Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Lương Khắc Ninh

Tiểu sử

Lương Khắc Ninh tự là Dũ Thúc, hiệu Dị Sử Thị, sinh năm 1862 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Mặc dù ra đời ở Bến Tre nhưng Lương Khắc Ninh có quê gốc làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Lương Khắc Ninh là ông Lương Khắc Huệ (tục gọi là ông Mười Lớn) và bà Võ Thị Bường. Về sau, gia đình Lương Khắc Ninh di cư vào Nam lập nghiệp không rõ năm nào rồi định cư ở tỉnh Bến Tre.

Lương Khắc Ninh sớm tiếp xúc nền Nho học đương thời và nghề làm thuốc Đông y từ cha. Vào năm 1876, khi thực dân Pháp đã chiếm hoàn toàn Nam Kỳ và bắt đầu thiết lập chế độ thuộc địa trên khắp Lục tỉnh, Lương Khắc Ninh đã từ bỏ “con đường của một nhà Nho”, chuyển sang học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tỉnh theo chương trình giáo dục cưỡng bức của chính quyền thuộc địa bấy giờ.

Được tiếp xúc với nền học thuật phương Tây, lại là người thông minh, học ít biết nhiều, Lương Khắc Ninh tốt nghiệp trung học tại Trường Le Myre De Vilers (nay là THPT Nguyễn Đình Chiểu) ở Mỹ Tho. Sau khi tốt nghiệp, do thông thạo tiếng Pháp nên Lương Khắc Ninh đã có cơ hội làm việc tại Sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880-1883. Đến năm 1899, ông chuyển qua làm thông ngôn tại Tòa án Bến Tre và là thành viên Hội đồng Quản hạt Bến Tre. Đến năm 1900, Lương Khắc Ninh thôi việc ở tòa án, lên Sài Gòn viết báo và chỉ một năm sau, trở thành chủ bút của tờ Nông cổ mín đàm, với các số báo ra mắt định kỳ thứ 5 hằng tuần và được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ tại Việt Nam.

Chủ bút tờ báo kinh tế đầu tiên ở Nam Kỳ

Nông cổ mín đàm do một điền chủ và một thương gia người Pháp đã lập nghiệp ở Nam Kỳ 20 năm, đồng thời là ủy viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ tên là Paul Canavaggio sáng lập và làm chủ nhiệm với tên tiếng Pháp là Causeries sur lagriculture et le commerce. Báo Nông cổ mín đàm được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cấp phép hoạt động vào ngày 14/2/1901. Thời gian đầu, trụ sở tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandiere, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM).

Tên báo Nông cổ mín đàm được in bằng chữ Quốc ngữ với ý nghĩa là uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn, bên dưới là 4 chữ Nông cổ mín đàm bằng chữ Hán, sau cùng là một hàng chữ Pháp. Khi ông Canavaggio sáng lập tờ Nông cổ mín đàm, mục đích được nêu khá rõ: “Thứ nhất, vì ông Chủ nhiệm Canavaggio đã gắn bó với Nam Kỳ hai mươi năm chẵn, có lòng thương mến đất và người phương Nam; thứ hai, theo mục Bổn quán cẩn tín (số đầu tiên, 1/8/1901) mục đích xuất bản của Nông cổ mín đàm: “Hai mươi năm chẳng miền Nam thổ, nay đã tiêm thành cơ chỉ quy mô... Thương Nam thổ dường như cố thổ, mến Nam nhơn quá bằng Tây nhơn, muốn sao cho nông - cổ phấn hành, sanh đại lợi cùng nhau cộng hưởng. Vậy ra sức lập nên nhựt báo thông trình nhau mà lại rộng chỗ kiến văn, lần lần liệu ta cử đồ đại sự. Trong Đông cảnh Cao-ly, Nhựt-bổn, nước Xiêm-la cùng nước Đại-thanh đâu đâu cũng đều có công văn nhựt báo. Há lục tỉnh anh hùng trí dõng, lại khoanh tay ngồi vậy mà xem, không thi thố cùng người mà trục lợi. Nay nhờ lượng quan trên nghị chuẩn, cho ấn hành Nông cổ mín đàm. Vậy xin lục dịch lảm tàng, mà gắn sức giúp nhau nên việc”.

Khi tờ báo được chính quyền thuộc địa chính thức cấp phép hoạt động, Lương Khắc Ninh đã tham gia viết bài cho số báo đầu tiên vào ngày 1/8/1901. Là ngòi bút chủ lực của Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh được ông Canavaggio tin tưởng giao quyền điều hành và vị trí chủ bút thay “vị chủ nhơn người Pháp” ngay từ những ngày đầu tờ báo đi vào hoạt động. 

Do là một tờ báo tư nhân không được chính quyền thuộc địa tài trợ, trong hai năm đầu hoạt động, Nông cổ mín đàm đã chật vật về tài chính. Vì thế, chủ bút Lương Khắc Ninh đã viết kêu gọi độc giả trả tiền báo khi mua dài hạn. Nhờ sự điều hành của ông, sau hai năm hoạt động, tờ báo ngày càng phát triển và ổn định về tài chính. Với phạm vi phổ hầu khắp xứ Nam Kỳ Lục tỉnh, sau gần hai năm phát hành Nông cổ mín đàm đã có 325 người mua báo, chủ yếu là quan chức và điền chủ như cai tổng, hội đồng, hương chủ, tri huyện và công chức nhà nước - những người biết đọc chữ Quốc ngữ và quan tâm đến các vấn đề mà tờ báo đề cập.

Giữ vị trí chủ bút của Nông cổ mín đàm từ năm 1901-1906, Lương Khắc Ninh đặc biệt quan tâm viết cho chuyên mục Thương cổ luận mô tả, phản ánh và phân tích những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp như tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mau giàu nhanh (số 8), thích dùng hàng ngoại quốc, không giữ chữ tín (số 15), lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông (số 51), dễ làm khó bỏ, thiếu kiên nhẫn (số 53), vừa giàu có đã vội khinh miệt kẻ nghèo hèn (số 54)... Mục đích của Lương Khắc Ninh và tờ Nông cổ mín đàm là để chỉ ra những lực cản đã và đang ngăn trở dân tộc Việt Nam dấn bước trên con đường canh tân làm cho dân phú quốc cường. Qua đó, kêu gọi người Việt đoàn kết, hùn vốn để kinh doanh, làm giàu cho mình và cạnh tranh với tư sản Pháp, thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều.

Sức ảnh hưởng của Nông cổ mín đàm rất lớn, đặc biệt là ở giới trí thức và tư sản Nam Kỳ. Nhiều nhà tư sản như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến... và những trí thức có tiếng đương thời như Nguyễn An Khương, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Kim Đính... cũng tích cực tham gia viết bài cho Nông cổ mín đàm. Qua đó, Nông cổ mín đàm trở thành cơ quan ngôn luận của giai cấp tư sản Nam Kỳ đầu thế kỷ XX và là tiếng nói chung của người Việt Nam trên con đường thương nghiệp, canh tân đất nước. 

Ngoài việc điều hành Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh còn dấn thân vào hoạt động chính trị. Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Đến năm 1906 tiếp tục được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương, nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh. Do phải tham gia vào chính trường, sau 5 năm làm chủ bút Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh từ chức và đưa Trần Chánh Chiếu thay thế vị trí của ông. Tuy nhiên, đến ngày 5/10/1908, Lương Khắc Ninh quay lại làm chủ bút Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn sau sự kiện Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam do có liên hệ với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.

Là nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường và thương trường xứ Nam Kỳ Lục tỉnh, Lương Khắc Ninh cùng với Trần Chánh Chiếu là những người đi tiên phong trong cải cách kinh tế cho người Việt ở Nam Kỳ thông qua báo chí.

Đóng góp cho xã hội

Không chỉ được biết đến là một nhân vật tích cực trong lĩnh vực báo chí và hoạt động chính trường, Lương Khắc Ninh còn là một nhà kinh doanh có danh tiếng ở Bến Tre. Nguyễn Liên Phong - một người bạn đương thời của Lương Khắc Ninh viết về ông: “Mấy năm nay, ngài gầy dựng cuộc buôn bán tại Châu Thành Bến Tre có bề thế và cất phố xá thêm cũng nhiều và ngài có làm hội viên trong Hội Đông Dương giáo huấn, cũng là một người khôn lanh thức thời vụ và có công bồi bổ trong phong tục giáo hóa, làm gương cho người lớp sau, đáng khen đáng tặng”.

Ở Nam Kỳ Lục tỉnh đầu thế kỷ XX, giai cấp tư sản người Việt vẫn còn non trẻ, không có nhiều vị thế trên thương trường và bị tư bản Pháp, thương nhân người Hoa, người Ấn chèn ép. Khi luồng tư tưởng cải cách kinh tế của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh được lan truyền rộng rãi trên cả nước, Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu là hai người sớm tiếp thu và tiên phong kêu gọi người Việt đoàn kết, hùn vốn để kinh doanh, làm giàu cho mình và cạnh tranh với thương nhân ngoại quốc.

Lấy ngòi bút làm vũ khí, Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu đã sử dụng báo chí làm công cụ để thay đổi nhận thức cho người Việt thông qua hai tờ báo kinh tế là Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn.

Trên Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh giữ chuyên mục chính là Thương cổ luận đăng ở trang 1 và 2, từ số đầu tiên, ông đã viết: “Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường. Xin anh em xét lại mà coi, có phải là hễ dân giàu là nước giàu chung, còn dân nghèo thì nước cũng không giàu đặng. Tờ nầy mới khởi hành, nên tỏ một ít lời cho chư vị quý nhơn rõ ý nhựt báo, chỉ muốn cho người bổn quốc có kỹ nghệ và thương mãi, đặng làm cho hiệp với người Khách và người Thiên trước”.

Trong suốt 5 năm làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm (1901-1906), Lương Khắc Ninh viết khoảng 120 bài báo phân tích những ưu điểm, khuyết điểm của người Việt trong kinh doanh. Ông kêu gọi: “Việc buôn lớn trong xứ ta, nếu mà người mình mở lòng rộng rãi mà chung vốn cùng nhau, hễ nhiều người thì vốn lớn, buôn chi cũng đặng, ắt là lợi lắm… Chúng ta mà không hiệp cùng nhau mà buôn, tôi biết một là vì một điều nghi nhau không trung tín, ngại nhau không thuận hòa nên lâu nay không ai chịu chung cùng với ai mà buôn bán nên để cho dị quốc làm mà thôi”.

Thông qua những bài phân tích trên Nông cổ mín đàm, những tư tưởng kinh doanh của Lương Khắc Ninh đã tác động rất lớn đối với giai cấp tư sản Nam Kỳ, trở thành “kim chỉ nam” cho họ trên thương trường. Những lời kêu gọi này đã thâm nhập trong giới trí thức, điền chủ, công chức người Việt có tinh thần dân tộc và bước đầu có sự lan tỏa. Đặc biệt, những tư tưởng của Lương Khắc Ninh sau đó được Trần Chánh Chiếu tiếp tục phát triển khi làm chủ bút Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ trong những năm 1907-1908. 

Sau khi thay thế Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp bắt giam, Lương Khắc Ninh trở lại làm chủ bút hai tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Ông tiếp tục viết nhiều bài báo vận động phát triển thương nghiệp cho người Việt. Đến ngày 18/1/1917, Lương Khắc Ninh nhường chức chủ bút Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn cho Nguyễn Chánh Sắt từ số báo 662.

Sau khi từ giã Nông cổ mín đàm sau nhiều năm làm chủ bút, Lương Khắc Ninh tập trung vào chấn hưng và phát triển nghệ thuật cổ truyền Nam bộ. Khi còn làm báo, ông đã thành lập gánh hát bội Châu Luân ban ở Sài Gòn (năm 1905). Vào đêm 28/3/1917, Lương Khắc Ninh đã đến diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Tại đây, Lương Khắc Ninh phân tích cặn kẽ cái sai lầm từ quan niệm cũ của người An Nam cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên “người có học thức một ít thì không làm, để cho kẻ ngu dốt nó hát.

"Vì cái dốt ấy nó làm cho mấy chú kép làm một ông quan cũng không ngồi cho vững, bộ tịch lất khất, đọc một cái thơ phùng mang, trợn mặt, phun râu và làm nhiều chuyện dễ cho trang thức giả đến coi rất hổ. Đã vậy, chúng nó lại tưởng mình hay, mình giỏi, vẽ cái mặt vằn vện cho nhiều là tốt, ngồi giữa rạp nói cho lâu là hay, không chịu sửa, có dạy cách lịch sự cho cũng trơ trơ”. Vì vậy, theo Lương Khắc Ninh, cần người có học, có trí thức để tham gia cải cách nghệ thuật cổ truyền. Muốn thế, trước hết phải học, phải đào tạo và ông lãnh nhận vai trò người đặt tuồng mới “chẳng phải là dùng văn chương, dùng tiếng cao xa, dùng điệu nói lối thường cho mấy con mẹ bán cá nghe cũng hiểu được nữa”.

Năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo ở Marseille. Tại đây, ông đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi về quan điểm, đường lối cứu nước với Phan Chu Trinh và tỏ ra rất kính trọng và khâm phục tài năng chí sĩ trong đường lối giành độc lập dân tộc. Cũng tại Pháp, ông viết một bức thư gửi vua Khải Định, bấy giờ cũng đang ở Pháp, khuyên vua nên tiếp thu và thực thi quan điểm của Phan Chu Trinh.

Những năm cuối đời

Sau khi ở Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo ở Sài Gòn và thường đi diễn thuyết ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho cổ động cho phong trào Duy Tân tự cường. Lương Khắc Ninh qua đời ngày 22/11/1943, hưởng thọ 81 tuổi.

Thành tựu

Là nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường và thương trường xứ Nam Kỳ Lục tỉnh, Lương Khắc Ninh cùng với Trần Chánh Chiếu là những người đi tiên phong trong cải cách kinh tế cho người Việt ở Nam Kỳ thông qua báo chí.

Thông qua những bài phân tích trên Nông cổ mín đàm, những tư tưởng kinh doanh của Lương Khắc Ninh đã tác động rất lớn đối với giai cấp tư  sản Nam Kỳ,  trở thành “kim chỉ nam” cho họ trên thương trường.

Những lời kêu gọi này đã thâm nhập trong giới trí thức, điền chủ, công chức người Việt có tinh thần dân tộc và bước đầu có sự lan tỏa. Đặc biệt, những tư tưởng của Lương Khắc Ninh sau đó được Trần Chánh Chiếu tiếp tục phát triển khi làm chủ bút Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ trong những năm 1907-1908.

Với tư tưởng kinh doanh tiến bộ của Lương Khắc Ninh, TS. Trần Viết Nghĩa - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bài Tư tưởng trọng thương của Lương Khắc Ninh trên tờ Nông cổ mín đàm đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số tháng 6/2014 đã nhận xét như sau: “Tên gọi Nông cổ mín đàm chỉ đơn giản là uống trà nói chuyện nhà nông và buôn bán, nhưng nội dung của nó lại đề cập sâu đến những vấn đề kinh tế của đất nước. Lương Khắc Ninh là linh hồn của tờ báo này. Linh hồn không chỉ thể hiện ở số lượng bài báo mà còn ở bản lĩnh, tư duy và dấu ấn của người làm báo. Ông không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình, cho dù điều đó có thể làm một bộ phận người đọc phật ý. Ông vượt qua tầm nhận thức chật hẹp, khuôn cứng và giáo điều của Nho giáo để đưa tư tưởng trọng thương đến với dân chúng. Những bài luận bàn về nghề buôn của ông đã gợi mở một lối tư duy kinh tế mới, tiến bộ và hiện đại ở Việt Nam”.

TS Trần Viết Nghĩa trong bài đã dẫn nhận xét: “Lương Khắc Ninh táo bạo và sắc sảo khi luận bàn về nghề buôn. Qua những lời bàn luận của ông, người đọc thấy rõ được nỗi băn khoăn, trăn trở và xót xa của ông trước sự nghèo nàn của đất nước và sự hối thúc dân chúng buôn bán để làm giàu”.

TS Phạm Thị Thu Hương (Viện Văn học), trong chuyên luận “Thương cổ luận - Một chỉ dấu trên con đường duy tân đầu thế kỷ XX” nhận xét khá xác đáng rằng: “Vận dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, và nói theo phong cách “vừa uống trà vừa bàn chuyện nông thương”, ròng rã trong suốt hơn 100 số báo, Lương Khắc Ninh “luận” về “thương cổ” dưới mọi góc độ, mọi điểm nhìn, phân tích không mệt mỏi chỉ để khắc sâu vào trí não người đọc một điều: trong vận hội mới, một dân tộc nếu không canh tân thì sớm muộn dân tộc ấy cũng đi đến kết cục: trở thành nô lệ hoặc tệ hơn, bị tiêu diệt. Và con đường canh tân nhanh nhất để dân giàu nước mạnh chính là đại thương”.