Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Trịnh Văn Bô

Tiểu sử

Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, nguyên quán tại làng Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội). Ông là con trai út trong gia đình 3 anh em. Người anh thứ tên là Trịnh Văn Bính (sau này là Thứ trưởng Bộ Tài chính), người chị lớn tên là Trịnh Thị Thục.

Thân sinh ông là một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ Trịnh Phúc Lợi. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau nối nghiệp chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ XX với hiệu buôn Cự Hưng. Ông Cự Hưng tuy là em của cụ bà Phúc Lợi nhưng vì là con trai lớn trong gia đình nên còn được gọi là ông Cả.

Cha ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà còn nổi tiếng đào tạo ra lớp doanh nhân kế thừa. Trong số học trò của cụ Phúc Lợi, ngoài 2 người con ruột là Trịnh Văn Bô (sau kế thừa hiệu Phúc Lợi) và Trịnh Thị Thục (hiệu Phúc Đồng), còn có Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa, Sài Gòn)... đều trở thành những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, lại được học hành đến nơi đến chốn, thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông được gửi sang Pháp du học. Học được hơn một năm, ông được bố gọi về để “nối nghiệp kinh doanh của gia tộc”.

Năm 1932, ông Trịnh Văn Bô kết hôn với bà Hoàng Thị Minh Hồ và được cha mẹ cho ra ở riêng tại số nhà 48 Hàng Ngang và kế thừa thương hiệu Phúc Lợi.

Sự nghiệp kinh doanh

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, sau khi ra ở riêng, với số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương được cha mẹ cho, Trịnh Văn Bô đã dần tạo lập tên tuổi cho hiệu buôn Phúc Lợi trong giới kinh doanh Hà thành. Do cần cù, biết tính toán, nắm bắt thời cơ và tiết kiệm cộng với uy tín của cha nên việc kinh doanh của Trịnh Văn Bô gặp nhiều thuận lợi và liên tục phát triển. 

Sự nghiệp kinh doanh thành công rực rỡ của Trịnh Văn Bô trên đất Hà thành đã đưa danh tiếng của hiệu buôn Phúc Lợi lan xa khắp Việt Nam, thậm chí là đến nhiều nước trên thế giới. Phúc Lợi trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong Nam, ngoài Bắc, sang Lào, Campuchia, thậm chí có giao dịch buôn bán với cả thương nhân Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Với phương châm “lộc bất tận hưởng”, mỗi lần buôn may, bán đắt gia đình đều dành một phần để làm phúc. Danh tiếng hiệu buôn Phúc Lợi ngày càng nhận được sự tin tưởng của các thương nhân. Cứ mua đi bán lại rồi quen người nọ, người kia nên việc buôn bán dễ dàng hơn rất nhiều. 

Do kinh doanh thuận lợi, công tác từ thiện ngày càng được mở rộng. Từ việc tài trợ 100 chiếc đại tiểu - để di dời hài cốt ở nghĩa trang Nghĩa Hưng, đến ủng hộ vật chất cho những gia đình bị bom Mỹ - Nhật ném xuống Đông Khê, Thất Khê; rồi ủng hộ những làng bị bão lụt ở Hưng Yên, mua chăn cấp cho trẻ sơ sinh ở các nhà thương, cứu giúp những người bị đói từ khắp nơi đổ về Hà Nội.

Cống hiến tài chính cho Chính phủ Cách mạng

Với triết lý "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức", gia đình ông Trịnh Văn Bô đã tích cực làm từ thiện từ những năm trước cách mạng. Được sự vận động của 2 cán bộ Việt minh là hai anh em Tạ Văn Lưu và Tạ Văn Thực, ngày 14 tháng 11 năm 1944, hai vợ chồng ông bà cùng người con trai cả chính thức tham gia Việt Minh. Đầu năm 1945, ông bà đã quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính của gia đình ông bà với Mặt trận Việt Minh.

Sau lần đó, gia đình ông bà còn ủng hộ nhiều lần nữa.Với tấm lòng yêu nước, gia đình ông Trịnh đã đem hết công sức, tài sản ra ủng hộ cách mạng với một suy nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện. Vì thế mà hơn 90% số tiền buôn vải được vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đùng để ủng hộ cách mạng.

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ, chiều 29/3/1945, một cán bộ cách mạng mới vượt ngục tên là Cát (bí danh của ông Khuất Duy Tiến) được người bạn đưa đến gặp hai vợ chồng bà và nói chuyện về cách mạng suốt cả buổi chiều. Ông nhà tôi hăng hái xin đi theo cách mạng. Nhưng ông Cát nói rằng, "hai cô chú ở lại có lợi cho cách mạng hơn, vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cũng là làm cách mạng... Việt Minh bây giờ cần nhiều tiền lắm, nói thật là 5 xu mua báo cũng khó vì quỹ chỉ có mấy trăm bạc".

Ngay lúc đó, ông bà Bô đã hứa sẽ ủng hộ một vạn đồng Đông Dương, một tuần sau giao tiền. "Gần hết một tuần mà tiền bán hàng vẫn chưa đủ để ủng hộ nên tôi buộc phải bán theo giá gốc cho lái buôn 17 hòm tơ, mỗi hòm 20 buộc, mỗi buộc 5kg mới đủ một vạn tiền để ủng hộ... Cầm tiền trên tay, anh Cát mừng lắm. Anh bảo Việt Minh có cô chú là sống rồi", bà Minh Hồ nhớ lại.

Trước lời động viên của đồng chí Khuất Duy Tiến, bà Hồ lại hứa sẽ ủng hộ một vạn nữa, nhưng hẹn 2 tháng sẽ đưa tiếp... Sau đó, bà còn đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn nữa, tổng cộng là 3 vạn đồng Đông Dương.

Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông Bô đã ủng hộ thêm cho Chính phủ 5.147 lượng (cây) vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó). Trong số trên 5.000 lượng vàng mà ông bà hiến cho Cách mạng, có 1.000 lượng vàng được đặc phái viên của Hồ Chí Minh là Nguyễn Lương Bằng đem đi hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) để hoà hoãn, khỏi đụng độ giữa hai lực lượng quân Tưởng Giới Thạch và quân ta. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, ông bà còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2/9/1945.

Tính đến trước Cách mạng Tháng 8, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời từ chiến khu về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã từng được dùng làm nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong những ngày cuối tháng 8/1945, cả nước đang hối hả chuẩn bị cho sự kiện lịch sử trọng đại khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Gia đình họ Trịnh cũng dồn hết tâm lực để chuẩn bị cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.

Ngày 24/8/1945, đồng chí Trường Chinh đi đón Bác Hồ về ở nhà căn nhà số 48 Hàng Ngang của vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô cho đến ngày 27/9 để viết bản "Tuyên ngôn độc lập". Vì ngôi nhà nằm ngay trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà lúc đó là một sự mạo hiểm không chỉ với sự nghiệp kinh doanh mà với cả tính mạng của cả gia đình. Thế nhưng, ông bà Trịnh Văn Bô đã hăng hái nhận lời, không một chút nao núng.

Toàn bộ tầng 2 của căn nhà được bố trí làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng... khoảng 15 người.

Ngày đó, bà Minh Hồ vừa quán xuyến việc nhà, vừa lo chu toàn các bữa ăn cho Bác Hồ, các đồng chí đến làm việc cùng Người Mỗi bữa ăn của Người, bà Hồ đều tự mình thử thức ăn trước, khi nào bà đi vắng, con trai phải làm thay cho mẹ. Ngoài ra, bà Hồ vẫn lo toan việc buôn bán như bình thường để người ngoài khôngsinh nghi. Bên cạnh đó, bà còn phải chuẩn bị y phục.Chính tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tiếp các sĩ quan OSS Archimedes Patti và Alison Thomas. Các lễ phục của các vị lãnh đạo Việt Minh trong ngày Lễ Độc lập phần lớn là do gia đình ông Trịnh Văn Bô cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đều mặc các bộ comple do ông Bô cung cấp. Riêng chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may là do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.

Sau Cách mạng Tháng 8, ông bà được ông Khuất Duy Tiến tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Gia đình ông bà đã tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa. Với uy tín và quan hệ rộng trong giới kinh doanh, ông bà còn đi vận động vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1 .000 lạng vàng nữa. Đến khi bế mạc Tuần lễ Vàng, một buổi liên hoan ở bên hồ Hoàn Kiếm được tổ chức, vé tham dự là 120 đồng/vé. Bà Minh Hồ đã nhận trách nhiệm đi mời 100 đại biểu thương gia Hà Nội. Sau khi liên hoan kết thúc, ông bà Trịnh lại tham gia tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ đế tiếp tục gây quỹ ủng hộ cách mạng. Giá khởi điểm đưa ra là 1 vạn đồng Đông Dương. Bà Hồ đã trả 2 vạn. Sau đó, giá được đẩy lên cao hơn, cuối cùng là 10 vạn đồng.

Sau ngày Quốc khánh, ban ngày Bác Hồ làm việc ở Phủ Chủ tịch, tối vẫn về nhà ông Trịnh Văn Bô để ở. Bác vẫn gần gũi, chân thành như "ông cụ ở quê lên chơi" ngày nào. Thời gian này, Bác nhờ ông bà chuẩn bị một bữa tiệc chiêu đãi tướng quân Tưởng. Đồng thời, để cho chúng rút 20 vạn quân khỏi nước ta, Bác đã nhờ ông bà chuẩn bị tiền lót tay. Gia đình đã phải bán phá giá nhiều xấp vải trong nhà.

Từ tháng 3/1945 đến hết tháng 5/1946, mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước đều do gia đình ông bà đài thọ. Chính vì những đóng góp ấy, sau này người Pháp đã ví bà Minh Hồ là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh.

Tháng 10/1945, với sự khuyến khích và hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một số nhà công thương trong Công thương Cứu quốc đoàn ở Hà Nội thành lập Công ty Ngũ cốc dưới dạng công ty cổ phần, mỗi cổ phần trị giá 1.000 đồng Đông Dương. Công ty đã khai thác nguồn thóc gạo từ Thanh Hóa, Bắc Giang, Cát Bà (Hải Phòng) để tiếp tế cho nhân dân nội thành, cho quân đội và phần nào cho nhân dân một số vùng bị lụt, thiếu đói.

Cùng thời gian trên, đồng chí Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô cùng với và một số nhà tư sản khác xây dựng Việt Nam Công thương ngân hàng nhằm mục đích điều phối công tác tín đụng, thay thế cho Ngân hàng Đông Dương của Pháp (tuy còn hoạt động nhưng đã tỏ rõ thái độ thù địch, chống lại chính quyền và chế độ mới của ta).

Đây là những công ty cổ phần đầu tiên được thành lập dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ mà Ban phụ trách hầu hết là cán bộ được Đảng chỉ định ông Vũ Xuân Sắc phụ trách Công ty Ngũ cốc, ông Trịnh Văn Bô làm Chủ tịch Ngân hàng Công thương 4.

Trong bối cảnh kinh tế nguy ngập, tài chính vô cùng thiếu thốn, nền tài chính cách mạng Việt Nam ra đời trong những ngày đầu tiên Chính phủ lâm thời thành lập đã có vai trò to lớn trong việc phục vụ Đảng, Chính phủ phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống đói và cải thiện đời sống nhân dân; động viên nhân dân đóng góp tài lực bảo vệ nền độc lập, tự do.

Với những việc làm trên, ông bà Trình Văn Bô đã góp phần quan trọng tài trợ chi phí và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thay cho bộ phận lễ tân mà Nhà nước chưa kịp thành lập khi mới giành được chính quyền.

Ngày 19/12/1946 – ngày Toàn quốc kháng chiến, cũng như nhiều gia đình Hà Nội khác, cả gia đình ông Trịnh Văn Bô tản cư lên Cao Bằng còn bản thân ông công tác tại Văn phòng Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc.

Năm 1954 thi hành Hiệp định Geneva về Đông Dương. Thủ đô được giải phóng. Năm 1955 cả gia đình ông trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô được phân công giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội và giữ chức vụ đó đến ngày nghỉ hưu.

Ông mất năm 1988, thọ 74 tuổi.

Cuộc đời kinh doanh và cống hiến của gia đình ông Trịnh Văn Bô đã để lại một kinh nghiệm quý báu và cũng thể hiện cái tâm và cái tầm của một gia đình thương nhân lớn: "Buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phức duệ. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền". Đây cũng là quan niệm của những nhà tư sản dân tộc yêu nước thế kỷ XX, một quan niệm rất tiến bộ, đầy lòng nhân ái và trách nhiệm.

Sau này, nhà lão thành cách mạng Võ Văn Sỹ đã viết tặng gia đình ông Trịnh Văn Bô bài thơ nhỏ. Ngắn gọn thôi, nhưng đủ gói ghém tấm lòng vì dân, vì nước của một gia đình tư sản cách mạng đầy tâm huyết:

Thật là hiếm thấy cả xưa nay

Tư sản mà làm cách mạng này

Giúp đỡ Việt Minh qua lúc khốn

Chăm nom lãnh đạo những hồi gay

Xá chi tủ két vơi vàng bạc

Miễn được giang san mở mặt mày

Độc lập hoà bình nay trọn vẹn

Đầu hàng giai cấp vẻ vang thay.

Thành tựu

Sinh thời, 2 vợ chồng Trịnh Văn Bô được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Năm 2006, ông được truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cùng với 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà.

Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam", nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính.

Cuối năm 2018, tuyến đường mang tên Trịnh Văn Bô đã chính thức được Thủ đô Hà Nội công bố, dài 900m, rộng 50m, từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).