Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Nguyễn Trọng Lội

Tiểu sử

Nguyễn Trọng Lội là con trai trưởng của danh sĩ Nguyễn Thông. Nguyên quán ông ở làng Bình Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Thuở nhỏ, ông theo cha ra "tị địa" tại Phan Thiết, rồi lập nghiệp ở đây. Khoảng năm 1905, trên đường vào Nam, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng có ghé thăm ông để bàn việc nước. Sau đó, ông nhận lời tham gia phong trào Duy Tân do hai nhà cách mạng này khởi xướng. Kể từ đó nhà ông trở thành nơi tụ tập các nhà yêu nước lúc bấy giờ.

Trong cuộc Nam du này, các lãnh tụ phong trào cải cách Duy Tân đã dừng chân tại Phan Thiết khá lâu. Tại đây Phan Chu Trinh có gặp lại những người bạn cũ cùng chung chí hướng. Trong đó có Trương Gia Mô, đỗ tiến sĩ từng làm quan và đã lui về ẩn dật để mưu việc lớn. Giữa Trương Gia Mô với hai người con trai của Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Qúy Anh là chỗ quen biết từ nước nên ông Mô đã giới thiệu nhóm của ông Phan Chu Trinh cho Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Qúy Anh.

Phan Chu Trinh đã dành nhiều thời gian bàn bạc với Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Qúy Anh để tiến hành tạo lập Phan Thiết thành trung tâm chấn hưng kinh tế, mở mang dân trí.

Khởi nghiệp

Ngày 6/6/1906, các ông Nguyễn Trọng Lội (1871-1911), Nguyễn Quý Anh (1883-1938), Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), Trần Lệ Chất (1866-1968), Ngô Văn Nhượng (?) và Hồ Tá Bang quyết định mở công ty nước mắm với tên gọi Liên Thành thương quán cùng với Liên Thành thư xã và Dục Thanh học hiệu.

Cơ sở đầu tiên của Hội Liên Thành là nước mắm đặt tại khu đất mua lại của gia đình bà Bố Trà, tức Bố chánh Trà Qúy Bình thông gia với cụ Nguyễn Thông, ở gần bãi Cồn Chà, phường Đức Thắng, Phan Thiết (nay là số 2 đường Ngư Ông, Phan Thiết). Hai năm sau, Hội Liên Thành mua thêm sở nhà của hiệu nhuộm Luân Phong gần cầu Phan Thiết để lập trụ sở chính.

Lúc này chợ Phan Thiết còn nằm dưới chân cầu, do trụ sở chính nằm cạnh chợ nên những người quản lý Hội Liên Thành đã cho mở quầy hàng buôn bán tạp hóa, vải lụa, thuốc bắc… để cạnh tranh với người Hoa kiều vốn đang kinh doanh các mặt hàng này rất mạnh.

Ngay từ đầu Hội Liên Thành có nhiều mặt rất tiến bộ như: có điều lệ hẳn hoi, sổ sách kế toán ghi chép rành mạch và phải tường trình cho Công sứ Pháp kiểm tra, việc phân công, phân nhiệm hết sức rõ ràng. Tuy nhiên hoạt động của Hội không được người Pháp ưa nên tìm nhiều cách khống chế. Có lần chính quyền bảo hộ Pháp mở cuộc khám xét đột xuất trụ sở của Hội Liên Thành, tịch thu sổ sách (bằng chữ Hán) và bắt các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi giam giữ nhưng rồi phải trả tự do cho 3 người vì không có chứng cứ rõ ràng về "hoạt động chính trị chống Pháp".

Đóng góp cho xã hội

Năm 1905, Hội Liên Thành sáng lập Liên Thành thư xã, một cơ sở truyền bá văn hóa nhằm mở mang dân trí của Hội tại nhà Võ Ca do Nguyễn Hiệt Chi phụ trách. Đây là nơi tập trung những người có học thức đến nghe giảng sách tâm thư của các học giả, nhà văn hóa, nhà triết học. Cơ sở hoạt động đến ngày 5/9/1909 thì được lệnh của Công sứ Pháp buộc phải ngưng hoạt động.

Năm 1907, Dục Thanh học đường chính thức được thành lập trên khu đất từ đường của gia đình ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh. Kinh phí hoạt động của trường do Liên Thành thương quán và hoa lợi từ 10 mẫu đất mà ông Huỳnh Văn Đẩu (anh vợ ông Hồ Tá Bang) hiến cho. Học sinh ở đây được học những nội dung, tư tưởng tiến bộ, được giáo dục tinh thần yêu nước, trường Dục Thanh đã chú trọng việc dạy chữ Quốc ngữ, Thầy giáo dạy ở đây có nhiều người nổi tiếng như Lương Thúc Kỳ, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Đình Phiên… đặc biệt người thanh niên Nguyễn Tất Thành, cũng đã từng dạy ở trường này một thời gian trước khi vào Sài Gòn trên đường bôn ba tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh được mở mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1907 đến năm 1911, nhưng đã để thể hiện quyết tâm nâng cao dân trí cùng với chăm lo con đường phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu dân chủ tự cường, là thành công lớn của phong trào Duy Tân ở Bình Thuận, công sức chính và nòng cốt là của những người sáng lập viên Liên Thành.

Cuối đời

Năm 1911, Nguyễn Trọng Lội vì công việc bài trí và khai thác Mũi Né thường phải ra vô. Đi đường bộ theo gành đá quanh co đến 33 cây số, có lần nữa đêm mới đến nơi. Sau này, con đường đỗ đá rút còn 22 cây số. Vì chuyện lo việc Liên Thành quá sức mệt nhọc nên ngày 17/06/1911 Tân Hợi ông lâm bệnh từ trần. Mộ phần của ông được an táng tại Phan Thiết.

Thành tựu

Tập họp những người yêu nước, những nhà trí thức cấp tiến, các học giả, nhà triết học nhằm truyền bá văn hóa mở mang dân trí cho người dân Bình Thuận.

Xây dựng Trường Dục Thanh là nơi đào tạo những nhà yêu nước cấp tiến để hướng tới mục tiêu dân chủ tự cường, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Tất Thành (trước khi Người ra hải ngoại tìm đường cứu nước).

Hội Liên Thành tạc vào văn bia ở phần mộ của ông: "… vốn là người hào phóng, thế nhưng đối với công ích thì đếm từng hạt gạo, kê từng đồng chinh, băn khoăn chỉ sợ tơ hào dùng không thỏa đáng; đối với trách nhiệm thì chịu khó nhọc, mạo hiểm nguy…".