Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Ngô Tử Hạ

Tiểu sử

Ông sinh năm 1882 tại làng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cư ngụ tại số 14 đường Lamblot, Hà Nội (nay là phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Thân sinh của Ngô Tử Hạ là một nhà nông, bà cụ là một phụ nữ rất giỏi về nghề nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ, kinh tế gia đình có phần ổn định nên con cái được học hành đến nơi đến chốn. Học ở nhà dòng, Ngô Tử Hạ là một cậu bé thông minh, học giỏi, có trí nhớ tuyệt vời, tiếng Pháp rất giỏi, được các Cha yêu. 

Ngô Tử Hạ lấy vợ sớm, nhưng đến năm 17 tuổi thì vợ qua đời để lại cho ông hai đứa con nhỏ. Một mình ông lặn lội lên Hà Nội làm thuê cho một cơ sở in vỏ bao thẻ hương. Qua nhiều năm dành dụm, ông đã mua máy in và mở cửa hàng in. Sau đó ông lại kết hôn với một người phụ nữ khác, nhờ sự giúp đỡ của vợ mà ông đã phát triển được nghề in của mình, trở thành một người nổi tiếng nhất ở Đông Dương trong lĩnh vực in ấn.

Khởi nghiệp trong ngành in ấn

Công việc nặng nhọc, vất vả mà đồng lương chẳng được là bao song ông Ngô Tử Hạ vẫn kiên nhẫn ở lại làm. Sau vài năm dè sẻn chi tiêu, ông đã dành dụm đủ tiền mua được một chiếc máy in thẻ hương. Ông bèn thôi làm thuê, mà tự mình in thuê vỏ bao thẻ hương. Cứ cần mẫn, rồi ông cũng có tiền mua thêm một vài chiếc máy gỗ in vỏ bao hương nữa, mượn thêm thợ làm.

Từ bỏ lối làm nghề cò con với những chiếc máy in làm bằng gỗ đơn giản chỉ in được vỏ bao thẻ hương, ông Ngô Tử Hạ quyết hiện đại hoá dần việc kinh doanh nghề in của mình.

Ông mua những chiếc máy in được xem là hiện đại thời bấy giờ, chưa đủ tiền mua nhiều máy, thì ban đầu mua ít, tích luỹ vốn được kha khá nhờ quản lý tốt và tiết kiệm trong chi phí kinh doanh cũng như trong tiêu dùng hàng ngày của gia đình, ông lại bỏ tiền ra mua thêm máy in mới.

Năm 1911, cách mạng Tân Hợi bùng nổ, một luồng gió mới thổi vào nền chính trị đang nghẹt thở của Việt Nam. Ngô Tử Hạ quyết định mở nhà in nhỏ tại phố Hàng Gai. Sau đó ít lâu, nhờ tích luỹ và về quê bán ruộng, ông mua đất và lập nhà in lớn hơn ở 24 phố Lý Quốc Sư (phố Lamblot cũ). Cũng cần nói thêm rằng, việc ra đời nhà in này có sự giúp đỡ rất lớn về vốn của bố, mẹ vợ kế (bà Nguyễn Thị Thảo). Vị trí nhà in đắc địa, máy in nhiều và hiện đại, thợ in đông, giải quyết chóng vánh, uy tín của nhà in Ngô Tử Hạ ngày một được khẳng định. Khách hàng của ông bao gồm cả trong nước, lẫn từ nước ngoài, nhất là nước Pháp.

Khi Ngô Tử Hạ bắt đầu khởi nghiệp, ngay sau khi đặt mua tại Pháp một lô hàng lớn giấy và mực in, hàng về đến nơi thì Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất bùng nổ, kênh đào Suez đóng cửa, việc giao thương Âu - Á gặp khó khăn, giấy tăng giá hàng trăm lần. Thêm vào đó, việc quản lý nhà in chặt chẽ, chất lượng in tốt, giá cả cạnh tranh và giao du rộng, nhà in Ngô Tử Hạ đã thu hút được nhiều khách hàng, cả người Việt lẫn người Pháp. Ông trở thành ông trùm ngành in Việt Nam, một nhà tư sản lớn của Hà Nội thời bấy giờ.

Tham gia các hoạt động từ thiện

Khi có điều kiện kinh tế, Ngô Tử Hạ đã dốc sức vào hoạt động xã hội, hỗ trợ các phong trào nâng cao dân trí và trực tiếp tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế người nghèo. Tuy bận với công việc kinh doanh nhưng cụ rất quan tâm đến việc học của dân, đặc biệt là với người nghèo. Cụ đã tham gia cùng học giả Nguyễn Văn Tố trong Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cụ tích cực tham gia phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhà in Ngô Tử Hạ đã nhận in một số lượng lớn sách học chữ cho bình dân học vụ.

Là một người kính Chúa, yêu nước, cụ Ngô Tử Hạ ý thức được lời răn: “Yêu thương anh em như yêu thương mình vậy”. Ông chủ nhà in Ngô Tử Hạ đã khởi xướng và tham gia nhiệt tình các hoạt động từ thiện. Hiện tại, con cháu cụ còn lưu giữ những bức ảnh rất sinh động về hoạt động cứu tế của cụ Ngô Tử Hạ: Đó là cảnh cụ khăn xếp, áo the, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; đó là cảnh cụ đi kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo từ Hà Nội lên Hà Đông trên đoàn xe điện, cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Ngô Tử Hạ làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói tại Nhà thờ lớn Hà Nội... Khắp miền Bắc - Trung - Nam, ngân phiếu của cụ Ngô được gửi đến các nơi cô nhi, quả phụ. Cụ còn vận động các doanh nhân khắp miền làm từ thiện nên được nhân dân rất yêu mến, kính trọng.

Do hoạt động nổi tiếng trong ngành in, cụ Ngô Tử Hạ có quan hệ và giao thiệp rộng rãi với các trí thức và học giả bấy giờ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Văn Tố, Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu... Đối với giới học giả, văn nhân, ông chủ nhà in Ngô Tử Hạ vừa là bạn tâm giao, vừa là mạnh thường quân.

Nhà in Ngô Tử Hạ đã giúp các học giả, các nhà nghiên cứu trong việc in các tập sách, công trình, tác phẩm của mình. Đặc biệt, Tạp chí Đông Thanh của nhà in Ngô Tử Hạ đã là nơi tập hợp, lui tới của nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng với nội dung tiến bộ, chuyên giới thiệu, nghiên cứu, khẳng định các giá trị văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam...

Tham gia hoạt động cách mạng 

Ngô Tử Hạ rất căm ghét thực dân Pháp và thường giao hảo với những chí sĩ có lòng yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn...

Ngay từ trước cách mạng, ông Ngô Tử Hạ đã bí mật ủng hộ Việt minh hàng tạ con chữ dùng để in (ngày ấy, người ta in theo phương pháp tipô, xếp các con chữ rời thành văn bản). Nhờ đó Việt minh đã có thể in tài liệu, kể cả truyền đơn kêu gọi đánh Pháp đuổi Nhật, ủng hộ Mặt trận Việt minh.

Ngay từ những ngày đầu, ông đã giúp được Bác Hồ nhiều việc. Đầu tiên là chọn ngày tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập. Khi được Bác Hồ hỏi ý kiến về việc này, vốn là người rất coi trọng kỷ luật lao động, ông Ngô Tử Hạ đã khuyên nên tổ chức vào ngày mùng 2/9. Đơn giản là vì ngày này năm 1945 là Chủ nhật, hôm đó thợ thuyền được nghỉ nên có thể tham gia.

Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc. Cụ Ngô Tử Hạ với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội đọc Tuyên ngôn của Quốc hội trước quốc dân đồng bào. Cụ còn là một trong những người sáng lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tức là Mặt trận Liên Việt lúc bấy giờ. Và cụ cũng là người đóng góp một khối lượng tài sản không nhỏ cho kháng chiến và kiến quốc.

Cụ Ngô Tử Hạ là người đứng đầu Hội Cứu tế, cứu đói của Chính phủ đã hoạt động tích cực, tận tụy vào cuộc đấu tranh chống giặc đói, góp phần vào việc giữ nước trong những ngày đầu gian nan. Hiện tại, con cháu cụ còn lưu giữ những bức ảnh rất sinh động về hoạt động cứu tế của cụ. Đó là cảnh cụ mặc áo the, khăn xếp, kéo xe bò đi đầu đoàn người qua các phố của Hà Nội kêu gọi quyên góp tiền bạc cứu đói; cảnh cụ đi kiểm tra và áp tải vận chuyển gạo trên đoàn xe điện Hà Nội – Hà Đông; cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Ngô Tử Hạ làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói tại Nhà thờ Lớn Hà Nội…

Nhà in đầu tiên in "đồng bạc Cụ Hồ"

Chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày đầu gặp khó khăn trăm bề. Cùng một lúc, Chính phủ phải dồn sức diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, ngân khố quốc gia chỉ có hơn một triệu đồng Đông Dương rách nát. Trong khi đó, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc Việt Nam mang theo quan kim và quốc tệ, là những đồng tiền mất giá, gây nguy cơ lạm phát cao. Chính phủ ta lại chưa quốc hữu hóa được Ngân hàng Đông Dương, vẫn buộc phải sử dụng giấy bạc Đông Dương có đóng dấu của chính quyền cách mạng. Trước tình thế phải thống nhất tiền tệ, chống lạm phát và đảm bảo chi dùng, việc phát hành một loại tiền mới là rất cấp bách.

Ngày 31/1/1946, nhà in Ngô Tử Hạ là nơi được tin cậy, nhận trọng trách in những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nhân dân thời đó thường gọi là “đồng bạc cụ Hồ”. Đồng tiền của chế độ mới có mệnh giá: 100 đồng, 50 đồng, 20 đồng, 10 đồng, 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào; tiền kim loại có 2 đồng tiền đồng, bằng nhôm có 5 hào và 20 xu. Tất cả những đồng tiền kể trên được in tại nhà in Ngô Tử Hạ, sau đó được vận chuyển về Bộ Tài chính ký và đóng dấu, đóng số sêri rồi mới được phát hành.

Những “đồng bạc cụ Hồ” được in và phát hành kịp thời không những đáp ứng nhu cầu chi dùng cho Chính phủ và Nhân dân mà còn thống nhất tiền tệ, khẳng định chủ quyền độc lập của quốc gia. Thực dân Pháp thấy được tầm quan trọng của nhà in Ngô Tử Hạ và vai trò của ông chủ nhà in. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946, nhà in Ngô Tử Hạ đã bị quân Pháp phun xăng đốt, cháy ròng rã suốt một tuần. Số nhà 24 Lý Quốc Sư - Hà Nội bây giờ chính là địa điểm, dấu tích một thời của nhà in Ngô Tử Hạ.

Đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Với những đóng góp to lớn, ông Ngô Tử Hạ được bầu làm đại biểu Quốc hội, rồi ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I và là đại biểu cao tuổi nhất. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 2/3/1946, Quốc hội chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên, thông qua những quyết định vô cùng quan trọng: công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban; bầu Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người. Đáng nói là, phiên họp đặc biệt quan trọng ấy đã diễn ra với sự chủ trì của ông Ngô Tử Hạ - người nhiều tuổi nhất trong số các đại biểu. Cụ Ngô Tử Hạ được Quốc hội suy tôn là Chủ tịch Đại hội đồng.

Nhận nhiệm vụ chủ tọa kỳ họp, ông trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn của Quốc hội: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp".

Trong thời gian đầu xây dựng chính quyền nhân dân, cụ Ngô Tử Hạ là cố vấn cho Hồ Chủ tịch, được người tin cậy và hỏi nhiều ý kiến. Chuyện kể rằng, khi Hồ Chủ tịch hỏi cụ chọn ngày làm lễ Tuyên ngôn Độc lập vào ngày nào thì cụ đề nghị chọn ngày 2/9 vì ngày đó là ngày Chủ nhật. Trong số ảnh mà gia đình còn lưu giữ đến nay, có một số bức ảnh cụ ngồi Chủ tịch đoàn bên cạnh Hồ Chủ tịch và cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, tiêu biểu là sự kiện làm lễ cầu siêu cho 2 triệu người chết đói năm Ất Dậu tại Nhà thờ lớn Hà Nội.

Cụ Ngô Tử Hạ cũng chính là người làm cầu nối giữa Hồ Chủ tịch với cựu hoàng Bảo Đại. Tại gia đình ông Trịnh Văn Đường (cháu ngoại cụ Ngô Tử Hạ) đến nay còn lưu giữ chiếc bàn ăn cổ, là chứng tích của nhiều cuộc gặp giữa cựu hoàng Bảo Đại với cụ Ngô Tử Hạ. Nguyên do là, trong thời gian cụ mở nhà in tại Huế, cụ quen thân, giao hảo với một số quan lại triều đình và có quen biết với cả Hoàng đế Bảo Đại. Chính vì thế mà trong việc chuẩn bị cho vua Bảo Đại thoái vị, Hồ Chủ tịch đã chọn cụ làm nhà thương thuyết, để rồi sau đó vị vua cuối cùng của chế độ phòng kiến Việt Nam chấp nhận thoái vị và nhận làm Cố vấn cho Chính phủ Lâm thời với câu nói nổi tiếng: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ về quê hương Ninh Bình. Một phần do sức khỏe, phần nữa là để tránh không để bọn phản động đội lốt tôn giáo lợi dụng và bắt ép, cụ Ngô Tử Hạ được Chính phủ tạo điều kiện sang Thuỵ Sĩ cư trú, một hành trình dài từ Ninh Bình, lên Việt Bắc, sang Hongkong rồi đến Thụy Sĩ. Khi Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu giành thắng lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ, cụ Ngô Tử Hạ đã cùng đoàn trở về Việt Nam trong niềm vinh quang của những người chiến thắng. Năm 1954, ở tuổi 72, cụ Ngô Tử Hạ tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ của mình trong Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

Những năm cuối đời

Từ khi trở về nước, cụ Ngô không quản tuổi già vẫn hăng hái tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt. Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, cụ được bầu làm ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình.

Cụ Ngô Tử Hạ là đại biểu Quốc hội liên tục các khóa I, II, III và là người đại biểu cao tuổi nhất (cho đến tận năm 1971 khi cụ đã 90 tuổi). Là cộng sự gần gũi với Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông được mời tham gia Chính phủ. Đến trước khi mất, cụ Ngô vẫn còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh (sau này là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Trước khi qua đời, cụ Ngô Tử Hạ đã cống hiến phần lớn tài sản cho Nhà nước. Theo bản kê khai nhà đất xin hiến cho Nhà nước của gia đình ông Ngô Tử Hạ được lập vào ngày 29/7/1960, ông đã hiến tặng nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251m2), nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182m2). Gia đình ông chỉ giữ lại 200m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự.

Ngày 29/8/1973, cụ Ngô Tử Hạ qua đời, hưởng thọ 92 tuổi. Cuộc đời hoạt động của cụ Ngô Tử Hạ là tấm gương sáng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước, một đại biểu Quốc hội mẫu mực. Nhận xét về cụ Ngô Tử Hạ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà yêu nước, tham gia rất sớm vào phong trào Việt minh, trước đây thường xuyên có gặp Bác Hồ và quen thân với tôi”. 

Thành tựu

Ngô Tử Hạ là một nhà tư sản lớn của Hà Nội, được báo Nam Phong bình chọn là 1 trong 300 nhân vật nổi tiếng của xứ Đông Dương ở những năm 40, thế kỷ XX. 

Nhà in Ngô Tử Hạ là nơi đầu tiên in đồng bạc Cụ Hồ.

Ngô Tử Hạ là vị đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội (QH) Khóa I, II, III cho đến năm 1971 ở tuổi 90.

Được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng, tham gia Ban thường trực Quốc hội và là người đọc Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam ngày 2/3/1946. 

Khi người dân rơi vào thảm họa chết đói năm Ất Dậu, Ngô Tử Hạ chính là nhân sĩ đầu tiên mặc áo the khăn xếp, kéo xe bò khắp đường phố Hà Nội để kêu gọi cứu tế.