Xác nhận
Doanh nhân xưa
Doanh nhân xưa

Bùi Huy Tín

Tiểu sử

Con đường kinh doanh của Bùi Huy Tín

Bùi Huy Tín sinh năm 1876, quê gốc ở Thái Bình nhưng ra đời tại Hà Nội. Năm 3 tuổi, Bùi Huy Tín thất lạc gia đình, sau đó ông được một viên đại úy người Pháp nhận nuôi và chu cấp ăn học. Nhờ đó, ông sớm thông thạo tiếng Pháp từ khi còn bé. Học xong tiểu học, ông thi vào trường thông ngôn trong hệ thống trường dạy nghề đầu tiên của thực dân Pháp tại Đông Dương, rồi bước vào thương trường với vị trí thư ký cho một doanh nghiệp của người Pháp. Năm 20 tuổi, Bùi Huy Tín bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với nghề thầu khoáng bằng việc tham gia đấu thầu nuôi cá ở Hồ Tây với số vốn ít ỏi.

Do thông thạo tiếng Pháp, Bùi Huy Tín đã làm thông ngôn cho kỹ sư ở nhiều công trình xây dựng cầu đường do người Pháp đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải ở Đông Dương trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Trong giai đoạn từ năm 1902 đến những năm đầu thập niên 1930, với đầu óc kinh doanh nhạy bén, lại biết tận dụng các mối quan hệ, Bùi Huy Tín tham gia lãnh thầu cung cấp vật liệu cho một số hạng mục cầu đường của Pháp như tuyến đường sắt từ Việt Trì đi Lào Cai (1902-1906), từ Sài Gòn đi Khánh Hòa, Lang Biang (1907-1910), từ Vinh đi Đông Hà (1914-1918). 

Tháng 8/1909, trong một chuyến đi lĩnh thầu ở Bình Thuận, Bùi Huy Tín tình cờ phát hiện nguồn suối khoáng ở Vĩnh Hảo. Ông muốn đăng ký khai thác nhưng không được chính quyền thực dân Pháp đồng ký. Năm 1928, khi Công ty Socíeté Civile DEtudes Des Eaux Minérals De Vinh Hao của Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy Nước khoáng Vĩnh Hảo, Bùi Huy Tín đã góp vốn đầu tư. Đến năm 1930, thương hiệu Nước khoáng Vĩnh Hảo đã chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Việt Nam và vươn ra các nước Đông Dương, xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Canada, Đài Loan.

Ngoài lãnh thầu một số công trình giao thông, Bùi Huy Tín còn mở rộng kinh doanh bằng cách tạo lập nhiều đồn điền, đấu thầu khai thác khoáng sản. Một số đồn điền nổi tiếng của Bùi Huy Tín có thể kể đến như Minh Hạc (Phú Thọ), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Yên Lập, Hương Khê (Hà Tĩnh), Ông Đồng (Quảng Bình) và một số mỏ khai thác khoáng sản ở Yên Cư, Thiên Nhân (Nghệ An). Hoa lợi ổn định từ các đồn điền, mỏ khoáng sản giúp Bùi Huy Tín mở rộng kinh doanh.

Nhằm biểu dương những đóng góp của ông trong công cuộc mở mang kinh tế nước nhà, năm 1919, Bùi Huy Tín được vua Khải Định trao chức Hàn lâm viện trước tác. Năm 1920, ông được thăng hàm Thị giảng; năm 1923, được vua Khải Định thăng hàm Hồng lô tự khanh; năm 1928, được triều đình Huế trao tặng Ngũ hạng Bắc đẩu bội tinh.

Bùi Huy Tín còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội ở Bắc kỳ và Trung kỳ, trở thành hội viên Hội Khai trí Tiến Đức, hội viên Hội Y học Trung Kỳ, Phả trưởng của Bắc kỳ tập thiện phả, thành viên trong ban tổ chức Hội đồng Tổ chức Hội chợ Huế (1936)... Đặc biệt, vào năm 1934, ông vận động thành lập Trung kỳ Công thương gia Hội - một tổ chức quy tụ phần lớn giới thương mại (chủ xưởng, hiệu buôn) làm ăn, sinh sống ở Trung kỳ. 

Năm 1919, Bùi Huy Tín tham gia thành lập nhà in của người Việt đầu tiên ở Trung kỳ theo thỏa thuận giữa các hội viên Thuận Thành Thương quán. Sự ra đời của nhà in Đắc Lập do Bùi Huy Tín sáng lập đã góp phần đưa kỹ nghệ xuất bản bước sang một trang mới.

Nhà in Đắc Lập được thành lập vào ngày 10/12/1919, có trụ sở tại Huế. Cái tên Đắc Lập được vua Khải Định đặt với ý nghĩa “nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập”. Ban đầu, nhà in Đắc Lập được hình thành dưới dạng cổ phần, với số vốn huy động ban đầu là 50.000 đồng Đông Dương, riêng cổ phần của Bùi Huy Tín là 28.000 đồng. 

Đắc Lập đã tuyển chọn 16 người gửi ra các nhà in ở Hà Nội để đào tạo một đội thợ lành nghề, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý, phân phối sách trong cả nước. Vào thời điểm đó, thợ chấm mo-rát và đóng bìa da, nhũ vàng của nhà in Đắc Lập là một trong những đội thợ có thu nhập hằng tháng rất cao. Đây cũng là nhà in có sự góp mặt của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như nhà văn Hoài Thanh - tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam, giáo sư Cao Xuân Huy - nhà nghiên cứu về lịch sử, tư tưởng triết học phương Đông.

Bên cạnh sách, nhãn mác, bản đồ, biển hiệu... nhà in Đắc Lập còn là cơ sở in của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ như La Gazette de Hue, France - Annam, Tràng An báo, Viên Âm báo, Nam triều Công báo, Trung kỳ Bảo hộ Công báo, Ai Lao Công báo, Bulletin Administratif de lAnnam.

Giai đoạn đầu, nhà in Đắc Lập ấn hành khá nhiều đầu sách bằng Pháp ngữ hoặc song ngữ Pháp - Quốc ngữ. Về sau xuất hiện nhiều cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ, tác giả đa số là quan lại triều Nguyễn, các nhà khoa bảng, trí thức đương thời. Đắc Lập chủ trương in đủ thể loại sách, ấn phẩm, gồm thơ văn, biên khảo, bản tin, kỷ yếu nội bộ, sách dịch thuật, giáo trình, sách dạy nấu ăn.

Đắc Lập còn thiết lập mạng lưới phân phối sách ở hầu khắp các tỉnh, thành, nước ngoài thì có chi nhánh ở Lào và Campuchia. Các tỉnh và thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Lạt, Phan Thiết, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái, Hải Dương, Nam Định, Sài Gòn, Mỹ Tho, Rạch Giá đều có các đại lý phân phối sách của Đắc Lập.

Ngoài nhà in Đắc Lập, Bùi Huy Tín và Nguyễn Hữu Thu đồng sáng lập tờ Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội, chuyên về thông tin kinh tế, thương mại, kỹ nghệ, ra số đầu vào ngày 12/7/1920, đình bản vào ngày 24/9/1933; và Tràng An báo ở Huế, phát hành ngày 1/3/1935.

Theo điều lệ của Thuận Thành Thương quán: “Công ty Đắc Lập hạn có 8 năm thời giải tán. Chương trình hội đã định trước hễ tới khi mãn hạn mà giải tán công ty”, đến năm 1929, tức đúng 8 năm theo quy định, Bùi Huy Tín mua lại nhà in Đắc Lập, từ đó nó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ông.

Trong hơn 20 năm, Đắc Lập đã xuất bản 145 cuốn sách, góp công rất lớn trong việc phổ biến kiến thức, là cầu nối cho nhiều tác phẩm có giá trị đến tay độc giả, gắn liền với tên tuổi hàng loạt tác giả trứ danh một thời như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Bùi Thanh Vân, Đào Duy Anh, Nguyễn Bá Trác, Lê Thanh Cảnh, Lâm Mậu, Tống Viết Toại, Tôn Thất Hàn, Hường Nhung, Hường Thiết, Ưng Bình, Ưng Ân, Lê Khắc Khuyến, Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Đàm, Lương Thúc Kỳ, Lưu Trọng Lư.

Đến đầu thập niên 1940, cùng với những biến động về chính trị, xã hội, Đắc Lập lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Theo báo Nước Nam số 158, ngày 4/7/1942, Bùi Huy Tín đã phải bán lại hai tờ Tràng An báo và La Gazette de Hue cho người khác.  

Những đóng góp của Bùi Huy Tín cho đất nước

Bên cạnh việc sở hữu nhiều đồn điền, mỏ khoáng sản và nhà in Đắc Lập, Bùi Huy Tín còn đầu tư vào nhà máy nước, công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp cho người dân miền Trung. Đáng chú ý là Nhà máy nước Vĩnh Điện (Quảng Nam).

Lưu vực châu thổ sông Thu Bồn có tiềm năng phát triển nông nghiệp dồi dào nên vấn đề thủy nông rất được xem trọng. Khu vực này từng có một nhà máy nước thuộc sở hữu của hai thương gia người Pháp là Buttier và Daurelle, từ năm 1923-1924. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, giữa chủ nhà máy nước và các chủ ruộng thiếu thống nhất trong nhiều vấn đề nên nhà máy hoạt động kém hiệu quả, phải bán lại cho Bùi Huy Tín. Năm 1923, ông đầu tư vào Nhà máy nước Vĩnh Điện với khát vọng mở mang canh tác nông nghiệp cho người dân vùng đất này.

Bùi Huy Tín điều đình với các điền chủ, lấy sự đối thoại, hòa hợp để thuận tình trách nhiệm và hai bên cùng có lợi. Nhờ vậy, chỉ vài năm, nhà máy đã đem lại hiệu quả tốt. Nhờ sự thân thiện và tài quản trị giỏi, Bùi Huy Tín lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nước thứ hai tại Vĩnh Điện để giúp người dân tưới tiêu thêm nhiều đồng ruộng vốn thiếu nước trong vùng. Ngày 28/1/1928, nhà máy nước thứ hai ở Vĩnh Điện khánh thành, tưới được 1.000 mẫu đất, bổ sung cho nhà máy thứ nhất cũng tưới hơn 1.000 mẫu, thiết thực giúp người dân trong vùng làm ăn phát đạt.

Động cơ hai nhà máy nước ở Vĩnh Điện chạy bằng than củi hoặc than đá, công suất 120 mã lực, mỗi giờ bơm được 4.000m3 nước. Điểm nổi bật là toàn bộ công nhân trong nhà máy đều là người Việt và họ vận hành máy móc, thiết bị rất thông thạo. Nhờ vào hai nhà máy nước của Bùi Huy Tín, nhiều vùng đất khô ở Vĩnh Điện, đời sống người dân thêm phần khởi sắc. Về sau, trên đất Quảng Nam lần lượt xây thêm nhiều nhà máy thủy nông, thiết thực phát triển nông nghiệp ở lưu vực sông Thu Bồn nói riêng và khắp xứ Quảng nói chung.

Sau năm 1945, việc kinh doanh của Bùi Huy Tín dần sa sút, những hầm mỏ, đồn điền do ông đầu tư xây dựng lần lượt bị bán lại cho người khác. Tiếp đó, một số tài sản về đất đai, nhà cửa ở Huế, Đồng Hới, Bạch Mã cũng được ông bán lại. Từ năm 1954, Bùi Huy Tín lui về hoạt động Phật sự ở tuổi ngoài 75 tại chùa Tập Thiện, Huế.

Chùa Tập Thiện được xây dựng vào năm 1924 theo chủ trương của Hội Bắc kỳ châu phả - một hội đồng hương những người có tổ quán hoặc nguyên quán Bắc kỳ đến Trung kỳ lập nghiệp, trong đó Bùi Huy Tín là thành viên của hội. Theo điều lệ của hội, một trong những công việc quan trọng là lo việc ma chay và quản lý nghĩa trang ở Huế dành cho những người đồng hương Bắc kỳ và sau này sẽ mở rộng ra các tỉnh Trung kỳ. Bùi Huy Tín đã góp vốn xây dựng chùa Tập Thiện để trông coi việc hương khói và nghĩa trang cho đồng hương Bắc kỳ ở Huế đã mất.

Bùi Huy Tín sống những năm cuối đời ở Huế với số tài sản ít ỏi còn lại và chuyên tâm tham gia các hoạt động Phật sự ở chùa Tập Thiện từ năm 1954 cho đến khi lặng lẽ từ trần tại đây vào ngày 9/1/1963, hưởng thọ 87 tuổi. Mộ phần của ông được Ban Trị sự Bắc kỳ đồng châu hội đưa về an táng trong khuôn viên nghĩa trang chùa Tập Thiện. Trên bia có khắc dòng chữ “Hiển khảo tiền triều cáo thụ thái thường tự khanh Bùi công đệ nhị lang chi mộ” và dòng lạc khoản “Quý Mão niên mạnh xuân cát nhật. Hiếu tử, Bùi Huy Đẩu phụng lập”, nghĩa là “Ngày tốt, tháng 1 năm Quý Mão (1963). Con trai Bùi Huy Đẩu phụng lập”.

Trong suốt cuộc đời kinh doanh, Bùi Huy Tín được biết đến như một doanh nhân thành công trên cả thương trường lẫn hoạt động xã hội. Ông là một trong những doanh nhân tiêu biểu đại diện cho thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam, cùng với Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền... những người đã tạo nên dấu ấn thương hiệu hàng hóa Việt trên thương trường đầu thế kỷ XX bằng tài trí kinh doanh và óc sáng tạo. Đối với người dân Trung kỳ, Bùi Huy Tín là một người nhiệt tình, luôn nặng lòng với quê hương xứ sở, luôn toàn tâm góp phần kiến thiết nền kinh tế quốc gia. Những di sản mà ông để lại trên nhiều tỉnh, thành miền Trung đã làm thay đổi đáng kể đời sống dân sinh của người dân, cải thiện sản xuất nông nghiệp, khôi phục kinh tế đất nước.

Đối với nền báo chí nước nhà, Bùi Huy Tín là “cha đẻ” của hai tờ báo kinh tế tiếng tăm ở Hà Nội và Huế trước năm 1945. Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo trở thành cơ quan ngôn luận chấn hưng thực nghiệp, khai mở kinh tế cho người dân Việt Nam, là tiếng nói cho những trí thức yêu nước và nhân dân lao động trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Bùi Huy Tín chính là người mở đầu cho ngành xuất bản ở miền Trung khi khai sinh ra nhà in đầu tiên ở Huế. 

Thành tựu

Là người đầu tiên phát hiện nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo.

Năm 1919, được vua Khải Định trao chức Hàn lâm viện trước tác.

Năm 1920, được thăng hàm Thị giảng.

Năm 1923, được vua Khải Định thăng hàm Hồng lô tự khanh.

Năm 1928, được triều đình Huế trao tặng Ngũ hạng Bắc đẩu bội tinh.

Bùi Huy Tín tham gia thành lập nhà in của người Việt đầu tiên ở Trung kỳ.