Xác nhận
Doanh nhân viết

Doanh nhân Việt Nam từ 1975 đến nay

    |

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ và chính quyền Nguỵ Sài Gòn, Việt Nam đã hoàn thành công cuộc thống nhất lãnh thổ nước nhà, nền kinh tế dần khôi phục sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Và sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam dần bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động trên thế giới. Tầng lớp doanh nhân Việt Nam cũng theo đó ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn.

Giai đoạn 1975-1985:

1. Những năm sau ngày đất nước thống nhất

Trong giai đoạn đầu sau chiến tranh, cả hai miền Nam - Bắc phải chật vật khôi phục để ổn định sản xuất. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ chỗ tập trung phục vụ chiến tranh sang mô hình kinh tế thời bình đòi hỏi phải có thời gian. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu từ năm 1975 không chỉ là khôi phục mà còn phải hợp nhất hai nền kinh tế có tính chất và trình độ phát triển khác nhau, tạo thành một thị trường thống nhất, thông suốt trên cả nước, tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Từ sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở miền Bắc nhanh chóng được áp dụng vào miền Nam nhằm đưa cả nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Theo đó việc xóa bỏ kinh tế tư nhân được coi là mục tiêu hàng đầu để xây dựng chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Để làm được điều đó, trước tiên là “phải xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất”. Chủ trương này chính là cơ sở để tiến hành việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh miền Nam.

Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 24 khóa III Đảng Lao động Việt Nam (9/1975) đã đề ra việc xóa bỏ những thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, “xóa bỏ tư sản mại bản bằng cách quốc hữu hóa cơ sở kinh tế của họ”, đối với tư sản dân tộc thì “thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh”, “đối với thủ công nghiệp phải đi theo con đường hợp tác hóa”, tích cực cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp nhỏ và “chuyển phần lớn tiểu thương sang sản xuất”… Đến tháng 9/1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản tư doanh, nhưng vẫn sử dụng hạn chế tư bản tư doanh chủ yếu bằng hình thức công tư hợp doanh.


Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12/1976
(Nguồn: Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam)

Cuối năm 1975, một cuộc “cải tạo” nhằm vào tầng lớp tư sản mại bản với chiến dịch mang mật danh X1, X2 được tiến hành mà theo thống kê có 288 cơ sở bị tịch thu bao gồm 64 cơ sở công nghiệp, 10 cơ sở nông nghiệp, 82 cơ sở thương nghiệp và 132 cơ sở trong các lĩnh vực khác. Trong vòng 4 tháng cuối năm 1975, hầu hết những nhà tư sản lớn và vừa đã bị đánh đổ. Những nhà tư sản còn lại hầu hết thuộc loại nhỏ và một số loại vừa, vốn liếng ít ỏi và thuê mướn nhân công không nhiều. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình, vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nông dân, tiểu chủ và thợ thủ công. Họ vẫn chiếm phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Đến năm 1977 và 1978, một chiến dịch bí mật, bất ngờ tấn công toàn bộ các chủ doanh nghiệp, không phân biệt tư sản mại bản hay tư sản dân tộc được tiến hành vào ngày 23/3/1978. Lực lượng tham gia chiến dịch này đã khám xét cùng lúc tất cả các xí nghiệp tư nhân, tịch thu tất cả máy móc, hàng hóa và nguyên vật liệu. Số liệu thống kế trong các nghiên cứu về chiến dịch “đánh tư sản” cho biết trong đợt này đã trưng mua hàng tồn kho của gần 32.000 hộ, giao cho quốc doanh quản lý và sử dụng 6.320 cơ sở kinh doanh của tư sản thương nghiệp, chuyển gần 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất. Nhiều doanh nhân trốn ra nước ngoài.

Kết quả của chiến dịch cải tạo 1978 gần như đã xóa bỏ tầng lớp doanh nhân – tư sản Việt Nam, chỉ còn lại một số nhà kinh doanh nhỏ bé hoạt động trong các lĩnh vực hạn hẹp mà Nhà nước quy định. Sau đợt cải tạo năm 1978, nhiều hộ tư sản chuyển sang sản xuất ở ngay ngành hàng mà họ kinh doanh, chẳng hạn như bán trà chuyển sang trồng trà, bán thủy sản chuyển sang nghề cá… Ngoài ra họ cũng được lựa chọn chuyển sang sản xuất ở những ngành hàng thuận lợi cho việc làm ăn của họ trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Một số người vẫn được tiếp tục kinh doanh với hình thức công tư hợp doanh, hoặc làm gia công cho Nhà nước. Họ cũng có thể lập ra tổ chức mới (như hợp tác xã), hay thậm chí có thể kinh doanh cá thể dưới sự quản lý của Nhà nước và phải bán sản phẩm cho Nhà nước.

2. Cuộc khủng hoảng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ bao cấp

Việc cải tạo, xóa bỏ tầng lớp doanh nhân – tư sản tạo nên một cú sốc lớn cho nền kinh tế. Nó là một trong những nguyên nhân quan trọng, góp phần cùng với sự quản lý yếu kém từ cơ chế tập trung – kế hoạch hóa tạo nên tình hình ách tắc, khủng hoảng của nền kinh tế Việt Nam.


Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch Nhà nước thời bao cấp
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Từ sau năm 1978, tình hình rối ren, ách tắc và khủng hoảng của nền kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà nước và cả xã hội sốt sắng tìm hướng giải quyết. Người nông dân, công nhân, người thợ thủ công không chịu bán nông sản, hàng hóa cho Nhà nước mà tìm cách tuồn hàng ra thị trường tự do. Các trí thức như bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo… xén bớt thời gian để làm thêm các nghề dịch vụ kiếm tiền chi tiêu. Trong khi đó Nhà nước lúc này đang lúng túng tìm hướng ra cho nền kinh tế Việt Nam, giải quyết nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Ở một số ngành, một số địa phương đã tiến hành làm chui, lách luật và thực hiện khoán sản phẩm.

Trên thực tế cuộc cải tạo không bao giờ xóa bỏ được hoàn toàn những người làm kinh doanh. Họ vẫn nỗ lực duy trì sức sống bền bỉ trong mọi tình huống. Họ khôn khéo lách qua chính sách cải tạo bằng nhiều cách khác nhau. Từ năm 1978 trở đi, họ rút vào hoạt động kinh doanh ngầm và không ngừng vươn lên. Sau một thời gian, cuộc cải tạo được buông lơi phần nào, nhân cơ hội đó, một số nhà kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ xuất hiện trở lại, không chỉ có những nhà tư sản cũ mà còn xuất hiện những nhà kinh doanh mới là những tiểu chủ làm ăn khấm khá phát triển lên.

Cho đến những năm 1980, các nhà kinh doanh hoạt động và phát triển ngày càng mạnh mẽ, dần chiếm được vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Kinh tế tư nhân không chỉ tràn từ miền Nam ra miền Bác mà ở một số nơi, một số lĩnh vực còn vượt ra khỏi kinh tế kế hoạch tập trung của Nhà nước.

Từ sau khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 8/1979, Nhà nước đã cho phép các cơ sở sản xuất được kinh doanh phần nào gắn với thị trường, được chủ động tìm kiếm nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, liên doanh, liên kết với các cở sở khác và thậm chí được quan hệ trực tiếp với thị trường nước ngoài để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Đây là cơ hội cho các doanh nhân thuộc các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện chế độ hạch toán, khoán sản phẩm cho người lao động, tự cân đối thu chi, vay ngoại tệ ngoài kế hoạch và liên kết, liên doanh với các cơ sở trong và ngoài quốc doanh để giúp cho nền kinh tế được khơi thông, đồng thời góp phần chuẩn bị tích cực cho chính sách đổi mới kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, những nhà kinh doanh Việt Nam vẫn chưa phải là doanh nhân thực thụ, họ còn non yếu, nhỏ lẻ, manh mún, nhiều mặt còn bị ràng buộc trong một cơ chế kinh tế đang loay hoay tìm cách tháo gỡ bế tắc.

Giai đoạn 1986-1999:

1. Đại hội VI và những chính sách thay đổi nền kinh tế của Đảng và Nhà nước

Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại khách quan của kinh tế tư nhân, chuyển nền kinh tế độc lập sang nền kinh tế nhiều thành phần, chuyển cơ chế quản lý trực tiếp sang cơ chế kinh tế thị trường với sự quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Văn kiện Đại hội VI bên cạnh việc khẳng định cần phải củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, cũng thừa nhận sự tồn tại và hoạt động của các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Thực hiện chủ trương của Đại hội VI, hàng loạt chính sách, nghị định, nghị quyết ban hành để công nhận và hướng dẫn hoạt động đối với kinh tế tư nhân như Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 xác định quyền tự chủ của kinh tế hộ nông dân, đổi mới các tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp, tạo động lực cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp; Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 15/7/1988 tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định sự phát triển của kinh tế tư nhân trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh…

Đặc biệt, Nghị quyết 16-NQ/TW đã có một tác động quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nhân khi lần đầu tiên khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế về địa bàn, quy mô trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Quan điểm này được tái khẳng định trong Hội nghị Trung ương 6 năm 1989 với sự nhấn mạnh: các hình thức kinh tế tư nhân, cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của kinh tế hàng hóa đi lên xã hội chủ nghĩa.


Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội, tháng 12/1986
(Nguồn: Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam)

Ngày 15/4/1991, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 bắt đầu có hiệu lực. Đây là hai đạo luật quan trọng hàng đầu đối với việc phát triển kinh tế tư bản tư nhân ở Việt Nam. Kể từ đây công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần. Họ được phép kinh doanh không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Họ được Nhà nước công nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài, được bình đẳng trước pháp luật với các loại hình doanh nghiệp khác.

Đến năm 1992, quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (Điều 57), “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 16), “kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh” (Điều 21)…


Lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh được
hiến định trong Hiến pháp năm 1992

Hiến pháp 1992 có hiệu lực, một loạt chính sách, nghị quyết, nghị định được ban hành từ năm 1992 đến nay nhằm tái khẳng định và khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp. Đáng chú ý là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã hợp nhất hai bộ luật được ban hành năm 1990 là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân. Bộ luật này đã bổ sung và hoàn thiện bước đầu các chính sách, quy định đối với sự phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp, tránh sự chồng chéo, phiền hà giữa các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó Nhà nước còn ban hành nhiều bộ luật mới về doanh nghiệp, doanh nhân như Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1994), Luật Thương mại (1997), Luật Các tổ chức tín dụng (1997), Luật Thuế giá trị gia tăng (1997),…

2. Sự trở lại mạnh mẽ của tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Đầu năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc tiếp xúc với các doanh nhân ở các tỉnh thành phía Nam. Sự kiện này đã mở đầu cho thời kỳ các doanh nhân – người thực thi chính sách được đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ - nhà hoạch định chính sách đồng thời là người tổng chỉ đạo thực hiện chính sách của đất nước.

Đến đầu năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc cùng lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương đã có cuộc tiếp xúc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học – công nghệ Việt Nam. Cuộc tiếp xúc này nằm trong chương trình nghị sự năm 1998 của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X. Đã có hàng nghìn doanh nhân cả trong khu vực quốc doanh và tư nhân ở khắp ba miền đến tham gia, đã phát biểu trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản với nhiều kiến nghị về công tác quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực, cụ thể như ban hành và thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước; về cải cách thủ tục hành chính; về chính sách tài chính, tín dụng, thương mại; chính sách cán bộ và chủ sở hữu doanh nghiệp; chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp…

Nhìn chung, giai đoạn 1986-1999, các nhà kinh doanh đã không còn là “đối tượng của cách mạng”, không còn là thành phần tư sản cần phải xóa bỏ nữa, mà được công nhận như một bộ phận cơ hữu của nền kinh tế và có quyền bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Các công ty, xí nghiệp tư nhân mới lần lượt ra đời, có những đơn vị có số vốn từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như: kỹ thuật, cơ – điện, điện tử, may, xây dựng, cầu đường, giao thông, dệt nhuộm… Tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã dần tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, tin tưởng vào tương lai lâu dài của môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Thông qua các cơ sở pháp lý đảm bảo quyền kinh doanh hợp pháp của mọi người dân, các doanh nhân Việt Nam đã đứng ra đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Số người đăng ký tăng nhanh theo từng năm: năm 1993 là 12.185 người, năm 1994 là 19.609 người, năm 1995 là 21.503 người và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 1996 là 23.995 người. Tuy nhiên, đội ngũ các nhà kinh doanh tồn tại trước năm 1990 vẫn chưa thực sự mặn mà lắm với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trong giai đoạn này. Cụ thể theo Tạp chí Nghiên cứu thống kê năm 1992, tuy số lượng doanh nghiệp có mức tăng đột biến so với năm 1991, song số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới chỉ đạt con số 5% tính chung cả nước.

Từ năm 1997 trở đi, các nhà kinh doanh bắt đầu thận trọng và dè đặt hơn trong việc đầu tư và sản xuất kinh doanh. Họ e ngại cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á đang diễn ra ở một số nước trong khu vực, nhất là nó đã có ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam. Mặt khác do sự yếu kém về năng lực và sự thiếu hụt các điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất như thị trường, vốn đầu tư, những hạn chế về chính sách, nhà xưởng và công nghệ… nên nhiều người bắt đầu gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản. Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã giảm mạnh vào các năm 1998 (chỉ tăng 4%) và năm 1999 (chỉ tăng 10,4%), Trong đó giảm mạnh nhất là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) với tỷ lệ 3% vào năm 1998.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay:

1. Sự khẳng định vai trò của doanh nhân Việt Nam đối với nền kinh tế quốc gia

Từ năm 2000, tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng ổn định hơn, đặc biệt là từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 bắt đầu có hiệu lực, đã khuyến khích doanh nhân Việt Nam gia tăng đầu tư và thành lập mới nhiều doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 1999 đã bãi bỏ trên 100 loại giấy phép kinh doanh, từ đó tạo sự thông thoáng và trôi chảy trong việc thành lập và vận hành doanh nghiệp tư nhân. 

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (từ ý tưởng của Báo Doanh Nhân Sài Gòn - tiền thân của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ngày nay), ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”.


Quyết định 990/QĐ - TTg chọn ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu:

•    Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

•    Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Đến năm 2005, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua đã đánh dấu bước hoàn thiện cơ bản về cơ sở pháp lý cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Luật Doanh nghiệp 2005 đã tạo thuận lợi về việc thành lập và quản lý các doanh nghiệp, tạo ra môi trường bình đẳng hơn giữa các loại hình doanh nghiệp. Để theo kịp với tiến trình đổi mới và cải cách kinh tế trong giai đoạn mới, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, quy định về việc thành lập tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp…

Ngoài ra, ngày 9/12/2011, Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được ban hành, lần đầu tiên Đảng công nhận doanh nhân là một Đội ngũ.

Đặc biệt, trong Hiến pháp 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo niềm tin vững chắc cho doanh nhân Việt Nam tiếp tục yên tâm phát triển và phát huy vai trò của mình trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến ngày 3/6/2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII được ban hành khẳng định việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế tư nhân, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khẳng định: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”… Đồng thời, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh với năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

2. Cơ hội và thách thức của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Trong những năm qua, Nhà nước đã chủ trương nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng mang tầm khu vực và thế giới; Tăng cường hợp tác liên kết khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu; Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường…

Sự quan tâm, khuyến khích của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế tư nhân nói chung và đội ngũ doanh nhân nói riêng, được cụ thể hóa và khẳng định bằng hệ thống văn bản pháp luật, đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự ra đời và lớn mạnh của doanh nghiệp, doanh nhận Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Họ đã từng bước trở thành động lực và trụ cột của nền kinh tế đất nước với sự có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đồng thời trở thành lực lượng đi đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung số lượng doanh nghiệp trong tất cả thành phần kinh tế, tại thời điểm 31/12/2015, trên cả nước có 442.485 doanh nghiệp đang hoạt động, gấp 11,3 lần cùng thời điểm năm 2000. Bình quân mỗi năm số lượng doanh nghiệp tăng 17,6% trong giai đoạn 2000-2015, trong đó cao nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 18,9%/năm, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,7%/năm, riêng doanh nghiệp khu vực nhà nước giảm 4,4%/năm do quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa. Tốc độ tăng doanh số doanh nghiệp bình quân trong 5 năm đầu (2000-2005) là 22,2%/năm, 5 năm tiếp theo (2005-2010) là 21,2%/năm, sau đó ổn định ở mức 9,6%/năm trong giai đoạn 2010-2015.

Đến năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với các năm trước. Đặc biệt, ở giai đoạn 2015-2019, tình hình doanh nghiệp thành lập mới trong năm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, trong năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2019 đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2018.

Thông qua phong trào khởi nghiệp, nhiều người trẻ khởi nghiệp với vốn kiến thức và trình độ công nghệ cao hơn hẳn so với giai đoạn trước. Động cơ kinh doanh của họ chủ yếu xuất phát từ những thôi thúc làm điều gì đó có ích cho đất nước và xã hội. Qua phong trào khởi nghiệp đã hình thành nên một thế hệ doanh nhân Việt Nam có đầy đủ năng lực và phẩm chất điều hành công việc sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với mức độ bền vững hơn.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu
chiều ngày 7/10/2021
(Nguồn: Thông Tấn xã Việt Nam)

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới không phải lúc nào cũng thuận lợi. Họ thường xuyên phải đối mặt với những thời cơ và thách thức của nền kinh tế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế. Số người gia nhập vào đội ngũ doanh nhân ngày càng nhiều, song số lượng rời khỏi thị trường cũng liên tục gia tăng theo từng năm. Đa phần họ là những doanh nhân có đầy nhiệt huyết và tài năng, song thời gian hình thành chưa lâu, vẫn còn cần tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Chính những thách thức trong giai đoạn này đã giúp doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành hơn. Họ đã biết hướng tới một nền quản trị hiện đại, đầu tư nhiều hơn cho khoa học – công nghệ, liên doanh, liên kết cùng nhau làm ăn, cùng nhau phát triển và tập trung vào chất lượng hơn là chạy theo lợi nhuận. Nhiều người đã vững vàng vượt qua khủng hoảng, dẫn dắt doanh nghiệp mình phát triển để rồi trở thành những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực mà họ tham gia sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nhân Việt Nam có tiềm lực kinh tế mạnh, bước đầu hình thành và phát triển những cơ sở kinh doanh của mình ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển hàng đầu thế giới.

Chia sẻ: