Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Hồ Tá Bang

Tiểu sử

Thời niên thiếu Hồ Tá Bang theo học chữ Nho, nhưng vì không ưa văn chương khoa cử nên quyết không đi thi mà để tâm trau dồi chữ Quốc ngữ, Pháp văn và tìm đọc các loại sách báo chuyển tải những nội dung mới mẻ, cốt tìm tòi lối thực học. Năm 1899, Hồ Tá Bang được tuyển dụng vào làm Ký lục ở Tòa Công sứ tỉnh Bình Thuận. Tại Phan Thiết, ông kết hôn với bà Huỳnh Thị Lâu (sinh năm Kỷ Mão 1879) con gái ông Huỳnh Văn Quế - một nhà hào phú có tiếng ở thị xã này. Bình Thuận trở thành quê hương thứ hai, nơi ông dành trọn sự nghiệp của mình cho đến cuối đời.

Do sớm tiếp thu tư tưởng canh tân từ cụ Nguyễn Lộ Trạch (1853 -1898) người cùng làng Kế Môn; lớn lên lại được làm việc tại Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều nhân sĩ tiến bộ khắp 3 miền nên ý chí cải cách của Hồ Tá Bang ngày càng lớn dần, định hình sáng rõ hơn. Và, kể từ cuộc gặp với Phan Châu Trinh tại Phan Thiết năm 1905, Hồ Tá Bang chính thức dấn thân vào con đường duy tân. Một điểm trùng hợp là, trước khi Hồ Tá Bang đến tập sự tại Tòa sứ Bình Thuận thì cụ Nguyễn Lộ Trạch đã vào Phan Thiết để bàn về đường hướng canh tân đất nước với các sĩ phu Bình Thuận rồi. Do vậy có thể nói, những dự án duy tân mà Hồ Tá Bang thực hiện tại Bình Thuận trong những năm đầu thế kỷ XX cũng chính là hiện thực hóa những ý tưởng của bậc tiền bối mà ông rất kính trọng và ngưỡng mộ từ thời còn đi học ở làng Kế Môn

Khởi nghiệp

Nghề làm nước mắm, cá khô là hoạt động kinh tế chính của người dân ven biển Bình Thuận, nhưng từ lâu vẫn theo lối nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Do đó, ngày 6/6/1906, các ông Nguyễn Trọng Lội (1871-1911), Nguyễn Quý Anh (1883-1938), Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), Trần Lệ Chất (1866-1968), Ngô Văn Nhượng (?) và Hồ Tá Bang quyết định mở công ty nước mắm với tên gọi Liên Thành thương quán.

Vào đầu thế kỷ XX, việc mở công ty là một khái niệm xa lạ với người Bình Thuận. Do đó, quá trình huy động vốn mở Công ty Liên Thành cũng gian nan không kém. Trước những trở ngại đó, ông Hồ Tá Bang đã cậy nhờ sự giúp đỡ từ anh em vợ là ông Huỳnh Văn Đẩu (tên thường gọi Ba Đẩu), Huỳnh Văn Ngô (Mười Ngô) và một hàm hộ lớn ở Phan Thiết lúc bấy giờ là ông Trần Gia Hòa (Bát Xì) góp vốn.

Ngoài ra, với vai trò là viên chức Tòa sứ, Hồ Tá Bang và Nguyễn Hiệt Chi đã tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền và ông Công sứ Garnier và được khuyến khích rằng: “Bỏ tiền vô hội mua bán cũng như các quan bảo hộ gửi tiền nhà Banque, làm quan hay công chức hùn vốn vào hội buôn mà không trực tiếp làm việc hội, thì không có hại gì, không sao hết”.

Ngày mở công ty, ông Nguyễn Trọng Lội được cử giữ chức Tổng lý để quán xuyến mọi công việc, cũng như trạch cử sắp đặt nhân sự. Còn các ông Trần Lệ Chất, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và Ngô Văn Nhượng là “người nhà nước” nên phụ trách việc thiết đặt các mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Điều hành công ty, mở rộng lĩnh vực kinh doanh

Sau khi ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, Hồ Tá Bang xin nghỉ việc ở Tòa sứ để tập trung vào việc kinh doanh và giữ chức Tổng lý (tháng 7/1911) thay cho ông Nguyễn Trọng Lội. Với lòng nhiệt thành, tài thực hành và tổ chức, Hồ Tá Bang đã lèo lái Liên Thành vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển với nhiều cơ sở mới mọc lên ở Mũi Né, Phú Hài, Hưng Long, Phan Rí (năm 1915) và cơ sở tại Hội An (1916). Công ty nước mắm Liên Thành còn là nhà bảo trợ mọi phí tổn cho Dục Thanh học đường (thành lập năm 1907).

Ngoài nước mắm, Liên Thành còn bán thuốc bắc, sách vở, bút mực, vải lụa cùng nhiều tạp vật khác; cơ sở Hội An là nơi tập kết gạo, nước mắm (chở từ Phan Thiết ra) và đường, tơ lụa thu mua từ miền Quảng Nam, Quảng Ngãi để đưa về Phan Thiết. Liên Thành còn mở khách sạn để người Việt khi đến Phan Thiết có chỗ nghỉ ngơi; vì khai thác thêm ngành này mà công ty bị một phen phiền nhiễu từ nhà cầm quyền hồi năm 1913. 

Cạnh tranh bằng chất lượng

Đến năm 1917, sau 10 năm đầu hoạt động, vốn công ty đã lên đến 93.200 đồng, mỗi cổ phần có giá 50 đồng (năm 1906 là 10 đồng, sau tăng lên 20 đồng). Thời điểm này Liên Thành quyết định dời trụ sở chính vào Sài Gòn (vùng Chợ Lớn), biến cải cơ sở ở Phan Thiết thành phân cuộc ngang hàng với các phân cuộc khác. Lúc này, Nguyễn Quý Anh (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông) được công ty ủy thác toàn quyền mọi công việc cải tạo công ty theo chế độ mới ở Nam kỳ thuộc địa; còn Hồ Tá Bang chuyển sang giữ chức Tổng Thủ bổn quản lý tiền bạc, tài sản của công ty. Tại đại hội thường niên năm 1921, ông lại được chọn cử làm Tổng trưởng Hội đồng quản trị cho đến năm 1936 khi Nguyễn Quý Anh ở Pháp về. 

Với những vị trí đảm nhiệm tại công ty, ông Hồ Tá Bang phải thường xuyên giao thiệp với các cơ quan ở xứ thuộc địa Nam kỳ, trong khi ông lại là người Trung kỳ nên thường bị họ gây khó dễ, không công nhận thẻ căn cước do các nhà chức trách Trung kỳ cấp. Để công việc được thuận lợi, cũng như để khỏi mất thời giờ và các loại phí phát sinh nên ông Hồ Tá Bang xin lấy thẻ thuế thân tại Sài Gòn. Việc này đã gây cho ông nhiều sự phiền toái, thậm chí bị chính quyền đương thời “đánh dấu hỏi” về thái độ chính trị.

Những năm 1920, để đối phó với nạn nước mắm giả do tư sản Hoa kiều khuynh đảo, với cương vị là người lãnh đạo Liên Thành, Hồ Tá Bang đã nhờ bác sĩ Guillerm ở Viện Pasteur Sài Gòn giúp đào tạo nhân viên và hỗ trợ mở một phòng hóa nghiệm. Nhờ đó, nước mắm Liên Thành nói riêng và nước mắm Phan Thiết bảo đảm được phẩm lượng và vấn đề vệ sinh đúng theo luật định của chính quyền. Không những thế, ông luôn trăn trở, tìm hướng mở rộng thị trường nước mắm Phan Thiết ra nước ngoài. Sản phẩm của Liên Thành góp mặt tại hội chợ thuộc địa Marseille (Pháp) năm 1922 là một ví dụ. Tuy nhiên, việc quảng cáo nước mắm cho người ngoại quốc lúc bấy giờ vô hiệu quả…

Liên hết để củng cố phát triển

Năm 1926, để đối phó với nạn lũng đoạn thị trường nước mắm của những nhà buôn Hoa kiều tại Sài Gòn – Chợ Lớn, Công ty Liên Thành đã đứng ra vận động thành lập Hội Tương tế Hàm nghiệp Bình Thuận. Tổ chức này có nhiệm vụ thu mua nước mắm của các hội viên và tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ. Ngoài công việc riêng của công ty, Liên Thành còn tham gia điều hành Hội Tương tế Hàm nghiệp với vai trò là Phó hội trưởng. Trăm công ngàn việc như thế nên lúc bấy giờ Tổng lý Nguyễn Văn Nghị phải về Phan Thiết mời Hồ Tá Bang vào phụ giúp một tay. Nhưng thật tiếc, vì ý kiến bất đồng, thiếu tinh thần vì việc chung nên các hàm hộ dần rút khỏi Hội tương tế Hàm nghiệp; và đến cuối năm 1929 đã phải dừng hoạt động.

Sau khi ông Nguyễn Quý Anh qua đời (tháng 9/1938), Liên Thành không người quản lý nên ông Hồ Tá Bang lại trở vào Sài Gòn giữ chức Tổng trưởng cho đến năm 1941, khi con ông là Hồ Tá Khanh lên thay thế.

Mở Trường quốc ngữ Dục Thanh

Mở trường học theo lối mới, hô hào học chữ Quốc ngữ cũng là một nội dung sôi nổi mà các chí sĩ duy tân Bình Thuận hướng tới. Vì vậy, năm 1907, Dục Thanh học đường chính thức được thành lập trên khu đất từ đường của gia đình ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh. Kinh phí hoạt động của trường do Liên Thành thương quán và hoa lợi từ 10 mẫu đất mà ông Huỳnh Văn Đẩu (anh vợ ông Hồ Tá Bang) hiến cho.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quý Anh, sự cộng tác nhiệt thành của ông Hồ Tá Bang cùng nhiều nhân sĩ trí thức khác mà học trò theo học Trường Dục Thanh ngày càng đông thêm, có lúc lên tới 70 trò. Số này không chỉ trong nội thị Phan Thiết mà còn đến từ các vùng lân cận, như: Phú Hài, Mũi Né và cả Phan Rí nữa.

Về nội dung, trường cốt dạy chữ Quốc ngữ hơn là Hán tự, nhờ đó thanh niên Phan Thiết sớm được học thứ chữ được xem là “hồn của nước”. Hồ Tá Bang và cộng sự hội Liên Thành coi đây là biện pháp chấn dân khí, khai dân trí tốt nhất; đồng thời, việc học chữ Quốc ngữ còn tranh thủ được cảm tình của chính quyền địa phương, vì lúc này đã có nghị định buộc các trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ cho học sinh.

Cùng với đọc sách Tây, học chữ Quốc ngữ; cuộc vận động cải cách trang phục và cắt tóc ngắn được xem là hình thức dứt bỏ hủ tục nên các thành viên hội Liên Thành và Trường Dục Thanh quan tâm nhiều. Ông Hồ Tá Bang lúc bấy giờ tuy còn mặc áo dài nhưng tóc đã cắt ngắn, rất gọn gàng, mới mẻ và không còn đội khăn đóng. Cụ Nguyễn Đăng Lầu, một cựu học sinh Trường Dục Thanh trong những năm 1908 - 1909, cho biết: chỉ học trò trường ông là cúp tóc hết, còn các trường khác trong thị xã thì ít người thực hiện. Thậm chí học trò còn truyền tay nhau học thuộc lòng bài thơ khuyên cắt tóc ngắn.

Ngoài học kiến thức, học trò Trường Dục Thanh còn được học môn thể dục, buổi sáng lúc 6 giờ trước khi vào lớp và chiều 5 giờ sau khi tan học. Vì thế Dục Thanh được xem là ngôi trường không những mới về hình thức, mà còn tiên tiến về triết lý giáo dục; là “một trường tư thục vào loại tiến bộ nhất Việt Nam” lúc bấy giờ.

Sau khi trường dừng hoạt động (1911), Hồ Tá Bang một lần nữa lại đi vận động những phú gia ở Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận gửi con cháu ra trú học tại Trường Dòng Pellerin (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Cơ sở Liên Thành tại Hội An là nơi nghỉ trọ của học trò trong những tháng nghỉ hè. Vì đường sá xa xôi, cách trở nên trú tại Hội An ít tốn kém hơn là về Phan Thiết. 

Điểm qua những điều trên có thể thấy, Hồ Tá Bang không chỉ có tài kinh thương mà ông còn là con người của giáo dục, quan tâm tới sự nghiệp mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho quê hương Bình Thuận.

Đóng góp vào hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc

Trên đường vào Nam tìm hiểu tình hình, tháng 9/1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã tạm dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh. Nhờ mối quan hệ khá tốt với Công sứ Garnier nên Hồ Tá Bang và Trần Lệ Chất sau một thời gian đã chuẩn bị xong giấy thông hành và thẻ căn cước cho Nguyễn Tất Thành (với tên gọi mới là Văn Ba) để vào thuộc địa Nam kỳ.

Tháng 2/1911, ông Hồ Tá Bang và cụ Trương Gia Mô đã đưa Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết để vào được Sài Gòn một cách trót lọt. Tại Sài Gòn, cũng nhờ sự giúp đỡ của ông Hồ Tá Bang và những người trong hội Liên Thành mà Nguyễn Tất Thành được nhận vào làm việc tại phân cuộc của Công ty nước mắm Liên Thành (thành lập năm 1906) đặt tại Chợ Lớn (nay là số 5 Châu Văn Liêm, Q.5, TP. Hồ Chí Minh).

Như vậy, trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có dấu ấn của cá nhân ông Hồ Tá Bang và các nhân sĩ trong tổng hội Liên Thành. Nhờ những vị này mà Nguyễn Tất Thành - một thanh niên Việt Nam yêu nước đã khởi đầu sự nghiệp vĩ đại, giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân.

Cuối đời

Sau khi thôi quản lý Liên Thành, ông Hồ Tá Bang trở về Phan Thiết sống đời thanh bạch, lấy miền thôn dã ruộng vườn làm vui. Trong bài “Vui thú điền viên” ông chia sẻ:

“Hằng ngày vác cuốc dạo điền viên

Đến bữa ngồi bàn xơi khoai bí.

Đứng ngắm lâm tuyền thấy hữu tình

Nằm chi thành thị nghe vô lý”.

Trước khi qua đời, ông có về quê – Kế Môn, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) thăm bà con chòm xóm và cùng trò chuyện với bạn già Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đình Phiên...

Không chỉ là một nhà duy tân cải cách, Hồ Tá Bang còn sáng tác văn học, tiêu biểu có bài “Tế thủ tiền lỗ văn” (Văn tế bọn bo bo giữ tiền) đăng trên báo Lục tỉnh tân văn, số 23 ngày 23/4/1908. Qua những sáng tác đó, hậu thế có thể biết được phần nào con người và cuộc đời của ông đối với quê hương, đất nước.
Tư cách và đức độ của ông được nhân dân và sĩ phu kính trọng. Sinh thời cụ Phan Bội Châu vì quý mến nên có thơ đề tặng:

“Mùi lan tiếng khánh sẵn ngồi trong

Khắp mặt rồi càng thỏa tấm lòng

Đất há Bắc Nam chia lối chạy

Trời ư mưa gió thảy chung tình

Mình đầy giáp trụ trong tâm trạng

Bạn hỡi, đàn reo dưới nguyệt cung

Sẵn nhịp cánh hồng bay Lục Tỉnh

Bài thơ phơi ruột với hai ông”.

Do tuổi cao sức yếu, ngày mùng 2/3 năm Quý Mùi (6/4/1943) ông Hồ Tá Bang tạ thế tại Phan Thiết, hưởng thọ 68 tuổi, an táng tại khu đất gia tộc - cây số 13 thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam ngày nay.

Khi ông mất, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người đã soạn văn bia cho ông, trong đó có đoạn: “Dinh nghiệp hội Liên Thành lâu gần bốn chục năm, công Cụ kinh doanh sắp đặt rất nhiều. Một điều hiếm có là bình sinh không ưa giao du phiếm, nhưng đã gặp người vừa lòng thì kết bạn đến bạc đầu, trước sau không hề hai lời hứa hẹn. Than ôi! Ít lắm!”.

Thành tựu

Sự ra đời của Công ty nước mắm Liên Thành  là "kết quả của một hành động tập thể", trong đó Hồ Tá Bang là một điểm son.

Bản thân Hồ Tá Bang tuy làm việc cho chính quyền thực dân Pháp, nhưng với lòng yêu nước thương nòi, ông đã cùng các chí sĩ duy tân ở Bình Thuận dốc lòng, dốc sức giúp người dân phát triển kinh tế, giáo dục.

Hồ Tá Bang cũng là đồng sáng lập Dục Thành học hiệu và Liên Thành thư xã, giúp đỡ lãnh tụ Nguyễn Tất Thành trong thời gian Người dạy học tại trường Dục Thanh và giúp Người vào Sài Gòn nhận việc trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước.