Xác nhận
Doanh nhân viết

Thương nhân Việt Nam trước khi thực dân Pháp xâm lược

    |

Đầu thế kỷ X, sau khi đập tan ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, giành lại được độc lập sau hơn 1.000 năm bị đô hộ, nền độc lập chủ quyền và thống nhất quốc gia cùng với mô hình nhà nước quân chủ trung ương tập quyền không ngừng được khẳng định và củng cố, đã tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để phát triển đất nước về mọi mặt.

Đối với tầng lớp thương nhân, thoát khỏi sự kiềm tỏa, bóc lột của chính quyền đô hộ và được buôn bán với tư thế người làm chủ đất nước là một xung lực mạnh mẽ, kích thích họ tự tin phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó, chính sách thương nghiệp cởi mở, thông thoáng, cho phép thương nhân được hoạt động trong khuôn khổ quy định ở cả trong nước và ngoài nước, cả trên đất liền và ven biển của nhà nước giai đoạn này cũng là thuận lợi to lớn đối với thương nhân. Chính sách ấy tạo ra một môi trường buôn bán khá tự do cho tầng lớp thương nhân và tạo nên sự phát triển đa dạng của họ.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV:

Trong thế kỷ X, hoạt động buôn bán của thương nhân chưa thực sự lớn mạnh. Hoạt động của họ chủ yếu gói gọn ở những trung tâm mới xuất hiện như Hoa Lư (cố đô Hoa Lư - Ninh Bình ngày nay). Với việc nhà nước cho củng cố một số tuyến đường giao thông thủy bộ, đúc tiền lưu hành trong nước và xin phép nhà tống cho thông thương với miền Nam Trung Hoa, số lượng người đi buôn đã tăng lên nhưng “số thương nhân chuyên nghiệp và giàu có rất ít”.

Sự phát triển của thương nghiệp đã thu hút sự chú ý của triều đình Lý – Trần. Nhà nước cũng muốn kiếm lợi nhuận thông qua mua bán. Vì vậy, một số quan lại nhà nước Lý – Trần giao nhiệm vụ kinh doanh sinh lời cho chính quyền. Đương nhiên những quan lại đó phải có kỹ năng và khả năng kinh doanh nên mới được tin tưởng giao phó trách nhiệm. Họ là những thương nhân đích thực, chỉ khác các tư thương là họ làm việc cho nhà nước, là thương nhân của chính quyền (quan thương) mà thôi. 

Quan thương thời Lý – Trần còn buôn bán với thương nhân các nước khác với tư cách sứ giả mang hàng hóa đến Trung Quốc buôn bán hay trao đổi với các thương nhân nước ngoài khi họ đến nước ta. Hoạt động của họ diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực ngoại thương chứ ít có mua bán trong nước. Họ đã mang về lợi nhuận nông nghiệp khá lớn cho nhà nước.

Sang các thế kỷ XI – XIV, kinh tế Đại Việt đạt đến trạng thái ổn định mọi mặt đã kích thích các thương nhân mở rộng buôn bán. Được sự hỗ trợ từ chính sách quan tâm thương nghiệp của nhà nước, người đi buôn dần tăng lên và hoạt động buôn bán đã có sức hấp dẫn nhất định với các tầng lớp trong xã hội, số lượng thương nhân tăng lên đáng kể.

Đối với hoạt động nội thương, triều đình nhà Lý cho phép các thương nhân tụ tập ở các địa điểm như chợ, phố phường, bến sông, cửa biển để tiến hành buôn bán. Mạng lưới chợ thời Lý – Trần có sự phát triển nhất định. Năm 1035, nhà Lý mở chợ Tây Nhai ở Thăng Long (khu vực chợ Ngọc Hà ngày nay) cũng như cho mở phố chợ về cửa Đông (khu vực phố Hàng Buồm ngày nay) và sau đó nhà Lý còn cho lập thêm chợ Nam (nay là chợ Cửa Nam). Ngoài ba chợ trên, Thăng Long thời Lý còn có nhiều phố phường, bến cảng như phường Giang Khẩu (phố Hàng Buồm), bến cảng cửa sông Tô (sông Tô Lịch), bến cảng Triều Đông (Quảng Ninh)… là nơi buôn bán trên bến dưới thuyền rất nhộn nhịp.

Sang thời Trần, Thăng Long đã có 61 phường, hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp. Ở các địa phương trong nước thì thường có các chợ làng, hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bày la liệt theo miêu tả của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu trong cuốn An Nam tức sự. Với mạng lưới chợ, phố phường như vậy, thương nhân đã tập trung để trao đổi hàng hóa theo hình thức đem từ chỗ có đến chỗ không hay buôn bán cố định tại chỗ.


Chợ Thăng Long xưa - Tranh Hàng Trống (Nguồn: thethaovanhoa.vn)

Hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra thường xuyên trên khắp cả nước, chủ yếu là đường bộ và đường thủy. Thương nhân ở miền xuôi thường đem mắm muối, gạo lên miền ngược để đổi lấy các loại lâm sản quý. Họ còn mua ngựa của người miền núi đem về đồng bằng bán. Những loại nông sản, sản phẩm thủ công và một số hàng hóa quý giá đều được đem đi buôn bán, trong đó, hoạt động buôn muối chiếm một vị trí đáng kể. Tình hình buôn muối nhộn nhịp như vậy làm xuất hiện những thương nhân chuyên buôn muối như gia đình Nguyễn Hội, Nguyễn Biện ở Nghệ An vào cuối đời Trần.

Ngoài hoạt động buôn bán đường dài, những thương nhân buôn bán tại chỗ và những người hành nghề bán dạo, di động trên các chợ, phố cũng đã xuất hiện. Ở Thăng Long thời Lý đã xuất hiện các chợ ngoài Hoàng thành. Đến thời Trần, xuất hiện các phường sản xuất vừa buôn bán ở kinh đô như phường Toán Viên bán hành tỏi và quạt, phường Nhai Tuân buôn vóc đoạn và thuốc bắc diễn ra nhộp nhịp cả ban đêm.

Riêng đối với hoạt động ngoại thương, từ thời Lý – Trần, người Việt đã có giao thương với các thương nhân Trung Quốc, Champa và thương nhân đến từ một số nước Đông Nam Á và thế giới. Việc buôn bán với Trung Quốc của họ được thực hiện tại các bạc dịch trường ở biên giới phía Bắc. Thương nhân nước ta chủ yếu buôn bán các mặt hàng lâm thổ sản và mua về những thứ như giấy bút, tơ vải, gấm vóc. Bạc dịch trường Vĩnh Bình ở Khâm Châu (Trung Quốc) là nơi các đại thương nước ta thường lui tới. Ngoài ra, thương nhân Lý – Trần giao thương với thương nhân Champa để mua trầm hương, từ đó xuất sang Trung Quốc. Mặt hàng nổi tiếng được mua nhiều nhất từ Champa là vải sợi trắng.

Không chỉ ở vùng biên giới phía Bắc, các hải khẩu tại vùng Nghệ Tĩnh và thương cảng Vân Đồn cũng là nơi tụ họp, giao dịch buôn bán. Thuyền buôn nước ngoài tụ họp đông đúc đã thu hút một bộ phận thương nhân thời Lý – Trần đến hoạt động. Đồng thời, ở Thăng Long, thương nhân nước ta còn buôn bán với thương nhân Trung Quốc khi có thuyền buôn nước này đến. 

Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI:

Đầu thế kỷ XV, nhà Hồ không những kiểm soát khá chặt việc buôn bán của thương nhân như đánh thuế, đặt chức thị giám, mà còn tỏ ra không coi trọng tầng lớp thương nhân khi quyết định dời phần lớn thương nhân ở các vùng lân cận đến vùng đất mới là Thăng Hoa. Nhà Hồ chủ trương nông dân hóa thương nhân dẫn đến việc phân tán thương nhân khiến cho hoạt động thương nghiệp bị đình đốn. Thương nhân rơi vào cảnh trắng tay sau bao năm buôn bán tích lũy.

Năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, nhà Lê sơ được thành lập đã tiến hành khôi phục kinh tế Đại Việt dần sau 20 năm đô hộ của nhà Minh. Dưới thời Lê sơ, do chính sách thương nghiệp mang tính chất đối lập giữa nội thương và ngoại thương, kinh tế hàng hóa thời Lê không phát triển mạnh mẽ được. Tầng lớp thương nhân có điều kiện mở rộng buôn bán trong nước nhưng mất đi cơ hội (hay ít có cơ hội) tiếp cận với thị trường bên ngoài. Sự phát triển của họ do vậy gặp những ngăn trở nhất định.

Trong kinh tế, mặc dù chủ trương trọng nông nhưng nhà Lê sơ vẫn thi hành nhiều biện pháp nhằm khuyến khích, bảo vệ hoạt động buôn bán trong nước. Nhà Lê ban hành nhiều quy định nhằm thống nhất tiền tệ, đo lường và số lượng, kích thước của các loại hàng hóa. Nhà Lê cho mở rộng mạng lưới chợ trong nước cũng như chú ý quản lý hệ thống chợ và đảm bảo việc buôn bán của nhân dân tại đó. Còn đối với ngoại thương, nhà Lê không hoàn toàn bế quan tỏa cảng nhưng tư tưởng ức thương thể hiện rất rõ. Thương nhân ngoại quốc không được tự do vào nội địa nước ta mà phải tập trung ở một số nơi nhất định, trong đó, Vân Đồn là địa điểm quan trọng nhất. Các tầng lớp nhân dân và quan lại không được tự ý tiếp xúc với người nước ngoài. Việc buôn bán với nước ngoài bị nhà nước kìm hãm chặt chẽ.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII:

Trong các thế kỷ XVI – XVIII tuy vẫn giữ được độc lập chủ quyền nhưng nền thống nhất quốc gia bị phá vỡ. Các cuộc chiến tranh giữa Nam triều (nhà Lê trung hưng) và Bắc triều (nhà Mạc) và sau đó là chiến tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia.

Sự phân liệt quốc gia và thay nhau nắm quyền của các tập đoàn chính trị ảnh hưởng rất lớn đến bức tranh kinh tế đương thời, có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Chiến tranh tàn phá nền kinh tế. Nó cũng buộc các chính quyền phải quan tâm phát triển sản xuất, buôn bán nhằm tăng tiềm lực cho cuộc chiến kéo dài.

Trong bối cảnh chính trị bất ổn, thái độ của các chính quyền đối với thương nghiệp đã thay đổi. Từ Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn đến Tây Sơn, tuy có những điểm sai khác, thắt mở khác nhau, tất cả đều thi hành chính sách thương mại thực dụng trọng lợi. Mặt thứ nhất của chính sách ấy là tạo điều kiện và khuyến khích các hoạt động nội – ngoại thương, không cấm đoán nhân dân đi buôn. Thương nhân nước ngoài được phép vào đất liền nước ta sinh sống và buôn bán. Một số nước phương Tây đã được phép lập thương điếm trên nước ta. Mặt còn lại, thể hiện xu hướng trọng lợi và kiểm soát thương mại, là nhà nước đặt ra nhiều loại thuế đánh vào thương nghiệp và thương nhân, độc quyền buôn bán nhiều mặt hàng và buôn bán trước một số hàng hóa trong giao thương với nước ngoài.


Buôn bán ở xứ Đàng Trong thế kỷ XVII (Nguồn: thanhnien.vn)

Thời kỳ này, kinh tế hàng hóa đặc biệt lớn mạnh với các ngành nghề và số người làm thủ công tăng lên, hình thành nhiều làng nghề, phường nghề chuyên nghiệp, sản phẩm thủ công được lưu thông rộng rãi trong nước và nhiều mặt hàng như gốm sứ, tơ lụa, các loại đường… được xuất khẩu với số lượng lớn, thường xuyên; trung tâm trao đổi hàng hóa nhiều hơn trước với hệ thống chợ ngày càng lan rộng gồm nhiều loại (chợ làng, chợ vùng, chợ chùa), các đô thị hưng khởi và xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp Đàng Ngoài, Đàng Trong; hoạt động buôn bán nhộn nhịp, thị trường trong nước được mở rộng…


Thương cảng Hội An xưa (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Kinh tế hàng hóa trong nước còn bắt nhịp được với luồng thương mại quốc tế - khu vực sôi động đương thời nên càng thịnh đạt. Hai thế kỷ XVI, XVII là giai đoạn sôi động của kỷ nguyên thương mại quốc tế. Nhiều thương thuyền từ Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Nhật Bản, Giava… thường xuyên đến Việt Nam giao thương. Điều này đã đưa nước ta trở thành nơi trung chuyển và là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa trên hai tuyến giao thông Bắc – Nam và Tây – Đông.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX:

Năm 1802, nhà Nguyễn được thành lập sau một thời kỳ đất nước bị chia cắt kéo dài. Trước thực tế đất nước thống nhất, nhà Nguyễn đã thiết lập một mạng lưới giao thông thủy bộ từ Bắc đến Nam và thống nhất hệ thống đo lường toàn quốc. Điều này tạo thuận lợi cho thương nghiệp trong nước phát triển, nhưng không phản ánh chính sách thương nghiệp của nhà nước. Từ Gia Long đến Minh Mạng và các vua Nguyễn sau này đều nhất quán một quan điểm khuyên dân trọng nghề gốc, không ham nghề ngọn. Vì vậy, chính sách thương nghiệp của nhà Nguyễn tỏ rõ tính chất ức thương.

Dưới thời Nguyễn, nhà Nguyễn rất chú trọng khai hoang mở rộng diện tích canh tác, phục hồi sản xuất nông nghiệp và thu được những thành tựu nhất định trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách kinh tế không nhất quán của nhà nước trong trị thủy và thủy lợi do tư hữu ruộng đất ngày càng nhiều làm suy giảm lực lượng sản xuất, nên bức tranh kinh tế nông nghiệp ngày càng xấu đi. Kinh tế hàng hóa có nhiều biến chuyển theo quy luật tự nhiên, nhất là bộ phận thủ công nghiệp dân gian và hoạt động buôn bán trong nước, nhưng cũng bị chính sách của nhà nước cản trở khá lớn.

Đối với ngoại thương, nhà Nguyễn tiếp tục chính sách độc quyền và bế quan tỏa cảng. Công việc buôn bán với nước ngoài do nhà nước tiến hành. Nhà nước tỏ ra dè dặt với bên ngoài, nhất là với các nước phương Tây. Các nước phương Tây đều muốn thiết lập quan hệ buôn bán chính thức với nước ta nhưng trước sau đều bị từ chối. Nhà Nguyễn tỏ ra ưu đãi đặc biệt với Hoa thương khiến thương nhân Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với nền thương nghiệp Việt Nam lúc này.

Đối với nội thương, nhà Nguyễn độc quyền thu mua và buôn bán mọi sản phẩm công nghiệp cũng như các lâm thổ sản quý. Sự kiểm soát và thể lệ thuế cũng rất phức tạp. Các cửa quan và trạm tuần kiểm được đặt khắp nơi với mật độ dày đặc để kiểm soát và thu thuế những người buôn.

Chính sách của nhà Nguyễn khiến cho thương nghiệp ngày càng sa sút. Tầng lớp thương nhân phải tự lực trong điều kiện ngày càng khó khăn và bị chèn ép bởi lực lượng Hoa thương giàu kinh nghiệm kinh doanh và được nhà nước ưu đãi.

Từ bối cảnh lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX, có thể thấy toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam thời trung đại. Đây là thời kỳ mà tầng lớp thương nhân Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn. Đó là một tập hợp gồm bốn loại thương nhân:

Thương nhân chính quyền xuất hiện từ thời Lý – Trần, qua các thế kỷ XVI – XVIII đã dần lớn mạnh và đến nửa đầu thế kỷ XIX thì phát triển mạnh nhất. Quan thương nước ta hoạt động nhằm phục vụ cho triều đình và chủ yếu buôn bán trên lĩnh vực ngoại thương. Dù họ có đóng góp đối với sự ổn định của nhà nước nhưng cũng tác động tiêu cực đối với lớp tư thương. Quan thương hoạt động càng mạnh thì càng cản trở thương nghiệp tư nhân.

Thương nhân lớn phát triển trong các thế kỷ XI – XIV, đến thế kỷ XV thì phát triển chậm lại. Sang giai đoạn XVI – XVIII, lớp thương nhân này đạt đến sự phát triển mạnh mẽ nhất, sôi động nhất. Bước qua nửa đầu thế kỷ XIX, do bị kìm hãm nên họ phát triển chậm hơn nhưng vẫn chứng tỏ được bản lĩnh và kinh nghiệm kinh doanh của họ. Thương nhân lớn là lớp người buôn bán trên đường dài, nhiều vốn, lấy kinh doanh làm nghề nghiệp hàng đầu. Họ buôn bán sôi nổi trong nước, nhưng về ngoại thương thì hoạt động còn yếu, chưa tương xứng với khả năng của họ. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Lớp thương nhân vừa và tiểu thương có số lượng đông đảo nhất. Hoạt động của họ gắn với hệ thống chợ ở nông thôn và những phố phường trong các đô thị. Sinh hoạt chợ búa là điển hình của thương nghiệp nông thôn nước ta. Theo thời gian, mạng lưới chợ ngày càng gia tăng, các chợ lớn ngày càng nhiều, đội ngũ thương nhân vừa và tiểu thương bán lẻ cũng tăng theo. Đến thế kỷ XVI – XVIII, khi các thành thị trong nước trở nên phồn thịnh thì hai lớp thương nhân này ngày càng có điều kiện hoạt động mạnh hơn. Giai đoạn lịch sử này cũng là thời kỳ họ phát triển mạnh mẽ hơn cả.    


Đoàn thương thuyền của Pierre Poivre gặp đại diện của chúa Nguyễn
bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1749
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Bốn loại thương nhân trên tồn tại và phát triển trong suốt thời trung đại, góp phần tạo nên tầng lớp thương nhân có số lượng đông đảo và là lực lượng quan trọng trong xã hội. Tuy từng bị xã hội xem thường, nhưng tầng lớp thương nhân vẫn không ngừng lớn mạnh, trở thành một bộ phận không thể thiếu của xã hội. Không chỉ vậy, bằng các hoạt động phong phú của mình, tầng lớp thương nhân đã có đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thời trung đại. Nhờ có thương nhân, xã hội thêm ổn định và sinh hoạt văn hóa thêm đa dạng với những nội dung, hình tượng mới.

Chia sẻ: