Xác nhận
Doanh nhân đương thời

Võ Thị Phương Lan

Thời thơ ấu

"Cố học để sau này được ngồi bàn giấy, cháu ạ!". Đó là lời khuyên mà cô bé Võ Thị Phương Lan được nghe nhiều nhất trong suốt thời hoa niên. Lúc ấy, tuy không hiểu ngồi bàn giấy là làm gì nhưng theo cách nói rất nghiêm túc của bà ngoại, Phương Lan nghĩ đó là một công việc tốt. Vì vậy, cô bé đã nỗ lực học tập dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. 

Cô bé Phương Lan ý thức những khó khăn trong cuộc đời từ khi nghe hiểu những câu chuyện mẹ kể, rằng cô được sinh ra trong một hang đá Ba Tơ (Quảng Ngãi) - nơi bệnh xá dã chiến mà mẹ khi ấy là y tá quân y, khi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc đang ở hồi ác liệt. Hai tháng sau khi cô chào đời, miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất. Những năm tiếp theo, cô cùng gia đình trải qua những ngày tháng tươi đẹp và bình dị.

Cho đến năm Phương Lan 13 tuổi, biến cố xảy ra. Ba cô đột ngột qua đời. Mẹ cùng các em về nhà ngoại nương tựa, để lại một mình Phương Lan trong căn nhà ba gian lo hương khói cho ba và tiếp tục chuyện học hành. Lúc ấy, chỉ có chú thím, bà con sớm hôm thăm hỏi, động viên cô.

Cứ thế, cô bé Phương Lan đi qua những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời, tìm niềm vui trong sách vở và công việc. Mặc dù đi học sớm hơn tuổi một năm nhưng trông cô bé lúc nào cũng cao lớn hơn bạn bè cùng lớp. 

Dù gia cảnh khó khăn nhưng cô luôn giữ thành tích học tập xuất sắc, thêm tính tình chững chạc nên Phương Lan luôn được thầy cô, bạn bè tín nhiệm giao cho vị trí lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn suốt những năm phổ thông. Đặc biệt, năm lớp 12, cô đại diện cho trường thi Học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, và năm cuối cấp đạt danh hiệu "Học sinh tiên tiến toàn khoa".

Từ lúc 13 tuổi đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phương Lan dành buổi sáng đi học, buổi chiều hái rau hoặc thắng đường đen làm kẹo bán, kiếm tiền tự trang trải sinh hoạt phí và học phí, đồng thời kiếm thêm thu nhập giúp má chăm lo cho các em nhỏ đang tuổi học hành. Câu nói của bà ngoại mãi ghi khắc vào tâm trí cô, làm đuốc soi đường, làm đèn sáng lối, đưa cô vào đại học. 

Nhưng, cuộc sống luôn có những gập ghềnh khó tránh. Năm 1992, theo truyền thống gia đình, cô chọn ngành y để thi đại học. Không may, cô bị tai nạn giao thông trên đường đi thi, phải nằm viện điều trị một thời gian dài. Thế là ước mơ vào ngành Y đành dừng lại. 

Tuy nhiên, cô gái nhỏ Phương Lan không bỏ cuộc. Ngay khi khỏe lại, cô xin phép gia đình, một mình vào Phước Tỉnh (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay). Cô ở nhờ nhà người quen, ngày ngày đi bán cá biển, phụ giúp việc nhà cho người ta để kiếm tiền chuẩn bị cho kỳ thi đại học tiếp theo. 

Một ngày làm việc của cô kéo dài 20 tiếng, từ lúc 04 giờ sáng đến 12 giờ khuya. Cô ra bãi biển khi bình minh chưa ló dạng, phụ bán cá đến tận chiều, tranh thủ về sớm phụ việc nhà cho những nơi cần, tối đến thì ôn luyện bài vở, có khi ngủ gục trên bàn học. Cứ thế ròng rã suốt một năm, mọi nỗ lực của cô đã được đền đáp bằng tin vui thi đỗ Đại học Đà Lạt – Khoa Quản trị kinh doanh.

Có nhiều người hỏi cô "sao lại học ở Đà Lạt mà không vào thẳng Sài Gòn tìm cơ hội?". Câu trả lời chính là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đà Lạt là nơi cô có thể nương tựa nhà bà con. Nhà cách trường mười hai cây số. Kết thúc buổi sáng ở giảng đường, cô đạp xe trở về nhà, sau đó lên rẫy cắt cỏ, trồng cà rốt, hái lá su su và nấu cám heo cho đàn 10 con ăn khỏe. Dù công việc vất vả nhưng cô luôn xem đó là niềm vui, là sự đền ơn đáp nghĩa người đã cho cô nơi ở và tiền ăn học mỗi ngày. 

Vẫn với mục tiêu như thời trung học, Phương Lan vừa học vừa làm, tìm đủ mọi cách để có tiền theo đuổi con đường chữ nghĩa. Đến năm thứ hai đại học, cô chuyển vào ở ký túc xá của trường. Được sự hướng dẫn của bạn bè, cô nhận việc đan áo len xuất khẩu để kiếm thêm tiền đóng học phí và học các môn ngoại khóa như tiếng Anh.

Cuộc sống thiếu thốn, có hôm ăn không đủ no, áo không đủ ấm, chỉ mong không bị bệnh để đừng phải chi thêm bất kỳ khoản nào nữa, nhưng tất cả khó khăn ấy vẫn không làm mờ quyết tâm, nỗ lực học hành của Phương Lan. Hè đến, bạn bè đi chơi còn Phương Lan tận dụng thời gian để làm thêm việc, như nhổ khoai tây, cắt cỏ. Bởi, cô ý thức rất rõ một điều là chỉ có sự học mới có thể thay đổi cuộc đời, phụ giúp mẹ chăm lo tốt cho các em.

Trong cách kể chuyện của cô, chúng tôi không cảm thấy sự thiệt thòi hay than trách nào. Ngược lại, chúng tôi cảm nhận được sự hứng thú và tự hào với những thành quả lao động của mình. Vốn có khả năng sáng tạo, Phương Lan tự vẽ trên giấy những hình thú xinh xắn rồi đan thành áo, cô mặc chiếc áo ấy đến trường trong sự trầm trồ khen ngợi của bạn bè và từ đó nhận được những đơn đặt hàng giá cao. 

Dù sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, không hề biết kinh doanh nhưng cuộc đời đã dạy cô muốn sống tốt phải biết cách tạo nên sự khác biệt. Và ngay từ thuở thiếu thời, cô đã biết kinh doanh dựa vào sự khác biệt ấy. 

Khả năng học tập cực tốt của Phương Lan cũng giúp cô kiếm được việc làm thêm lý tưởng. Đó là hỗ trợ các chị lớp trên làm luận văn, đồ án. Mỗi luận văn được bảo vệ thành công, Phương Lan được trả thù lao 60.000đ, đủ để cô sống cả tháng. 

Tiền làm thêm không những giúp cô trang trải mọi khoản chi tiêu mà còn đủ dư để cô học các lớp ngoại ngữ, vi tính và kỹ năng mềm. Ngay việc chọn môn học thêm cũng thể hiện tư duy khác biệt của Phương Lan lúc ấy. Vì mục tiêu ra trường là phải kiếm được việc làm ngay nên cô học nhiều lớp kiến thức và kỹ năng bổ trợ để tạo "thế cạnh tranh" có lợi cho mình. Thấy bạn bè rủ nhau đi học tiếng Anh, cô học thêm ngoại ngữ thứ hai là tiếng Hoa để tạo sự khác biệt. 

Những năm tháng học ở Đà lạt, cô thường lên chùa Linh Sơn cầu nguyện, không phải cầu cho mình học giỏi mà cầu cho mẹ khỏe mạnh. Chỉ có như thế cô mới có cơ hội tiếp tục đi học. Mục tiêu học tập và làm việc của cô thể hiện rõ ràng ở lịch trình dày đặc và đều đặn từ sáng sớm đến nửa đêm. Sáng đến lớp học chính quy, chiều lên thư viện, tối học ngoại ngữ. Từ 10 giờ đến 12 giờ đêm là thời gian cô ngồi đan len và trò chuyện với bạn cùng phòng trọ. 

Cô biết mình không có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa để gây ấn tượng với thầy cô, bạn bè. Vì vậy, Phương Lan tập trung gây ấn tượng bằng cách học thật giỏi. Hết giai đoạn học đại cương, Phương Lan là một trong hai sinh viên của khoa được tuyển thẳng qua giai đoạn chuyên ngành mà không phải thi. 

Mục tiêu của Phương Lan lúc ấy được ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính. Không được rớt bất kỳ môn học nào để khỏi phải đóng tiền thi lại, học lại. Cô luôn là học sinh xuất sắc, duy chỉ có một lần, trước giờ thi được mời một ly cà phê sữa. Vì không quen nên cô bị say, bủn rủn tay chân, không thể làm bài thi được. Đó là lần duy nhất cô thi rớt. Điều đó cho cô một kinh nghiệm xương máu là luôn giữ mình tỉnh táo trước khi thực hiện những việc quan trọng.

Sau rất nhiều nỗ lực, cô sinh viên Phương Lan đã tốt nghiệp đại học loại khá, kèm theo chứng chỉ B hai loại ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Hoa cùng với chứng chỉ tin học, kỹ năng mềm ngắn hạn khác. Ngày ra trường, cô cầm trên tay cả sấp bằng cấp, chứng chỉ. Bản tự giới thiệu của Phương Lan đủ để thuyết phục những nhà tuyển dụng khó tính nhất. 

Những năm tháng đầu đời

"Sau một tháng, nếu con không trụ nổi ở Sài Gòn, con sẽ về quê với má và các em!". Đó là lời cô gái trẻ Phương Lan cam kết với mẹ vào ngày vừa tốt nghiệp đại học và khăn gói vào Sài Gòn tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Thời ấy, với uy tín là một bậc lão thành cách mạng, mẹ cô đã xin sẵn một công việc viên chức nhà nước ở Quảng Ngãi cho cô. Nếu theo phương án của mẹ, hành trình cuộc đời tiếp theo của Phương Lan sẽ là "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", nhàn hạ qua ngày, lấy chồng sinh con và… chỉ có vậy. 

Dù rất yêu quê hương Quảng Ngãi nhưng tầm nhìn của Phương Lan đã thay đổi chỉ với một lần "chạm ngõ" Sài Gòn khi có dịp làm luận án tại Đại học Kinh Tế TP.HCM. Phương Lan đã nhìn thấy những chân trời mới, những ước mơ xa. Vì vậy, cô quyết chí xa nhà lập thân. Hành trang vào Sài Gòn của cô chỉ có 4 bộ đồ và 130.000đ.

May mắn luôn mỉm cười với người có chí lớn. Phương Lan đến Sài Gòn và được sự giúp đỡ tận tình của bạn bè thời đại học. Thuê phòng trọ thì ở trước trả sau. Quần áo, giày dép thì mang đồ cũ của bạn. Xe đạp cũng được cho mượn. Công việc cũng do bạn giới thiệu. 

Đến Sài Gòn hôm trước, hôm sau bạn cô đã rủ đi làm PG cho một triển lãm tranh. Thật lòng cô chẳng biết làm PG là gì nhưng tin bạn và nghe nói có thù lao là cô ưng liền. Cô mượn áo dài của bạn, đèo bạn đi trên chiếc xe đạp cũ, trải qua 10 ngày làm PG và nhận thù lao 600.000đ. Số tiền này có thể chẳng là gì với người khác nhưng với Phương Lan là cả một gia tài, một cơ hội. Cô dùng tiền mua ngay một chiếc xe đạp, số còn lại trang trải sinh hoạt phí và gọi về xin má cho ở lại Sài Gòn thêm hai tháng để tìm việc chính thức.
 
Cả ba nơi cô "rải đơn"xin việc đều mời cô phỏng vấn. Cô chọn An Nhơn Logistics – một công ty mới vừa thành lập vài tháng để đầu quân với suy nghĩ "công ty mới sẽ có nhiều việc, là cơ hội tốt cho mình học hỏi". 

Nhân viên chứng từ forwarding, đó là chức danh đầu tiên cô đảm nhận khi đi làm. Công việc khá mới mẻ nhưng với sự chăm chỉ, siêng năng học hỏi không ngừng, cô luôn nhận được đánh giá cao của sếp. Chỉ sau một tháng, cô đã thuần thục tất cả loại chứng từ xuất nhập khẩu. 

Vì là công ty nhỏ, mới thành lập với 06 nhân viên nên công việc khá nhiều nhưng với trái tim hết mình vì công việc, nhiệt tình 12 tiếng mỗi ngày, cô được tin tưởng giao cho kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Sau 06 tháng nghiêm túc với công việc chứng từ, sếp tin tưởng giao cho cô mảng Khai Hải quan ở Tân cảng Khánh Hội. Bản tính thật thà, chất phác nên sếp cho cô mượn xe máy để thuận tiện hơn trong công việc. Cảm kích trước tấm lòng của sếp, cô làm việc không nề hà, lắm khi còn tham gia bốc xếp hàng hóa vào container 40feet, mà khi xong việc luôn là 12 giờ đêm.

Cứ như thế, cô chăm chỉ làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 9 giờ tối, ngày nào cũng như ngày ấy. Cô làm tất cả công việc được giao như một cách để tích lũy kinh nghiệm. 

Sau hai năm, sếp nhận thấy cô lanh lợi, thông minh, có duyên với ngành nên ông đề nghị cô thử sức với vai trò mới - nhân viên kinh doanh. Với ý chí cầu tiến, cô nhận lời ngay và dùng tiền tích góp mua một chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Công việc của một nhân viên kinh doanh mới rất khó khăn, cô phải đối diện với những tình huống "dở khóc dở cười". Cô rút ra kinh nghiệm quan trọng là không bao giờ được nhụt chí bỏ cuộc. Cô vận dụng tất cả kiến thức marketing, kỹ năng bán hàng cùng các "bí quyết riêng" để hoàn thành công việc. Mỗi ngày cô kiên trì chạy xe từ chợ An Đông đến các cửa hàng sơn mài mỹ nghệ ở Quận 1 để tiếp thị. 

Dần dần, cô gây ấn tượng tốt với các chủ cửa hàng. Họ yêu quý nên giới thiệu cho cô nhiều khách hàng tiềm năng khác. Sau một thời gian ngắn, cô trở thành người có doanh số luôn dẫn đầu trong nhóm, mang về rất nhiều lợi nhuận cho công ty. Sau tất cả mọi cố gắng, thành quả cuối cùng là cô được sếp và đồng nghiệp công nhận, được thăng chức Trưởng phòng Kinh Doanh. Những cơ hội mới bắt đầu mở rộng cửa với cô.

Cái hẹn với mẹ đã qua lâu rồi mà con đường phát triển của cô thì cứ ngày càng dài rộng. Năm 2000, Mỹ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho ngành logistics, cũng là lúc Phương Lan nghĩ đến việc cần những sân chơi lớn hơn để phát triển. 

Cùng năm ấy, Tổng thống Bill Clinton có chuyến viếng thăm Việt Nam. Phương Lan là một trong những người trẻ vinh dự được mời đi đón và giao lưu với tổng thống tại cảng VICT. Sự kiện lịch sử ấy là niềm tự hào và là cột mốc đáng nhớ trong đời cô. Những lời Tổng thống Bill Clinton nói đã thấm vào tâm trí cô, giúp cô khẳng định con đường sự nghiệp đã chọn là đúng đắn và nghề logistics chắc chắn sẽ phát triển rất tốt trong tương lai.

Lúc đó, Công ty American Container Line mở văn phòng đại diện tại TP.HCM và tuyển dụng nhiều vị trí. Cô ứng tuyển và trở thành Trưởng phòng kinh doanh với mức lương 200 USD, kèm theo lời hứa từ vị sếp Mỹ, "nếu làm tốt, sau 5 tháng cô sẽ được tăng lương lên 300 USD".

Từ đó, tuổi thanh xuân của cô gắn liền với American Container Line và những bến cảng. Ban ngày làm việc với văn phòng Việt Nam, buổi tối làm việc với văn phòng Mỹ đến 12 giờ đêm. Sau 2 tháng, mức lương của cô tăng lên 500 USD, gấp đôi số thù lao được hứa vào ngày đầu được tuyển dụng. Sau một năm, trưởng đại diện của công ty đi định cư ở Mỹ. Mọi việc tại Việt Nam được sếp Mỹ giao hết cho cô với một lời hứa mới, nếu mở thành công các chi nhánh ở Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng thì cô được tăng lương lên 1.000 USD. 

27 tuổi, nữ quản lý Phương Lan một mình bôn ba đi Hải Phòng thành lập Văn phòng đại diện với rất nhiều khâu thủ tục. Từ việc xin giấy phép, thuê văn phòng, tuyển nhân sự đến đào tạo cho nhân viên mới và xây dựng cả quy trình làm việc theo khuôn mẫu công ty mẹ. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với khát khao khám phá chính mình và tự khẳng định bản thân, cô chấp nhận mọi thử thách. Lịch làm việc của cô dày đặc với 16 tiếng/ngày. Do đặc thù làm việc với nước ngoài thường lệch múi giờ, nên ban ngày cô làm việc với người Việt Nam, tối về lại báo cáo, trao đổi, làm việc với văn phòng ở Mỹ.

Mỗi một văn phòng đại diện mà cô gầy dựng lên có cả mồ hôi và nước mắt. Sau rất nhiều thử thách, cuối cùng thì ba văn phòng cũng ra đời. Năm 2002, sếp lại giao nhiệm vụ mới, mở văn phòng đại diện ở Campuchia. Vì vậy, xứ sở của những ngôi đền Angkor đã ghi dấu chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời Phương Lan. 

Ở tuổi 28, Phương Lan quản lý 5 văn phòng đại diện cho một tập đoàn đa quốc gia. Và khi vừa tròn 26 tuổi, cô đã sở hữu xe riêng, nhà riêng, lo cho mẹ và các em ăn học đến nơi đến chốn. Lúc này, cô mới an tâm lập gia đình.

Tay trắng dựng cơ đồ

Đó là câu nói của người sếp tận trời Mỹ khi nghe Phương Lan trình bày về những dự án logistics mới tại Việt Nam vào năm 2005. Là một người sáng tạo, luôn suy nghĩ cái mới, Phương Lan đã có những đề xuất táo bạo để giải quyết việc chuyển hàng đi Mỹ mà không phải quá cảnh Singapore, chi phí giảm còn 1/3. Đề xuất này được chấp nhận. Cô ăn ngủ ngoài cảng hàng tuần liền, ngày nào cũng đến 1-2 giờ sáng để đóng hàng. Cô trở nên nổi tiếng vì là người đầu tiên ở Việt Nam mở dịch vụ đóng hàng đi Mỹ trực tiếp, đem về lợi nhuận khủng cho công ty với mỗi container lời tối thiểu 2.500 USD. Vào thời điểm những năm 2000, đây là lợi nhuận đáng mơ ước.

Với phương thức lãnh đạo bằng tầm nhìn và tâm sáng, luôn đặt mình vào vị trí nhân viên, cô luôn thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ nhân viên nên nữ lãnh đạo Phương Lan luôn được nhân viên yêu mến, tận tâm cống hiến. Nhờ thế, doanh thu dưới sự điều hành của cô tăng gấp 5-10 lần so với mục tiêu đề ra, làm hài lòng các vị lãnh đạo cấp cao, đồng thời nâng uy tín và thương hiệu cá nhân của cô lên gấp bội.

Trong quá trình làm việc với American Container Line, Phương Lan đã sớm nhận thấy có rất nhiều cơ hội phát triển kinh doanh như vận chuyển nội địa, khai hải quan, thu mua hàng lẻ và nhiều dịch vụ phụ trội khác. Nhưng vì các chính sách bó buộc mà đề án phát triển dịch vụ cô gửi đi vẫn không được tổng công ty phê duyệt. 

Cô chia sẻ những trăn trở này với ông Webley Lambert – một khách hàng người Mỹ thân thiết. Ông đã khuyên "cô có thể khởi nghiệp nếu cô có đam mê thật sự và đủ tự tin. Với sự nhiệt tình, tận tâm và uy tín của cô, tôi nghĩ cô nhất định làm được. Tôi tin chắc như thế". Lời khuyên đó trở thành động lực rất lớn cho cô viết nên kế hoạch kinh doanh của riêng mình.

Nhận thấy tấm bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh chưa đủ cho mình vươn ra biển lớn, cô quyết tâm hoàn thành chương trình Master of Business Administration (MBA) - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh do trường Maastricht của Hà Lan liên kết với trường Đại học Bách Khoa tổ chức. Cô mất ròng rã ba tháng trời học tiếng Anh với chính nhân viên của mình. Không xấu hổ, không giấu dốt. Ở công ty, cô là sếp. Sau giờ làm việc, cô là học viên chăm chỉ. Nhờ vậy mà trình độ tiếng Anh của cô cải thiện nhanh chóng trong thời gian ngắn, đủ điều kiện tham gia chương trình MBA. 

Trong thời gian tham gia khóa học MBA, cùng lúc, cô nhận được lời đề nghị của ông Wesley Lambert "gửi kế hoạch kinh doanh của cô cho tôi xem. Nếu cô chịu làm thì tôi sẽ đầu tư". Cô mừng rỡ, vận dụng tất cả kiến thức đã, đang học và những kinh nghiệm thực tế để hoàn chỉnh bảng kế hoạch 10 trang với chi tiết nội dung về cơ cấu nhân sự, cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn vốn, quy trình tổ chức vận hành công ty…Tất cả vừa đủ với nguồn vốn 1 tỷ 200 triệu. Cô cũng thể hiện quyết tâm đón đầu xu thế mới khi Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định song phương, cũng như lộ trình gia nhập WTO trong tương lai. 

Sau một tuần gửi email, ông Wesley Lambert đã hồi âm và quyết định đầu tư. Ông chuyển khoản cho cô 30.000 USD, đúng số tiền cô cần mà không có bất cứ yêu cầu đứng tên công ty hay thế chấp tài sản gì. Ông bảo rằng "đây là công ty của cô, tôi cho cô mượn để đầu tư tạo dựng cơ nghiệp".

Nhận định rõ cơ hội chỉ đến một lần nên cô quyết định ngừng công tác tại American Container Line và mạnh dạn xây dựng công ty. Tất cả đến quá nhanh. Cô đã dùng tất cả sự tự tin, uy tín, tài chính và bản lĩnh của mình để cho ra đời "đứa con tinh thần"- Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á (Amerasian Shipping Logistics Corp). 

ASL ra đời từ đó, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời sự nghiệp của Võ Thị Phương Lan và ghi tên cô vào giới doanh nhân Việt Nam.  Cùng cô sáng lập còn có 5 cổ đông là 3 người bạn và 2 khách hàng. Thời điểm khởi nghiệp, cô đối mặt với những thách thức mới về quản trị doanh nghiệp, mọi thứ đều phải bắt đầu trên chính đôi tay của mình. 

Trở thành nữ lãnh đạo tài ba

"Bến thành công luôn chờ người cố gắng, hạnh phúc dành cho kẻ vượt khó khăn". Đôi câu thơ ấy vang lên trong tâm trí người nữ giám đốc trẻ Võ Thị Phương Lan khi đối diện với sự cố đầu tiên, chỉ sau ba tháng khởi nghiệp. Người cộng sự mà cô tin cậy nhất bất ngờ quay trở lại công ty cũ với lời mời mức lương cao hơn rất nhiều. Một mình cô trong phòng làm việc và bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Cô giận mình đã lường trước mọi rủi ro mà không thể lường rủi ro lớn nhất từ phía cộng sự. Cô hoang mang lo lắng vì mảng overseas mà người đó đang phụ trách bị bỏ ngang giữa chừng, không hề có bất kỳ bàn giao công việc nào. 

Sau một tiếng đồng hồ, nhờ sự động viên của các cộng sự còn lại, cô lấy lại tinh thần, thầm nhẩm trong lòng câu thơ ấy như một cách tạo động lực cho chính mình. Đây chính là thời khắc mà cô phải mạnh mẽ đối mặt. Cô quyết định tiếp nhận 16% cổ phần từ người ấy, nâng tổng số cổ phần của mình lên 68%. Một hành trình gian nan mới mở ra trước mắt. 

Một ngày ở công ty bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Tại văn phòng rộng chưa đầy 50m2, cô cùng các đồng nghiệp làm tất cả mọi việc, kể cả những việc của nhân viên tạp vụ như quét dọn văn phòng, sắp xếp chứng từ… Bằng chính niềm đam mê với công việc, cô truyền cho nhân viên kinh nghiệm, kỹ năng và cả ngọn lửa nhiệt tình, để họ phát huy sáng tạo, khả năng tiềm ẩn và sự siêng năng cần cù vốn có của mỗi người. 

Trải nghiệm thời thanh xuân vất vả lúc này lại giúp cô rất nhiều trong việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Cô am hiểu các mặt hàng rau củ quả Đà Lạt cũng như cách thức gieo trồng thu hoạch chúng nên tự tin tư vấn cho khách hàng một cách nhiệt tình, chuyên nghiệp. Từ cách cài đặt nhiệt độ đến cách xuất rau củ quả tươi đi châu Âu bằng đường hàng không mà vẫn tươi, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Khả năng am hiểu tên tiếng Anh/tiếng Việt của các loài cá biển đã giúp cô tư vấn rõ ràng chi tiết các loại giấy tờ kê khai khá phức tạp, hỗ trợ khách hàng xuất thủy sản đi Bắc Mỹ một cách thuận lợi. 

Riêng ngành may mặc, cô áp dụng những kinh nghiệm hiểu biết trong quá trình đan len từ thời đại học, cùng các nghiên cứu mới để tư vấn cho khách hàng cụ thể về kích thước, chủng loại quần áo nào là phù hợp với nhu cầu, kèm theo chứng từ gì, khai chất liệu gì, cũng như quy định nhập khẩu hàng vào Mỹ, châu Âu. Sự chi tiết, tận tình và đầy am hiểu của cô luôn làm khách hàng thích thú một cách ngạc nhiên. 

Những năm 2002, với sự thông minh sắc sảo, nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan một lần nữa làm cho giới logistics trong ngoài nước ấn tượng khi trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên phát triển mảng xuất khẩu hàng lẻ (consol) đi Mỹ tiết kiệm chi phí, giảm giá thành trong những năm Việt Nam mới mở cửa xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này. 

Trong khi tất cả doanh nghiệp thời bấy giờ muốn xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ đều quá cảnh qua Singapore hoặc Hồng Kông. Việc xuất hàng thẳng từ TP.HCM đến Los Angeles đã giúp giảm chi phí đến 70% trên cont 40ft. Tận dụng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm thuê và sự hiểu biết nghiệp vụ sâu rộng của bản thân, nữ doanh nhân giúp cho ASL đều đặn mỗi tuần có cont hàng Consol xuất trực tiếp đến cảng Los Angeles, Mỹ. Đó là niềm hân hoan rất lớn, là động lực cho cô tiếp tục có những bước đi đột phá trên thương trường. 

Năm 2005, nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan vừa tròn 30 tuổi và có chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Mỹ trong vai trò là chủ doanh nghiệp theo lời mời của đối tác FCC. Cùng đi với cô có người ân nhân - ông Wesley Lambert và ông Mike Do – nhà nhập khẩu gỗ cao su từ Tổng công ty cao su Việt Nam qua Mỹ. 

Khi được FCC giới thiệu giữa khán phòng lớn, rằng đây là Mrs.Võ Phương Lan (Cindy) – Giám đốc Amerasian Shipping Logistics (ASL) – công ty thường xuyên gửi hàng Consol đến cho mọi người, thì hàng trăm ánh mắt vừa hoài nghi, vừa ngưỡng mộ của các đối tác đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã nhìn vào cô. Có lẽ, cả đời này, những ánh mắt sẽ không thể phai mờ. Đó là nguồn năng lượng bất tận giúp cô tiếp tục tiến nhanh hơn trên con đường thành công. Ngày hôm sau, tại New York, cô vinh dự tham gia lễ ký kết hợp đồng kinh tế nhập khẩu sản phẩm nội thất làm từ gỗ cao su giữa Tập đoàn cao su Việt Nam và Công ty Rubber Vietnam trước sự chứng kiến của Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải. Đây cũng là khách hàng lớn của ASL trong 3 năm đầu khởi nghiệp.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên đã cho nữ doanh chủ những trải nghiệm đầy ấn tượng cùng những bài học thấm thía. Mỗi nơi cô đi qua đều được cô ghi chép cẩn thận vào sổ tay văn hóa nơi đến, cách ứng xử và giao tiếp để sẵn sàng tìm kiếm những cơ hội giao lưu, học hỏi và phát triển thị trường kinh doanh. Cô nhận thấy cần giao lưu kết nối với các doanh nhân khác để học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ và tìm cơ hội. Vì thế ASL đã lần lượt trở thành thành viên của VCCI, VLA, FIATA, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn… Đồng thời, cô cũng tận lực đầu tư xây dựng các quy chuẩn chất lượng quốc tế để phù hợp với đối tác đến từ nhiều quốc gia. Đến ngày 28/01/2008, ASL chính thức nhận được chứng nhận ISO 9001:2008 do BVKI cấp. 

Cũng từ năm 2008, cô từng bước thực hiện giấc mơ đầu tư sang lĩnh vực vận tải nội địa với việc mua sắm container tải trọng từ nhỏ đến lớn. Rất nhiều người ngạc nhiên hỏi cô vì sao lại chọn lĩnh vực phức tạp, nặng nhọc và phù hợp với nam giới hơn là một phụ nữ như cô. Câu trả lời của cô luôn là nụ cười đầy tự tin. Bằng chứng cho sự tự tin ấy chính là một lộ trình phát triển rõ ràng, cách quản lý gần gũi, luôn động viên tài xế như người một nhà, giúp họ có thu nhập tốt hơn, trân trọng sức lao động của họ. Và cô đã gặt hái những thành công vượt bậc. 

Khi Việt Nam gia nhập WTO, việc kinh doanh xe vận tải của ASL đã tăng liên tục 25% hàng năm, mang lại rất nhiều cơ hội hàng xuất từ Việt Nam đi Mỹ. Năm 2009, với số lượng đội xe đầu tư ngày một nhiều, nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan mạnh dạn thành lập thêm công ty thành viên ASL Trucking – Worldlink nhằm chuyên môn hóa dịch vụ và tạo thương hiệu vận tải uy tín trên thị trường. Cùng năm ấy, tưởng là con đường công danh vẫn đang xuôi chèo mát mái thì khủng hoảng kinh tế xảy ra. Nhiều cổ đông của ASL tại Mỹ và Việt Nam đồng loạt thoái vốn. Nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh khi chấp thuận thu mua toàn bộ, nâng tổng số cổ phần cô nắm giữ tại ASL lên 76%. 

Năm 2011, ASL khánh thành tòa nhà văn phòng mới, đánh dấu cho ước mơ thành hiện thực của người phụ nữ bền gan vững chí. Đây cũng là năm đánh dấu sự đổi mới của cả ASL và nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan với việc tập trung thay đổi nhận diện thương hiệu Công ty lẫn thương hiệu cá nhân. 

Cuộc sống cá nhân

Ngày nay, dù được biết đến như một nữ tướng của ngành logistics, nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan về nhà vẫn là con ngoan của mẹ, mẹ hiền của các con và vợ đảm của chồng. Cô luôn xem gia đình là động lực, là nguồn cảm hứng, là hậu phương vững chắc để có được thành công như hôm nay.

Cô luôn biết ơn mẹ - người mẹ thứ hai của các con cô, thay cô chăm sóc con mỗi khi cô phải bôn ba đối ngoại bên ngoài. Mẹ là người phụ nữ miền Trung một nắng hai sương, cả đời tần tảo lo cho cô và các em khôn lớn, đến tuổi nghỉ hưu lại sẵn sàng hi sinh thời gian nghỉ ngơi lo cho các cháu ngoại. Mặc dù sau này, điều kiện kinh tế của gia đình khá giả, cho phép có thêm người giúp việc nhưng mẹ cô vẫn luôn hỗ trợ hết lòng mỗi khi con gái cần. Bà từng chia sẻ với niềm hãnh diện "tôi chăm cho các cháu khỏe, vun vén êm ấm cho gia đình thì con gái mới yên tâm công tác, yên tâm sống trọn với đam mê và phát triển sự nghiệp". 

Người quan trọng thứ hai đóng góp cho sự thành công của nữ doanh nhân Phương Lan, chính là người đầu ấp tay gối, người bạn tri kỷ. Với cô, anh không chỉ là chồng mà còn là "mentor" riêng, đồng hành cùng cô trên mọi nẻo đường chông gai hay thành đạt. Mặc dù anh công tác trong một lĩnh vực hoàn toàn khác với cô nhưng bằng vốn sống phong phú và sự chia sẻ chân tình, anh luôn hiện diện trong mọi khía cạnh cuộc sống của người phụ nữ thành công này. Anh cũng là một trong các cổ đông sáng lập của ASL, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Quản trị của công ty. Với vai trò cố vấn kiêm chuyên gia thẩm định các dự án đầu tư của công ty, ông xã cô như một người bạn lớn, một đối tác tin cậy, anh luôn có những lời khuyên hữu ích hoặc đưa các giải pháp, kế hoạch kinh doanh hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự thành công của cô. Với tư cách là người bạn đời, anh luôn đứng sau ủng hộ mọi quyết định của cô, chia sẻ cùng cô việc dạy dỗ con cái và vun vén cho gia đình nhỏ. 

Người ta thường nói, đằng sau người đàn ông thành công luôn có sự hy sinh của người phụ nữ. Và với câu chuyện của nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan, chúng ta thấy điều này đúng với cả chiều ngược lại, đằng sau thành công của một người phụ nữ, hẳn nhiên cũng có sự đóng góp quan trọng và sự hy sinh âm thầm của một người chồng tâm đầu ý hợp.

Để giờ đây, nữ tướng logistics Võ Thị Phương Lan không chỉ tự hào là người thành công trên thương trường mà còn tự hào với một gia đình hạnh phúc viên mãn mà bao người hằng mong ước.

Đóng góp cho xã hội

Được thành lập vào năm 2005, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL Logistics) luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, ASL Logistics đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 47 tỷ đồng.

ASL Logistics cũng thực hiện tốt chính sách đối với người lao động. ASL quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân viên, thu nhập của người lao động liên tục tăng cao. Đặc biệt, ASL còn có chính sách hỗ trợ tài chính để người lao động an cư lạc nghiệp và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo các lớp kỹ năng và nghiệp vụ để tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân và nghề nghiệp. 

ASL cũng tích cực đóng góp vào các hoạt động xã hội. Từ năm 2020 đến tháng 10/2022 ASL đã góp hơn 1,1 tỷ đồng cho cộng đồng, như Quỹ phòng chống Covid của quận Bình Thạnh; mua đồ bảo hộ, vật tư chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến TP, hỗ trợ bệnh nhân nghèo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; tặng quà Tết cho bà con khó khăn phường Lái Thiêu, Thành phố Thuận An, Bình Dương; tặng nhà tình thương cho các hộ nghèo và tặng xe đạp cho các em học sinh tỉnh Gia Lai, cùng nhiều chương trình khác…

Từng trải qua biết bao thăng trầm và nhận được biết bao lần trợ giúp của các ân nhân nên nữ doanh nhân Võ Thị Phương Lan nhận thấy rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Vì thế, cô đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng nhằm trao truyền kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn đào tạo cho các thế hệ trẻ đã và đang ấp ủ hoài bão khởi nghiệp như làm ban giám khảo cho "Giải Thưởng Tài Năng Lương Văn Can"của Báo Doanh nhân Sài Gòn, làm giám khảo chương trình "Khởi Nghiệp Quốc Gia"và làm mentor trong Câu lạc bộ Mentoring của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam… ASL Logistics thực sự là điểm sáng của ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh.

Triết lý kinh doanh

Kinh doanh muốn phát triển bền vững phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội; luôn giữ chữ tín, tạo dựng niềm tin cho khách hàng, luôn là người bạn đồng hành và là đối tác đáng tin cậy.