Xác nhận
Doanh nhân viết

Sách "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam"

    |

Tác phẩm "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam" được NXB Khoa học xã hội xuất bản vào đầu quý IV/2022 với số lượng 446 trang, với đối tác liên kết xuất bản là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - đơn vị truyền thông nhiều năm qua đã quan tâm sâu sắc đến tư tưởng của cụ Lương Văn Can trong lĩnh vực giáo dục và kinh doanh.

Năm 1997, khi tiến hành biên soạn tiểu sử cụ Lương Văn Can làm tài liệu cho các cuộc thi tìm hiểu về Lương Văn Can và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục trong ngày truyền thống hằng năm của Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM), nhận thấy chưa có ai thực hiện một cuốn sách riêng về cụ Lương Văn Can, TS. Lý Tùng Hiếu đã tìm hiểu, thu thập các tài liệu lịch sử. Nhờ sự hỗ trợ của của các cộng sự, thân hữu, quyển sách Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005) của tác giả Lý Tùng Hiếu ra đời trong sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả cả nước.

Tiếp nối thành công từ ý tưởng "giải nợ lòng", TS. Lý Tùng Hiếu tiếp tục nghiên cứu, lần lượt công bố các công trình về Lương Văn Can, đặc biệt trong 2 lĩnh vực giáo dục và kinh doanh. Sau đó, TS.Lý Tùng Hiếu tiếp tục tổng hợp các tài liệu, bài báo, tài liệu nghiên cứu khoa học viết về danh nhân Lương Văn Can để biên soạn một công trình mới đầy đủ, chính xác, toàn diện hơn về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng kinh doanh của ông với tên "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam". Sách được NXB Khoa học xã hội xuất bản cùng sự đồng hành, hỗ trợ của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.

Phối hợp cùng các cá nhân tâm quyết tìm hiểu về cụ Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và nhiều đơn vị giáo dục khác tại TP.HCM, TS. Lý Tùng Hiếu đã biên soạn một công trình mới đầy đủ hơn, chính xác hơn, toàn diện hơn về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can với nhan đề Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam.

TS. Lý Tùng Hiếu cho biết, trong quá trình thực hiện cuốn sách, ông gặp phải rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là tình trạng tư liệu tản mạn, không thống nhất. Sau khi đối chứng lại thì bị sai lạc rất nhiều, thậm chí sai lạc ngay trong những tài liệu mà hậu duệ của cụ Lương Văn Can còn giữ được. Bởi chính họ cũng không có tư liệu và cũng chỉ biên soạn tư liệu về tiểu sử về cụ Lương Văn Can dựa vào những nguồn tư liệu tản mạn và không thống nhất đó.

Tuy nhiên, với sự nghiêm cẩn của một người làm nghiên cứu khoa học và tình cảm trân quý với cụ Lương Văn Can, TS Lý Tùng Hiếu đã miệt mài tìm hiểu và đối chiếu với tất cả những tư liệu mà mình sưu tầm được, nhờ đó, đã có thể kết nối được toàn bộ quá trình sinh trưởng, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho đất nước của cụ Lương Văn Can. “Cuốn sách lần này có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin tương đối đầy đủ, chính xác và toàn diện về thân thế, sự nghiệp và những gì mà cụ Lương Văn Can cũng như các đồng chí của cụ đóng góp cho dân tộc, cho đất nước chúng ta”, TS Lý Tùng Hiếu bày tỏ. 


TS. Lý Tùng Hiếu trong buổi ra mắt sách "Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc
và lịch sử doanh nhân Việt Nam" ngày 20/11/2022

Với số lượng trang viết lớn, nhưng được trình bày dụng công, khoa học, giúp người đọc có tầm nhìn toàn diện về cụ Lương Văn Can từ thân thế, sự nghiệp đến tư tưởng kinh doanh. Đặc biệt, ngoài những trang viết tâm quyết, sách còn tập hợp nhiều hình ảnh tư liệu về cụ Lương Văn Can. Ngoài ra, tác giả cũng cung cấp đầy đủ tư liệu phục vụ nghiên cứu cho công trình của mình. Qua đó, người đọc cũng có thể tự tìm hiểu về cụ Lương Văn Can qua các "địa chỉ tài liệu" mà tác giả cung cấp.

TS. Lý Tùng Hiếu cho biết: "Là một cuốn sách viết về lịch sử danh nhân, nhưng tôi nghĩ nó sẽ gắn kết chặt chẽ với hành trình phát triển của Việt Nam hôm nay, giúp cho những dòng chảy của hiện thực hôm nay không những không đứt mạch mà còn được mở rộng, lấp đầy bởi những nguồn nước giàu dưỡng chất của hôm qua.

Tìm hiểu về cụ Lương Văn Can vẫn còn nhiều điều phía trước, chúng ta chưa khai mở hết bởi các yếu tố khách quan từ lịch sử. Dẫu vậy, tôi tin các nhà nghiên cứu, những người anh em, đồng nghiệp của tôi, trong thời gian tới sẽ có nhiều công trình nghiên cứu về cụ Can. Điều tôi quan tâm nữa là sách viết ra cho ai đọc, nên tôi nghĩ công tác truyền thông là vấn đề quan trọng không kém. Với những đóng góp của mình thời gian qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chắc chắn sẽ góp phần thực hiện tốt hơn nữa khi cùng các đơn vị giáo dục trên cả nước thực hiện công tác truyền thông".

TS. Lý Tùng Hiếu cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta phải mở rộng đón nhận các thành tựu văn minh, kỹ thuật hiện đại của thế giới nhưng cũng phải đồng thời đứng vững trên đôi chân của mình, trên mảnh đất của mình. Đôi chân ấy chính là văn hóa của mỗi cá nhân và mảnh đất ấy chính là văn hóa Việt Nam. Cuốn sách viết về lịch sử, nhưng tác giả tin rằng nội dung của nó gắn kết chặt chẽ với hành trình của đất nước hôm nay. Cuốn sách phù hợp cho bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực lịch sử, những người khởi nghiệp, các doanh nhân quan tâm đến doanh trí, doanh tài, doanh đức - những điều mà tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can hướng đến.

Cùng phối hợp với TS. Lý Tùng Hiếu hoàn thành cuốn sách này, ông Trần Hoàng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ: “Đây là một trong những cuốn sách đầy đủ nhất về cụ Lương Văn Can. Tác giả không chỉ chắt lọc những dữ liệu mới nhất liên quan đến cụ Lương Văn Can mà còn gắn những dữ liệu ấy với bối cảnh lịch sử của Việt Nam và quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước nhà. Cuốn sách như một lời động viên đến các doanh nhân vững tin với triết lý “trọng kinh doanh và kinh doanh phải hiếu nghĩa, trung thực”. Trong bối cảnh hiện nay, quyển sách cũng có ý nghĩa nhắc nhở các doanh nhân từ mới bắt đầu khởi nghiệp đến người đã thành công trên thương trường phải coi trọng đạo đức kinh doanh, hoàn thành trách nhiệm với xã hội và cộng đồng”.

HẢI MINH

(Từ Doanh Nhân Sài Gòn Online: https://doanhnhansaigon.vn/ke-sach/luong-van-can-trong-lich-su-dan-toc-va-lich-su-doanh-nhan-viet-nam-nguon-nuoc-giau-duong-chat-cua-hom-qua-1114383.html)

Chia sẻ: