Doanh nhân đương thời

Phan Minh Thông

Tiểu sử

Ông Phan Minh Thông sinh năm 1975, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, có hơn 22 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản với số vốn tiết kiệm ban đầu 60 triệu đồng. Ông miệt mài làm việc 20 tiếng mỗi ngày và từng bước xây dựng uy tín của công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) với cộng đồng và đối tác nước ngoài. Phúc Sinh Group là công ty thay đổi tư duy kinh doanh ngành nông sản và mang ngành nông sản ra thế giới, cụ thể là thành công trong ngành hạt tiêu và cà phê với doanh thu hàng trăm triệu đô/năm. Đồng thời, với 8% thị phần toàn cầu, nằm trong top 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất nước ta, Phúc Sinh Group trở thành công ty dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu Tiêu. Ông Phan Minh Thông được mệnh danh là " Vua xuất khẩu nông sản Việt Nam".

Khởi nghiệp

Lần 1 – khởi nghiệp từ kinh nghiệm phụ mẹ bán hàng khô

Sau hai năm kinh qua nhiệm vụ phát triển mảng xuất nhập khẩu hàng nông sản cho một công ty lớn của Nhà nước, ông bắt đầu khởi nghiệp với 60 triệu đồng tiết kiệm. Với khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế của mình, ông Thông đã khiến họ chấp nhận trả trước cho công ty, qua đó giảm áp lực nguồn vốn và triển khai những đơn hàng đầu tiên.

Mười tám năm lăn lộn trên thương trường, ông Phan Minh Thông nói điều cơ bản nhất của khởi nghiệp với đại đa số vẫn là vấn đề vốn liếng, còn với ông đó là sự tự tin và thậm chí là sự liều lĩnh, là khả năng thuyết phục và trước hết là chính mình. Ông từng tự mình xông vào gặp người đại diện Ngân hàng Nhà nước để được hỗ trợ vay vốn kinh doanh nông sản, từng năm lần bảy lượt đi thuyết phục Vietcombank để được ngân hàng này cho phép triển khai nghiệp vụ chuyển khẩu. Theo ông, sự minh bạch là điều kiện quý giá đầu tiên và cần có để một công ty khởi nghiệp có thể xây dựng uy tín với bạn hàng và các ngân hàng. Nhờ đòn bẩy uy tín mà sau mấy năm đầu thành lập, Phan Minh Thông có vốn liếng đầu tư nhà máy gia vị đầu tiên. Đến nay, hệ thống Phúc Sinh có sáu nhà máy ở tại Bình Dương, Đắk Lắk và Sơn La, chuyên sản xuất nông sản gồm tiêu và cà phê cùng các sản phẩm gạo, quế, điều, ớt… và nhiều loại gia vị khác.

Lần 2 – Cuộc chơi khốc liệt với FMCG

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến nay, Phúc Sinh của ông Phan Minh Thông có 12 năm đứng số 1 về doanh số xuất khẩu tiêu với 8% thị trường toàn cầu. Ở vị trí đó, “vua xuất khẩu nông sản” nói, mỗi năm đi ra nước ngoài tham dự các hội chợ quốc tế lớn, ông đều rất buồn khi nhận thấy dù Việt Nam đứng số 1 về hồ tiêu, số 2 về cà phê trên toàn thế giới, nhưng thương hiệu Việt Nam vẫn chưa thật sự chắc chắn trên bản đồ nông sản toàn cầu. “Tôi quyết tâm đi vào làm sản phẩm có thương hiệu, từ chính nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào và ngon nhất, mang đến những sản phẩm sạch, ngon và an toàn cho người tiêu dùng trong nước”.

Ông Thông ra mắt K COFFEE từ năm 2015. Kế đó đầu tư 100 tỷ đồng giai đoạn 1 cho nhà máy cà phê Blue Sơn La chuyên sản xuất Arabica – vốn đã có từ hàng chục năm về trước, nhưng vẫn đang bị “ngủ quên”. Có thể nói Phan Minh Thông đã chính thức có thêm một lần khởi nghiệp mới – khởi nghiệp cùng FMCG trong nước.

Song đầu tư FMCG là một cuộc chơi quá nhiều thách thức. Đối với hàng hóa cà phê, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đi trước chiếm giữ thị phần. Cũng có hàng trăm hộ kinh doanh gia đình, các nhà rang xay tự cung tự cấp. Đối với cà phê chuỗi, sự bùng nổ của nhu cầu thị trường 96 triệu dân cũng đã thu hút không thiếu mặt anh tài nào trong ngành bán lẻ đồ uống quốc tế tham gia vào Việt Nam. Lại đã có những ông lớn ngã ngựa, rời đi, nhiều doanh nghiệp thất thu, phá sản dù đi cả “hai chân” cung ứng – bán lẻ. Trước áp lực đó, chọn cho mình phân khúc ngách, khó nhằn: cà phê 100% nguyên chất – ông Thông chọn thay đổi tư duy, nhận thức của người dùng khi lựa chọn các thức uống ngon và an toàn cho sức khỏe. 

Lần này khó khăn không còn là vốn liếng hay uy tín, Phúc Sinh đã có cả hai. Nhận thức người dùng cũng được ông Thông xác định trước là “mưa dầm thấm đất” – phải vất vả nhiều năm. Lửa cạnh tranh trên thị trường FMCG với vị CEO trẻ là vấn đề con người – người quản lý, người vận hành, phát triển hệ thống. Năm 2019, nhìn lại một năm, ông Thông thừa nhận nhiều thất bát với Phúc Sinh ở mảng cà phê khi không ít vị quản lý dưới ông trong ba năm qua khi được giao phát triển mảng này, đều có “mẫu số chung” là làm ăn thiếu trách nhiệm, đề cao tinh thần… biển thủ. Tuy nhiên, cuối 2019, qua ERP và KPI, ông Thông cùng các nhà điều hành Phúc Sinh đã ra quyết định rằng chính anh sẽ trực tiếp vận hành mảng FMCG. Hy vọng đó là “cái được” của Phúc Sinh cho dài hạn.

Lần 3 – Làm mới ngành gia vị Việt bằng công nghệ Việt

Ngành hồ tiêu Việt Nam đạt đỉnh cao về giá từ khoảng trước 2014. Đến 2016, giá hồ tiêu xuất khẩu bắt đầu có tín hiệu xuống dốc và từ đó đến nay đã về đáy thấp với các nguyên do biến đổi thời tiết, sâu bệnh, nguồn cung với diện tích trồng ngày càng lớn, sự cạnh tranh cũng ngày càng nhiều khi Brazil với đầy đủ kinh nghiệm làm cà phê cũng tham gia “sân chơi” hồ tiêu.

Trong suốt quãng thời gian biến động của ngành hồ tiêu Việt, với những đỉnh cao và vực sâu có thể đẩy nhà bán hàng thành tỷ phú hoặc phá sản trong một đêm, ông Phan Minh Thông luôn nghĩ chuyện làm thế nào để tăng thêm giá trị gia vị tiêu trong chuỗi cung ứng. Nhân một chuyến tham gia hội chợ tại Đức, nhìn thấy những hủ tiêu ngâm giấm giòn tan của người Đức bán trong siêu thị, anh đặt bài toán cho mình: bạn bè quốc tế làm được, tại sao mình không làm được? Thế là bắt đầu hành trình khởi nghiệp… lần thứ ba.

Trở về Việt Nam, Phúc Sinh ra quyết định định đầu tư 50 tỷ đồng cho Nghiên cứu & Phát triển. Mẻ nước sốt tiêu đầu tiên không thành. Mẻ thứ hai không thành. Thứ ba không thành… Nhưng ông  không nản. Mỗi một đợt ra sản phẩm để có nước sốt tiêu màu xanh tươi nguyên có thể dùng ngay trên bàn ăn, ông Thông nói, quy trình phải mất sáu tháng.

Nhưng sau hai tháng ở mẻ thứ n, sản phẩm vô cùng tươi ngon, ông  đã bán sạch theo một đơn hàng quốc tế. Chỉ có điều ông cùng các cộng sự phòng nghiên cứu, sản xuất tính toán chưa đủ thời gian lên men vi sinh. Mẻ tiêu lên men trắng bám thành chai. Toàn bộ sản phẩm phải thu hồi. Ông Phan Minh Thông cùng bạn hàng đều “đỏ mắt” vì mất tiền đau đớn. Bài học khởi nghiệp lần ba với chế biến sâu hồ tiêu của Phúc Sinh trở thành kỷ niệm đáng nhớ.

Phúc Sinh sau đó đã hoàn thiện nghiên cứu, công nghệ và quy trình sản xuất, và trong suốt năm 2018 đã xuất nhiều container cả tiêu sấy lạnh K Pepper và nước sốt tiêu vào châu Âu – khu vực khó tính nhất về vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là đà phóng để ông đưa sản phẩm ra thị trường nội địa, bổ sung cho khát vọng làm tròn đầy những phân khúc ngách của ngành công nghiệp gia vị Việt Nam.

Ba năm phát triển mảng FMCG trong thị trường nội địa, Phúc Sinh đã có gần 50 sản phẩm khác nhau trong mặt hàng cà phê và gia vị. Bước khởi nghiệp mới ở thị trường sân nhà của vua xuất khẩu hồ tiêu như vậy cũng đã có được những thành tựu nhất định để chuẩn bị cho những bước nhảy cao hơn, xa hơn.

Hoạt động kinh doanh

Năm 2022, thời điểm nhiều doanh nghiệp đang phải căn cơ từng đồng lợi nhuận để sống và tiếp tục kinh doanh thì Phúc sinh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số để theo kịp xu hướng và kết nối kinh doanh toàn cầu. Website kphucsinh.vn và Mobile App KPHUCSINH chính là cánh tay nối dài kinh doanh cho Phúc Sinh một cách hiệu quả để thực hiện tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Mặc dù việc đầu tư chuyển đổi số tốn kém, cùng với nhiều thách thức sau Covid 19 nhưng với sự nỗ lực từng ngày, ngay trong mùa đại dịch vẫn lãnh đạo công ty hoạt động 100% công suất, đạt kết quả kinh doanh tốt tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, khuyến khích tinh thần của nhân viên. 8 tháng đầu năm 2022 Phúc Sinh đã tăng trưởng xuất khẩu hơn 60% và doanh số đạt 200 triệu đô la Mỹ. 

Hoạt động cộng đồng

Cũng trong năm Covid và hậu Covid còn nhiều khó khăn, ông đã tổ chức chương trình K COFFEE chia sẻ yêu thương trong mùa đại dịch. Tặng quà tết cho các hộ nghèo tại phường Cầu Ông Lãnh (Q.1), và các hộ nghèo và người tàn tật tại tỉnh Đăk Lăk; các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở bản Xà Vịt xã Nà Ớt, Bản Tô Vuông, xã Chiềng Ve, xã Chiềng Mung, Mai Sơn, tỉnh Sơn La... 

Triết lý kinh doanh

Về triết lý kinh doanh, ông Thông cho rằng yếu tố “cần” đầu tiên là sự sáng tạo và luôn cải cách thay đổi. Kinh doanh là lĩnh vực chịu nhiều áp lực, luôn phải đối mặt với nhiều thử thách, cạnh tranh. Có sản phẩm hôm nay mình vừa làm ra, ngày mai đã có người sao chép lại. Cho nên, phải không ngừng sáng tạo, đi tìm thị trường ngách. Điều đó bắt buộc phải đi theo hướng chế biến sâu. Muốn vậy, khâu đầu tư là quan trọng nhất mà cũng tốn kém nhất, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì, bền bỉ, đặc biệt là chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm.

Phúc Sinh có 14 năm làm phòng thí nghiệm, nhân viên ở đây làm việc cũng cực kỳ áp lực, vất vả. Để anh em không mất đi nguồn năng lượng sáng tạo cũng như không ngủ quên, mất cảnh giác trong chiến thắng, Phúc Sinh đã xây dựng tinh thần làm việc luôn hướng về phía trước. Ở đó, mọi người tự đổi mới từng ngày và nhìn theo cuộc đua trên thương trường để phát huy sự sáng tạo theo đúng tinh thần slogan của công ty: “Đừng để thành công làm cho bạn gục ngã”. Và thực tế đã chứng minh nhờ tinh thần luôn suy nghĩ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà Phúc Sinh luôn mới, luôn khác biệt.

Ngoài ra, ông Phan Minh Thông cũng rất mê công nghệ thông tin. Thậm chí, ông cho rằng, chính công nghệ thông tin đã khai sáng ông, chuyển đổi số cũng đồng nghĩa là dám ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình quản trị, thay đổi mô hình kinh doanh và quan trọng hơn còn là sáng tạo công nghệ.

THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

Vượt lên, những con đường kinh doanh