Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội). Gia đình Sơn Hà có 7 anh em. Tên Sơn Hà là tên ghép chữ đầu của quê quán và nơi ông sinh ra.
Từ nhỏ, Nguyễn Sơn Hà đã được học cả chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Nhờ biết chữ, ông xin được vào làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Đây cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Khi vào làm ở hãng sơn Pháp Sauvage Cottu nhưng Nguyễn Sơn Hà không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của người Việt Nam.
Ông biết, muốn làm được như vậy, trước hết phải học, phải hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây. Nhưng cái khó lúc đó là tất cả các tài liệu kỹ thuật này đều viết bằng tiếng Pháp. Để đọc được tủ sách của chủ, ban ngày ông làm việc chăm chỉ, buổi tối tìm thầy học thêm tiếng Pháp.
Năm 1917, Nguyễn Sơn Hà đã nắm được những công nghệ của ngành sản xuất sơn, đồng thời cũng tích cóp được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh của người Pháp. Cùng lúc đó người chủ hãng sơn qua đời, Nguyễn Sơn Hà bắt đầu thực hiện mộng lớn của mình.
Ông bán cái xe đạp để có được món tiền làm vốn ban đầu rồi mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa. Nguyễn Sơn Hà cùng các em của mình bước đầu trở thành chủ nhân của một công ty nho nhỏ, bề ngoài là đi thầu các việc sơn vôi, kẻ biển, nhưng trong nội bộ là lẳng lặng chế tạo thử sơn dầu.
Nhiều lần anh em của Nguyễn Sơn Hà đã tiến hành sản xuất thử nhưng đều thất bại. Không nản chí, Nguyễn Sơn Hà cùng các em của mình kiên trì rút kinh nghiệm. Ông đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu cách dùng nhiên liệu có sẵn trong nước, như nhựa thông, dầu cây trẩu, dầu cây thầu dầu.
Qua một thời gian kiên trì, cuối cùng, mẻ sơn đầu tiên thành công, đóng hộp bán ra thị trường với thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Hình ảnh về thương gia Nguyễn Sơn Hà bắt đầu từ đó.
Ông miệt mài nghiên cứu từ ngày này qua ngày khác và cuối cùng, mẫu sơn hoàn hảo ra đời. Với mẫu sơn ấy, ông đem gửi hãng Descous et Cabaud. Các cai thầu, thợ sửa chữa đến hãng này mua sơn và đem đi tiêu thụ trực tiếp đến các gia đình.
Chất lượng sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt. Hơn nữa, giá thành sơn Resistanco rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Hãng Descous et Cabaud thấy sơn Résistanco đã có chỗ đứng trên thị trường nên nhận làm đại lý. Từ đó, sơn Résistanco bắt đầu được tiêu thụ khắp nơi trong nước.
Nguyễn Sơn Hà quyết định đặt tên cho hãng sơn của ông là Gecko, với logo có hình con tắc kè xanh cong đuôi bám vào thân cây cổ thụ. Gecko đã đánh dấu sự ra đời của một hãng sơn do người Việt sáng lập và làm chủ công nghệ, đủ sức cạnh tranh với sơn của Pháp và tư bản Hoa kiều, đánh dấu sự trưởng thành của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là người thanh niên 26 tuổi quyết định xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7000 m2. Ông mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, ông mua đất ở Quảng Yên, Hải Ninh trồng các lọai cây như trẩy, thông… Ông đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu dùng các loại bột đá màu của Thanh Hóa.
Những năm 1930, ở Việt Nam, bắt đầu từ Hải Phòng, hiệu sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã xuất hiện và dám cạnh tranh với các hàng sơn của người Pháp và người Hoa. Với giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô và bóng đẹp, sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà ngày càng được khách hàng ngoài Bắc, trong Nam tín nhiệm.
Với những mặt hàng phong phú như sơn Résistanco A - B dùng cho sơn xe đạp, sơn Durolac để sơn ô tô, sơn Ideal dùng sơn các vật dụng thông thường..., sau một thời gian ngắn, sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà đã cạnh tranh được với cả sơn của hãng Sauvage Cottu, sơn Ripholin nhập từ Pháp sang...
Sau khi có đươc tiếng tăm nhất định, Nguyễn Sơn Hà không hề chủ quan vào thành quả của mình, mà luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm và chữ tín đối với khách hàng. Có lần nghe một khách hàng từ Sài Gòn ra, phàn nàn sơn Résistanco lâu khô, ông đã đích thân bay vào Sài Gòn, kiểm tra và phát hiện được nguyên do. Người công nhân nấu dầu non, mẻ dầu chưa đạt, nhưng sợ không kịp thời hạn giao hàng nên liều đem pha chế sơn gởi đi. Lập tức, ông cho đóng sơn quay lại nhà máy tại Hải Phòng và thông báo cho tất cả khách hàng đã mua mẻ sơn đó đến hãng đổi lại.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Phnom Penh, Viên Chăn, Xiêm… sơn Resistanco được ưa chuộng đến mức làm không đủ bán. Sau khi có đươc tiếng tăm nhất định, ông Nguyễn Sơn Hà không hề chủ quan vào thành quả của mình mà luôn luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm và chữ tín đối với khách hàng.
Nguyễn Sơn Hà đã phát triển một lối sản xuất riêng trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của đất nước mình. Từ những ngày đầu mò mẫm làm sơn bằng dụng cụ thô sơ là chiếc cối đá mua ở chợ, dần dần, ông cải tiến cối xay sơn bằng sắt và tìm hiểu, áp dụng những phương pháp làm sơn tiên tiến.
Là người có đầu óc nhạy bén năng động trong kinh doanh, ông đã cho quảng cáo rộng rãi khắp nơi, biếu hàng mẫu cho các cai thầu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay.
Hãng sơn của ông lấy tên là Gecko với lô gô là hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ. Nhờ có lượng nhân công rẻ lại khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước nên sơn của Sơn Hà có giá thành thấp hơn sơn ngoại và chất lượng đảm bảo nên dần dần đã chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng.
Thực dân Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép, khi thì dùng thủ đoạn vu khống, lúc kiếm cớ di dời, phá bỏ hòng bóp chết hoạt động của hãng sơn – nơi mà chúng cho là mầm mống của nền công nghiệp bản địa. Song nhờ khôn khéo đấu tranh, Nguyễn Sơn Hà đã vượt qua mọi thủ đoạn chèn ép của thực dân khiến những nhà cầm quyền phương Tây phải kiêng nể.
Trong những yếu tố tạo nên thành công khi phát triển sản xuất, kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà đặc biệt đề cao nguyên tắc “lấy nhân dùng nhân”. Để gắn bó người tâm phúc theo mình, ông mua hàng trăm ha ruộng đất ở Kinh Môn cấp đất cho vợ con họ cày cấy, số thóc thu được ông đem bán rẻ cho anh em công nhân những ngày khó khăn.
Năm 1939, trong một lần vào miền Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Sơn Hà. Với vị trí một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố, Nguyễn Sơn Hà tranh cử hội đồng thành phố.
Ông cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, Nguyễn Sơn Hà có một tấm lòng thương yêu người lao động sâu sắc.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã thân hành về Hải Phòng đề nghị Nguyễn Sơn Hà làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng, Kiến An. Là nhà tư sản lớn và có uy tín, nên khi Nguyễn Sơn Hà đứng ra làm Hội trưởng thì mọi tầng lớp nhân dân ở Hải Phòng, Kiến An ủng hộ rất mạnh.
Ông Nguyễn Sơn Hà đã bỏ tiền chi phí giấy bút và hỗ trợ đời sống giáo viên. Do vậy, phong trào truyền bá quốc ngữ duy trì tốt đến cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nguyễn Sơn Hà cũng rất tích cực trong việc giúp đỡ các phong trào giúp đỡ người nghèo. Năm 1939, khi biết tin quê nhà bị mất mùa do hạn hán khiến nhân dân đói kém, ông đã về quê và dùng tiền của mình để giúp đỡ bà con, chuyển hàng trăm cây dừa về trồng ở bên đường và đình làng để tạo bóng mát và thu hoạch quả.
Ông cũng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói. Trẻ em chết đói quá nhiều và cũng mồ côi quá nhiều trong những ngày đau thương ấy. Ông bà Nguyễn Sơn Hà lại đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi.
Trong Tuần lễ vàng mà chính phủ phát động, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5 kg.
Vào những ngày đầu của “Toàn quốc kháng chiến”, Nguyễn Sơn Hà cùng với các doanh nhân như Bùi Hưng Gia, Ngô Tử Hạ… đã tình nguyện hiến tài sản cho cách mạng. Nguyễn Sơn Hà đã bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của mà ông mất rất nhiều sông sức và tâm trí để gây dựng được.
Nguyễn Sơn Hà đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ kháng chiến quay trở về Hà Nội.
Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Khi Pháp tấn công Hải Phòng, cả gia đình ông sơ tán lên chiến khu Đông Triều, Quảng Ninh rồi lại tiếp tục di chuyển lên chiến khu Việt Bắc.
Ở Việt Bắc, ông giúp Cục thông tin bộ quốc phòng lúc đó làm vải nhựa cách điện với điện áp thấp, dùng cho kĩ thuật thông tin bằng cách đun nóng nhựa thông (hoặc nhựa trám) với dầu luyn rồi bôi lên vải diềm bâu.
Ngoài ra, ông cũng tổ chức sản xuất giấy than, mực in lito, vải che mưa. Vải che mưa của xưởng Nguyễn Sơn Hà chế tạo có thể chống mưa, ngụy trang cũng tốt, lại có thể làm chiếu nằm rất tiện cho bộ đội ta.
Không chỉ nổi tiếng với công việc làm sơn, Nguyễn Sơn Hà còn chế tạo được lương khô và thuốc ho. Lương khô theo công thức chế tạo của Nguyễn Sơn Hà vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cần thiết lại vừa bảo quản được lâu ngày mà không bị mốc.
Sau kháng chiến, Nguyễn Sơn Hà về Hải Phòng sinh sống, hiến hết số tiền còn lại cho Chính phủ (trên 74.950 đồng, quy ra 370 cây vàng lúc đó). Ông trở thành đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V.
Những năm cuối đời, Nguyễn Sơn Hà vẫn nghiên cứu để sản xuất sơn máy bay, viết sách và truyền dạy những kinh nghiệm kinh doanh cho lớp trẻ, góp phần xây dựng ngành công nghiệp sơn Việt Nam. Ông qua đời tại Hải Phòng năm 1980, hưởng thọ 86 tuổi.
Nguyễn Sơn Hà được giới kinh doanh xưng tụng là “ông tổ ngành sơn dầu Việt Nam”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm 2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã truy tặng Nguyễn Sơn Hà cùng Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Tên của ông được nhiều thành phố Việt Nam đặt tên đường như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.