Có thể nói Lương Văn Can là một trong những tác gia quan trọng của giai đoạn giao thời 1900-1930. Vì thế, tên tuổi của cụ lẽ ra phải có được một vị trí xứng đáng trong các công trình viết về văn học sử và lịch sử việt nam đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, bên cạnh giá trị lịch sử, một số tác phẩm của Lương Văn Can còn có giá trị thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài những đóng góp cho các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, Lương Văn Can còn để lại cho đời nhiều tác phẩm, bao gồm sách biên soạn, sách dịch và thơ ca yêu nước. Điều đáng tiếc là sau nhiều lần thất thoát, hầu hết các tác phẩm của Lương Văn Can đều bị mai một.
Lần thất thoát đầu tiên là vào tháng 1/1908 khi thực dân Pháp tiến hành khám xét, tịch thu các sách vở, tài liệu, đồ dùng của Đông Kinh Nghĩa thục, và cấm dân chúng lưu hành, tàng trữ các tài liệu ấy. Tuy nhiên, Lương Văn Can đã giữ gìn được nhiều tư liệu và sau đó đã sáng tác thêm nhiều tác phẩm, được giao lại cho con cháu của cụ thuộc các chi của Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến và Lương Ngọc Bân. Năm 1927, khi Lương Văn Can từ trần, ông Lương Ngọc Hiển, cháu đích tôn của cụ, con trai của Lương Trúc Đàm, được thừa kế ngôi nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội, tiếp tục mở cửa hàng bán vải. Vào năm 1939-1940, do buôn bán thua lỗ, ông Hiển bị tịch ký mất căn nhà này, phải dọn nhà sang phố Hàng Gai, mở hiệu sách mưu sinh. Có thể một số tác phẩm của Lương Văn Can đã bị tiêu hao do cuộc chuyển nhà này.
Sau khi ông Lương Ngọc Hiển từ trần năm 1946 và con trai độc nhất là ông Lương Ngọc Trứ cũng qua đời vào năm 1947, những tư liệu của gia đình do ông Hiển lưu giữ được vợ của ông giao lại cho bà Nguyễn Vân Nhung, cháu ngoại Lương Trúc Đàm. Năm 1954, khi con cháu của Lương Ngọc Quyến đi kháng chiến trở về Hà Nội thì gia sản không còn nhưng vẫn còn giữ được một số tư liệu của gia đình. Nhưng đến năm 1967 thì xảy ra các cuộc không kích của Mỹ xuống thủ đô Hà Nội, con cháu của Lương Ngọc Quyến phải sơ tán khỏi thủ đô, mang theo và đưa xuống hầm toàn bộ di cảo còn lại của Lương Văn Can. Thế rồi hầm bị ngập nước, làm cho tất cả đều mủn nát.
Chính vì vậy nên khi sửa chữa cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục để tái bản vào năm 1974, mặc dù đã có đến thăm di duệ của Lương Văn Can sinh sống ở Sài Gòn “để sưu tầm bút tích, văn thơ của cụ”, Nguyễn Hiến Lê cũng chỉ có thể đăng lại một tác phẩm duy nhất của Lương Văn Can là bài thơ Cảm tác mà cụ làm sau khi trở về Hà Nội cuối năm 1921. Và ông đưa ra một thông tin không đúng, rằng “trong cơn binh lửa ở Hà Nội cuối năm 1946, nhà cụ ở phố Hàng Đào bị đốt phá, không còn gì cả, may mà còn giữ lại được một bức ảnh bán thân của cụ, vài ba chục bức hình về đám táng của cụ ông và cụ bà, và một số bài báo, cùng bản sao các đối trướng quốc dân phúng hai cụ”. Nhưng ông cũng đồng thời cho biết, vào năm 1932 một nhà sách ở Hà Nội đã bày bán các sách sau đây của Lương Văn Can: Đại Việt địa dư, Lương Ôn Như gia huấn (1926 hoặc 1927), Hiếu kinh, Ấu học tùng đàm, Thương học phương châm, Luận Ngữ loại ngữ (ba tập), Kim cổ cách ngôn – tất cả đều là “những sách luyện đức và trí, có tính cách xây dựng, thực tế, đúng với chủ trương của Nghĩa thục”. Cũng theo Nguyễn Hiến Lê, năm 1915 khi cụ Hồ Nhựt Tân, một chí sĩ Duy Tân ở Nam Kỳ, theo lời khuyên của Nguyễn Côn, mở hiệu thuốc Tân Hợp Long ở Chợ Thủ làm nơi liên lạc các đồng chí, Lương Văn Can từ Nam Vang đã gởi một bài thơ mừng, trong đó có hai câu: “Hàng hoá đủ cả Nam và Bắc, Tư bản coi ra riêng cũng chung” (Nguyễn Hiến Lê 1974: 165-166, 174, 189-190).
Phải đến những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu mới truy tìm được một số tác phẩm của Lương Văn Can bị lãng quên trong các kho lưu trữ. Trong thập niên 1990, các nghiên cứu của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (1992: 421), Hoài Anh (1998: 302, 307), và Nguyễn Q. Thắng (1999: 587) cho biết, các tác phẩm của Lương Văn Can gồm có: Quốc sự phạm lịch sử, Hán tự quốc âm, Gia huấn, Ấu học tùng đàm, Đại Việt địa dư (sách địa lý diễn ca, tài liệu giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907, Nghiêm Hàm Ấn quán xuất bản, Hà Nội, 1925), Lương gia tộc phả, Hán học tiệp kính, Hạnh đàn loại ngữ (trích dịch sách Luận Ngữ), Châu thư loại ngữ (trích dịch sách Mạnh Tử). Theo Vũ Ngọc Khánh (cb 1993: 245, 449) và Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2 (2002: 792), Lương Văn Can còn xuất bản cuốn Luận Ngữ cách ngôn diễn giải, một cuốn sách đã giúp cho các thế hệ thanh niên trước đây tìm hiểu về Khổng giáo, và cụ có hai bài thơ Khuyến trung và Cảm tác, nêu cao tấm lòng trung với nước. Năm 1998, Hoài Anh (1998: 305) cho biết Lương Văn Can còn biên soạn cho Đông Kinh Nghĩa thục một số bài giảng như Nam Quốc địa ca và Bố y thư (khuyên dân dùng vải nội hoá).
Năm 1997, Trần Thái Bình đã viết bài “Lương Văn Can, người thầy đầu tiên viết sách dạy buôn bán ở Việt Nam” (Tạp chí Xưa và Nay, số 37, 3/1997, đăng lại trong cuốn Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001: 129-135), trích đăng và bình luận nội dung cuốn Thương học phương châm, được tìm thấy tại Thư viện Khoa học Trung ương (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam). Năm 1999, Nguyễn Q. Thắng (1999: 588-589) trong Từ điển tác gia văn hoá Việt Nam đã trích đăng cuốn Đại Việt địa dư mà Lương Văn Can biên soạn cho Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907 và cho xuất bản năm 1925. Năm 2001, Dương Trung Quốc đã viết bài “Đạo làm giàu của doanh nhân” (Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, số 32, 19/4/2001, phụ trang Văn hoá - trí tuệ - doanh nhân), trích đăng và phân tích nội dung hai cuốn Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm, đều được tìm thấy tại Thư viện Khoa học Trung ương.
Năm 2003, hai bài giới thiệu Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn của Trần Thái Bình, Dương Trung Quốc đã được Thư Hoài tổng thuật trong bài “Lương Văn Can – người thầy của giới doanh thương” (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số xuân Quý Mùi, 2003: 62-63). Và đến năm 2004, nhân dịp Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận, Dương Trung Quốc lại tiếp tục khai mở di sản của Lương Văn Can với bài “Soi lại tấm gương xưa” (Báo Tiền Phong, số 205, 13/10/2004: 1, 3), phân tích những giá trị thời sự của tác phẩm Thương học phương châm.
Năm 2004, sau chuyến ra Bắc thăm các thành viên gia tộc Lương Văn Can từ ngày 13 đến 18/10/2004, chúng tôi đã được bà Lương Lăng Vân, cháu nội Lương Ngọc Quyến, trao lại một bản sao Lương gia thứ chi phả do Lương Văn Can khởi thảo, được bà lưu giữ. Và ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Vân Nhung, con gái của Lương Thị Trác, cháu ngoại của Lương Trúc Đàm, sinh sống ở Sài Gòn từ trước 1975, cũng cho phép chúng tôi sử dụng các tư liệu quý mà bà giữ gìn, gồm một bức ảnh bán thân của Lương Văn Can, vài ba chục bức ảnh chụp đám tang cụ ông và cụ bà, một số bài báo, cùng bản phiên ra Quốc ngữ các đối trướng bằng chữ Hán do quốc dân phúng hai cụ… Sau đó trong sách Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du (NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005), chúng tôi đã công bố Lương gia thứ chi phả và sử dụng một số tư liệu do bà Nguyễn Vân Nhung cung cấp. Có thể cũng thời gian này, ông Lương Hàm Châu (tức Lương Ngọc Châu) từ Pháp về Hà Nội, đã giao cho Tạp chí Xưa & Nay một bộ ảnh gần bốn chục tấm về đám tang Lương Văn Can ngày 13/06/1927, được Trung tâm Tư liệu Xưa Nay đăng tải lên website https://anhxua.vn.
Sau một thời gian dường như không có thêm tư liệu mới, năm 2011, nhân dịp Báo Doanh Nhân Sài Gòn khởi động Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Việt Nam, đã tái bản tác phẩm Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, đúng theo nguyên bản được Nghiêm Hàm Ấn quán xuất bản tại Hà Nội năm 1925.
Đến năm 2019, Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn quyết định đưa “Triết lý kinh doanh Lương Văn Can” vào Chương trình đào tạo thí sinh vòng bán kết Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019. Nhân dịp đó, chúng tôi đã cùng bàn bạc để tổ chức tái bản có chú giải và giới thiệu hai tác phẩm Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Việt Nam, nơi lưu trữ độc bản hai cuốn sách này. Năm 2020, cuốn sách đã được NXB Hồng Đức liên kết với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn xuất bản. Trong cuốn sách, chúng tôi cũng tiện dịp, công bố bản Lương gia tộc phả của Lương Văn Can, được lưu giữ tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, kèm theo bản dịch.
Đối chiếu Lương gia tộc phả (2020) với Lương gia thứ chi phả (2005), chúng tôi ghi nhận, trong thời gian ở Nam Vang (1913-1921), Lương Văn Can đã biên soạn các sách Hán học tiệp kính, Ấu học tùng đàm, Gia huấn, Hán tự quốc âm, lại chia loại, dịch thuật, làm ra một bộ Luận Ngữ gọi là sách Hạnh đàn loại ngữ, một bộ Mạnh Tử gọi là sách Châu thư loại ngữ, để tiện cho người mới học Hán tự. Và, theo thông tin từ sách Thương học phương châm & Kim cổ cách ngôn (2020), trong thời gian trở về Hà Nội (1922-1927), cụ đã biên soạn, hoàn thiện và cho xuất bản bảy cuốn sách: Lương Ôn Như gia huấn, Ấu học tùng đàm, Đại Việt địa dư, Kim cổ cách ngôn, Luận Ngữ loại ngữ, Trí thức phổ thông mới, Thương học phương châm. Đó là chưa kể, Lương Văn Can còn cùng với Ngô Đức Kế tập hợp các tác phẩm của Phan Châu Trinh để xuất bản ba tập Phan Tây Hồ di thảo vào năm 1926 và 1927.
Tổng hợp lại, ta có một danh mục gồm 19 tác phẩm của Lương Văn Can, sắp xếp theo thứ tự thời gian biên soạn kết hợp thời gian xuất bản, như sau:
1. Đại Việt địa dư, sách giáo khoa biên soạn cho Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907. Nghiêm Hàm Ấn quán đã xuất bản tại Hà Nội năm 1925.
2. Nam Quốc địa ca, bài giảng biên soạn cho Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
3. Bố y thư, bài giảng khuyên dân dùng vải nội hoá, biên soạn cho Đông Kinh Nghĩa thục năm 1907. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
4. Lương Ôn Như gia huấn, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Đã xuất bản năm 1926 hoặc 1927.
5. Ấu học tùng đàm, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Đã xuất bản trước năm 1928.
6. Hán học tiệp kính, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
7. Hán tự quốc âm, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
8. Hạnh đàn loại ngữ, chia loại và dịch thuật sách Luận Ngữ, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
9. Châu thư loại ngữ, chia loại và dịch thuật sách Mạnh Tử, biên soạn tại Nam Vang vào năm 1913-1921. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
10. Lương gia tộc phả, biên soạn tại Nam Vang và Hà Nội vào năm 1917-1923. Đã xuất bản, in kèm trong sách Thương học phương châm & Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, NXB Hồng Đức và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
11. Lương gia thứ chi phả, cùng với Lương Ngọc Hiển, biên soạn tại Hà Nội vào năm 1924. Đã xuất bản, in kèm trong sách Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du của Lý Tùng Hiếu, NXB Văn hoá Sài Gòn xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2005, và sách Thương học phương châm & Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, NXB Hồng Đức và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
12. Kim cổ cách ngôn, biên soạn tại Hà Nội vào năm 1922-1925. Nghiêm Hàm Ấn quán đã xuất bản tại Hà Nội năm 1925. In lại trong sách Kim cổ cách ngôn của Ôn-Như Lương-Văn-Can, NXB Thời Đại xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2011; và sách Thương học phương châm & Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, NXB Hồng Đức và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
13. Phan Tây Hồ di thảo, 3 tập, cùng với Ngô Đức Kế. Nhà in Thuỵ Ký đã xuất bản tại Hà Nội năm 1926, và Nhà in Chân Phương đã xuất bản tại Hà Nội năm 1927.
14. Thương học phương châm, biên soạn tại Hà Nội vào năm 1922-1927. Nhà in Thuỵ Ký đã xuất bản tại Hà Nội năm 1928. In lại trong sách Thương học phương châm & Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can, NXB Hồng Đức và Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
15. Trí thức phổ thông mới. Đã xuất bản trước năm 1928.
16. Luận Ngữ loại ngữ, ba tập. Đã xuất bản trước năm 1932.
17. Hiếu kinh. Đã xuất bản trước năm 1932.
18. Luận Ngữ cách ngôn diễn giải. Đã xuất bản, không rõ năm nào.
19. Quốc sự phạm lịch sử. Không rõ đã xuất bản hay chưa.
Như vậy, trước tác của Lương Văn Can bao gồm nhiều lĩnh vực, từ truyền thụ Hán tự - Hán học, giáo dục nhân cách, giáo dục gia đình, cho đến các kiến thức về địa lý, lịch sử và kinh doanh, thương mại. Các văn thể và văn tự mà cụ sử dụng cũng thể hiện tính chất chuyển tiếp của thời đại: chữ Hán, chữ Quốc ngữ, diễn ca, và văn xuôi.
Theo phân loại của chúng tôi, trong số 19 tác phẩm mà Lương Văn Can để lại cho đời (không kể thơ ca), có 11 tác phẩm sử dụng sở trường Nho học của cụ: Hán học tiệp kính; Hán tự quốc âm; Hạnh đàn loại ngữ; Châu thư loại ngữ; Hiếu kinh; Luận Ngữ cách ngôn diễn giải; Ấu học tùng đàm; Luận Ngữ loại ngữ, ba tập; Lương gia tộc phả; Lương gia thứ chi phả; Lương Ôn Như gia huấn. Và có 8 tác phẩm trình bày những tri thức và quan điểm mới, theo hướng Duy Tân: Đại Việt địa dư; Nam Quốc địa ca; Bố y thư; Kim cổ cách ngôn; Phan Tây Hồ di thảo, 3 tập (cùng với Ngô Đức Kế); Thương học phương châm; Trí thức phổ thông mới; Quốc sự phạm lịch sử.
Bàn về văn nghiệp của các tác giả, người ta thường dẫn lại câu “Văn tức là người”. Câu này vận dụng vào trường hợp của Lương Văn Can thì hoàn toàn phù hợp. Các trước tác của Lương Văn Can cho thấy cụ là một trường hợp “trung dung”, đứng giữa một bên là Phan Bội Châu ‒ Duy Tân nhưng không từ bỏ hẳn chế độ phong kiến và Nho giáo, với một bên là Phan Châu Trinh ‒ Duy Tân triệt để, nhất quán lập trường chống chế độ phong kiến và Nho giáo. Tức là, trong buổi giao thời của hai nền cựu học và tân học, Lương Văn Can vừa giống, vừa khác với những người bạn chiến đấu của mình. Nhưng điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Lương Văn Can với các chí sĩ Duy Tân ấy chính là, ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, cụ vẫn có thể viết và để lại cho đời những tác phẩm cung cấp các tri thức rất mới mẻ đối với xã hội đương thời là Kim cổ cách ngôn (1925) và Thương học phương châm (1928). Hai cuốn sách này được Lương Văn Can biên soạn trong những năm dạy học ở Ôn Như Trường, số 4 Hàng Đào, Hà Nội, đúc kết những chiêm nghiệm của Lương Văn Can về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh. Đây là hai tác phẩm được lưu trữ độc bản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và khi được phát hiện lại, nội dung của nó đã khiến cho những người phát hiện phải ngỡ ngàng và khâm phục.
LÝ TÙNG HIẾU
(Từ Tạp chí Xưa & Nay số 543 tháng 9/2022)