Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội

Giai đoạn 1954-1957: 

Sau Hiệp định Geneve, vỹ tuyến 17 được lấy làm đường biên giới quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc. Miền Bắc sạch bóng quân xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân bắt tay vào tái thiết đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, nền kinh tế miền Bắc trở nên kiệt quệ, hơn 1.400.000 ha ruộng đất hoang hóa; các công trình thủy nông, đê điều bị hư hại; hầm mỏ, đồn điền, xí nghiệp bị tàn phá; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt; làng mạc, thôn xóm tiêu điều; trên 100.000 người không có việc làm; sự nghèo đói, lạc hậu, đặc biệt là nạn đói đe dọa biểu hiện rõ nét trong đời sống của người dân miền Bắc Việt Nam từ thành thị đến nông thôn.

Để khôi phục nền kinh tế, Đảng Lao động Việt Nam đề ra kế hoạch 3 năm lần thứ nhất (1955-1957) với chủ trương: “Khôi phục, phát triển thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và công nghiệp trên cơ sở sẵn có, chủ yếu nhằm phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, phục vụ quốc phòng”. Đảng và Nhà nước ra sức phát triển công nghiệp quốc doanh, coi công nghiệp quốc doanh là bộ phận chủ đạo của nền kinh tế công nghiệp với mục tiêu “chiếu cố, hướng dẫn, giúp đỡ công nghiệp tư bản tư doanh”. Đồng thời, Chính phủ chủ trương tăng cường mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã, đồng thời hướng dẫn thương gia chuyển sang kinh doanh công nghiệp, hoặc làm đại lý, kinh tiêu cho quốc doanh trong lĩnh vực thương nghiệp.

Thông qua chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến năm 1957, nền kinh tế miền Bắc dần dần được khôi phục với hơn 1.000 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được thiết lập; hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đã được quốc doanh hóa; hệ thống mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán được hình thành rộng khắp. Một nền kinh tế nhiều thành phần phù hợp với hoàn cảnh miền Bắc Việt Nam trong những năm đầu sau chiến tranh vẫn tồn tại, tuy nhiên kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể bước đầu hình thành.


Bác Hồ thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội)
ngày 19/5/1955
(Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam)

Nhìn chung, nền kinh tế miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1957 là nền kinh tế nhiều thành phần được điều chỉnh theo kế hoạch của Nhà nước. Nhờ vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực kinh tế do Đảng Lao động Việt Nam thực hiện đã xóa bỏ bóc lột về kinh tế. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, do vậy thường gấp gáp, sai lầm trong việc giải quyết. Mâu thuẫn giữa kinh tế khu vực quốc doanh, tập thể (hợp tác xã) với khu vực kinh tế tư doanh, và trở thành một đặc điểm trong cơ chế vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần ở miền Bắc.

Giai đoạn 1958-1960: 

Đảng và Nhà nước bước vào kế hoạch kinh tế 3 năm lần thứ hai (1958-1960) với chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy sản xuất nông nghiệp làm khâu chính”. "Ra sức cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội, khâu chính là đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp, đồng thời tích cực phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh”.

Chính phủ Hồ Chí Minh cũng tiếp tục tiến hành cải tạo kinh tế tư bản tư doanh với tư tưởng chủ đạo: “Phải phát triển công nghiệp quốc doanh của Trung ương và của địa phương, cải tạo và phát triển thủ công nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công nghiệp tư bản tư doanh”; “Song song với việc phát triển và củng cố mậu dịch quốc doanh, cần đẩy mạnh việc cải tạo thương nghiệp tư nhân (kể cả thương nghiệp tư bản tư doanh lẫn những người buôn bán nhỏ)”.


Bác Hồ đến thăm Xưởng may 10 năm 1959 (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Trên tinh thần của kế hoạch kinh tế 3 năm lần thứ hai (1958-1960), nền kinh tế miền Bắc tiếp tục phát triển với 783 hộ tư sản công nghiệp, 826 hộ tư sản thương nghiệp, 319 hộ tư sản vận tải cơ giới được tham gia chương trình cải tạo xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, hầu hết lao động làm nghề thủ công (258.000 người), tiểu thương (230.000 người) đều tự nguyện tham gia hình thức làm ăn tập thể, hình thành nên 8.000 hợp tác xã nghề thủ công, hợp tác xã mua bán lớn, nhỏ, theo Báo cáo về kế hoạch ba năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh.

Có thể thấy, nền kinh tế miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1958-1960 là giai đoạn chuẩn bị tiến dần đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, do vậy đặc điểm nổi bật đó là: quá trình chuyển đổi nền kinh tế nhiều thành phần sang một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai thành phần kinh tế cơ bản: kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.

Giai đoạn 1961-1965:

Từ những thành công trong kế hoạch kinh tế 3 năm lần thứ hai (1958-1960), tháng 9/1960, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam đề ra hai chiến lược cách mạng Việt Nam: chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, đồng thời thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Dựa theo tình hình và đặc điểm của xã hội miền Bắc, Đảng quyết định đưa miền Bắc tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong suốt thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta.

Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đề ra đường lối phát triển kinh tế với mục tiêu: “Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện… Tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã chuẩn bị cơ sở để tiến lên biến nước ta thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa”.

Thông qua đường lối, mục tiêu của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Nhà nước đẩy mạnh quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, xây dựng hệ thống hợp tác xã, đưa các hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, tổ chức các nông trường quốc doanh. Nhà nước còn đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, đặc biệt là công nghiệp nặng, xây dựng một số nhà máy lớn như: Thép Thái Nguyên, Hóa chất Việt trì, Cao su Sao Vàng Thanh Hóa, Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Đồ hộp hoa quả Hà Nội… Đến năm 1965, miền Bắc Việt Nam có 1.132 xí nghiệp quốc doanh, chiếm 93,1% tỷ trọng trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Ngoài ra, Nhà nước còn xây dựng hệ thống mậu dịch với các cửa hàng tổng hợp, hợp tác xã mua bán hình thành chi phối toàn bộ thị trường, hàng hóa thiết yếu được bao cấp giá, phân phối bình quân chủ yếu theo chế độ tem phiếu. Thị trường hàng hóa tiền tệ chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy sứ Hải Dương ngày 26/7/1962 (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Từ tổng quan tình hình kinh tế miền Bắc giai đoạn 1961-1965, có thể nhận định đây là giai đoạn chính thức của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với đặc điểm nổi bật là nền kinh tế hai thành phần cơ bản: kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp.

Giai đoạn 1965-1975:

Từ cuối năm 1964, miền Bắc Việt Nam liên tục bị không quân, hải quân của đế quốc Mỹ đánh phá. Trước tình hình trên, tại Hội nghị Trung ương lần thứ XI (25-27/3/1965) và lần thứ XII (27/12/1965), Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra chủ trương đặt miền Bắc trong tình trạng thời chiến; xây dựng, phát triển miền Bắc vững mạnh về kinh tế và quốc phòng; đảm nhận nhiệm vụ và đóng vai trò là hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong giai đoạn này, nền kinh tế miền Bắc vẫn tiếp tục đường lối phát triển kinh tế của giai đoạn 1961-1965, tuy nhiên, trong tình trạng thời chiến, nhân dân miền Bắc vừa phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng, phát triển kinh tế, vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa thực hiện nhiệm vụ là hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ cứu nước, do vậy, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Sức sản xuất của nền kinh tế chỉ đáp ứng được khoảng 40 đến 50% nhu cầu của công cuộc xây dựng đất nước và công cuộc kháng chiến chống xâm lược. Do vậy, Đảng và Nhà nước đã kêu gọi, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong vòng 20 năm (1955-1975), tổng số hàng hóa mà nhân dân ta nhận được từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em là 2.362.682 tấn (tương đương khoảng 7 tỷ USD).

Có thể thấy, trong giai đoạn 1965-1975, nền kinh tế miền Bắc là nền kinh tế công hữu được vận hành theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nên sức sản xuất yếu kém, phải nhờ đến nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa.

Bác Hồ gặp mặt đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968 (Nguồn: Tạp chí Công thương)

Nhìn chung, từ tổng quan tình hình kinh tế miền Bắc trong giai đoạn 1954-1975, trong khi nền kinh tế công hữu với hai hình thức kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể chiếm ưu thế thì kinh tế tư bản tư doanh dần mất hẳn khi miền Bắc chính thức bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc hầu như không xuất hiện khái niệm "doanh nhân”, do phần lớn những người kinh doanh lần lượt gia nhập vào các hợp tác xã, nhà máy, xí nghiệp quốc doanh theo tinh thần của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, “sức ép” của hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể với mục tiêu xóa bỏ bóc lột kinh tế, xóa bỏ giá trị thặng dư.

Theo Báo cáo tình hình cải tạo công thương nghiệp tư doanh của Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh khảo sát thì trong giai đoạn 1954-1957, số doanh nhân trên lĩnh vực công nghiệp có tăng lên, năm 1955 có 51.688 cơ sở với 128.622 công nhân; năm 1956 có 54.985 cơ sở với 161.241 công nhân. Sự tăng nhanh số tư bản tư doanh mang tính “bong bóng” tạm thời, vì vai trò kinh tế của họ không được thể hiện và nhanh chóng giảm sút thông qua công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Đến giai đoạn 1959-1960, “trên 80% cơ sở tư doanh đã có quan hệ gia công đặt hàng với kinh tế quốc doanh, 80% giá trị hàng của công nghiệp tư bản tư doanh là hàng quốc doanh gia công thu mua. Đến đầu năm 1960, có 783, chiếm tỷ lệ 100% số hộ tư sản công nghiệp được cải tạo; trong đó 741, chiếm 94,6% số nhà tư sản công nghiệp tự nguyện tham gia và được bố trí làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Trong lĩnh vực mậu dịch có 826, chiếm 97,1% số hộ tư sản thương nghiệp được cải tạo; trong đó có 731, chiếm khoảng 88,5% số nhà tư sản thương nghiệp được bố trí làm việc trong các cơ sở sản xuất, hệ thống mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán…

Doanh nhân miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa

Giai đoạn 1954-1963:

Sau Hiệp định Geneve, đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp vào miền Nam Việt Nam bằng việc giúp đỡ Ngô Đình Diệm thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống.

Trên cơ sở nền kinh tế tư bản được thực dân Pháp để lại, chính quyền Ngô Đình Diệm đề ra “Kế hoạch Ngũ niên I (1957-1961)”, “Kế hoạch Ngũ niên II (1962-1966)” với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Với chủ trương “lập những kỹ nghệ nhẹ để cung cấp cho thị trường trong xứ và kỹ nghệ biến chế nông sản”; sau đó đề ra “nguyên tắc căn bản để phát triển là tiết kiệm ngoại tệ nhờ gia tăng xuất cảng và giảm nhập cảng. Ưu tiên trong chương trình kỹ nghệ hóa dành cho việc chế tạo những sản phẩm tiêu thụ thông dụng”.

Để thực hiện mục tiêu trên, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành thu tóm các công ty của Pháp như mía đường, giấy, thủy tinh, vôi… đồng thời cho phép một số nhà tư sản bỏ vốn đầu tư vào các ngành dược, thực phẩm, dệt, nhuộm… Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn eo hẹp, lệ thuộc chủ yếu vào viện trợ của Mỹ nên những cơ sở kỹ nghệ căn bản như lọc dầu, đúc thép, nấu gang hoặc kỹ nghệ hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn chưa hình thành, chỉ có ngành công nghiệp chế biến ít vốn đầu tư được lựa chọn phát triển.


Chợ Bến Thành những năm 1960 (Nguồn: Báo Dân trí)

Tuy nhiên, từ cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi diễn ra mạnh mẽ trên các mặt trận, chính trị, quân sự, ngoại giao… đã ảnh hưởng đến chương trình phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1963, anh em Ngô Đình Diệm bị ám sát, “Kế hoạch Ngũ niên II” bị đổ vỡ.

Tổng quan tình hình kinh tế miền Nam giai đoạn 1954-1963 là sự kết hợp giữa kinh tế kế hoạch với kinh tế thị trường tự do, kết hợp giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư bản tư nhân. Nền kinh tế miền Nam phần nào đã phát huy được nội lực, tạo nên sự tăng trưởng qua các năm; tuy nhiên sức sản xuất thu được vẫn thâm hụt nhiều so với nhu cầu của người dân, nhu cầu tái thiết, xây dựng đất nước và chi phí cho cuộc chiến tranh chia cắt đất nước, do vậy chính quyền Việt Nam Cộng hòa lệ thuộc lớn sự viện trợ từ Mỹ.

Giai đoạn 1964-1975:

Sau biến cố tháng 11/1963 (cuộc đảo chính lật đổ chính thể Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam), chính quyền Việt Nam Cộng hòa lâm vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng, đồng thời phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam dâng cao đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa. Trong những năm 1964, 1965, tình hình kinh tế miền Nam lâm vào tình cảnh nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao. Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải thực hiện “Chiến dịch Bông Lan”, tiến hành cải cách tiền tệ, phát hành đồng tiền mới, đồng thời ban hành các biện pháp cấp bách để ổn định nền kinh tế…

Năm 1964, chính sách “tự do kinh doanh” được chính quyền Sài Gòn ban hành, bỏ chính sách bảo hộ sản xuất. Để phát triển công nghiệp, chính quyền Sài Gòn cho củng cố Khu kỹ nghệ An Hòa – Nông Sơn, Khu kỹ nghệ Biên Hòa và xây dựng mới Khu kỹ nghệ Phong Định rộng 151 ha (1967), để phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính sách “tự do kinh doanh” thực sự đã thu hút được các doanh nhân tham gia. Năm 1960, ở miền Nam Việt Nam có 7.398 xí nghiệp với vốn đầu tư là 1.870 triệu đồng; thì năm 1966 có 1.783 xí nghiệp kỹ nghệ chế biến và 12 xí nghiệp sản xuất điện năng với vốn đầu tư là 23.930 triệu đồng. Điều đáng chú ý là, trong tổng số gần 23.930 triệu đồng nói trên, chính quyền Sài Gòn đã đầu tư 5.723 triệu đồng Việt Nam Cộng hoà, chiếm tỷ lệ 24,2%.

Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm cho tình hình sản xuất công nghiệp ở miền Nam đình đốn; tiếp đó Mỹ và quân đội Đồng minh rút khỏi miền Nam Việt Nam làm cho công nghiệp Việt Nam Cộng hòa tiếp tục suy thoái nghiêm trọng. Đến năm 1975, toàn miền Nam có 175.000 cơ sở với giá trị tài sản cố định khoảng 800 triệu USD, chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp nặng như luyện kim, điện… vẫn được đầu tư phát triển.

Nhìn chung, trong giai đoạn 1964-1975, sức sản xuất của nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa thiếu ổn định, "chồi sụt, lên xuống”, cán cân thương mại thâm hụt nặng nề. Không những nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa cần đến sự viện trợ mạnh mẽ của Mỹ để duy trì sự hoạt động trên tất cả các bình diện chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn phải liên tục nhập khẩu kể cả các mặt hàng vốn là thế mạnh của kinh tế miền Nam Việt Nam như lúa gạo… Trong khi đó, hàng xuất khẩu là sản phẩm nông thủy sản lại ngày càng giảm mạnh.

Do được Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thành lập ngân hàng quốc gia, hệ thống ngân hàng thương mại, các cơ quan chuyên trách tín dụng kỹ nghệ để hỗ trợ, cùng với các doanh nhân di cư từ Bắc vào, một số người Việt ở miền Nam Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, chia sẻ cùng người Pháp, người Hoa, tham gia đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Số doanh nhân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam do vậy tăng nhanh, đến năm 1957, ở miền Nam đã có 20.000 nhà tư sản. Theo thống kê của Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, cũng năm 1957, các doanh nhân người Việt đã đầu tư vào các ngành kỹ nghệ khoảng 12 tỷ đồng.

Từ năm 1964, nền kinh tế thị trường chính thức được vận hành ở miền Nam Việt Nam, kinh tế tư bản tư nhân chính thức đóng vai trò chính trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa, doanh nhân miền Nam thả sức thi thố khả năng kinh doanh, làm giàu của mình. Tuy nhiên, do chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt, giới tư doanh Việt Nam chỉ chọn đầu tư vào các ngành nghề dễ thực hiện, ít vốn đầu tư, kiếm lợi nhuận nhanh, do vậy, các hoạt động sản xuất kinh doanh đều thiên về hướng thương mại, dịch vụ hơn là hoạt động đầu tư chiến lược nhằm phát triển sản xuất, phát triển nền kinh tế.

Tính đến năm 1974, toàn miền Nam có 12.687 xí nghiệp công nghiệp (chưa kể các cơ sở tiểu thủ công nghiệp), trong đó có 761 xí nghiệp lớn và vừa, với 72.815 lao động. Đến đầu năm 1975, ở miền Nam Việt Nam có gần 40.000 nhà tư sản, mở cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã có khoảng 32.800 cơ sở lớn nhỏ có hoạt động công nghiệp, với tổng số lao động là 212.000 người.


Một số thương hiệu nội địa quen thuộc của người Sài Gòn trước năm 1975 (Nguồn: trantuansang.com)

Phần đông doanh nhân miền Nam Việt Nam tập trung đầu tư vào một số ngành công nghiệp như dệt may, chế biến thực phẩm… với trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật và trình độ quản lý, vận hành kinh doanh, sản xuất được nâng cao. Ở một số nhà máy, xí nghiệp đã trang bị những dây chuyền tự động, bán tự động, cơ giới hóa cao… Nhiều thương hiệu sản phẩm ra đời có tính cạnh tranh cao, không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn tìm được chỗ đứng vững vàng trên thị trường thế giới như thương hiệu “Xà bông Cô Ba” của Trương Văn Bền, kem đánh răng Hynos của Vương Đạo Nghĩa… 

Chia sẻ: