Năm 1976, ông Ngô Vi Đồng nhập ngũ vào học khóa 11 Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), học dự bị để đi học Liên Xô.
Năm 1982, ông Ngô Vi Đồng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống, khoa Máy tính Điện tử Trường Đại học Bách khoa Donetsk, Ucraine (Liên Xô lúc đó).
Từ năm 1982, ông là sĩ quan quân đội và là kỹ sư hệ thống của Trung tâm Toán Máy tính Bộ Quốc phòng. Trong thời gian này ông tham gia các đề tài “Tự động hóa chỉ huy” và nghiên cứu phát triển hệ thống kết nối máy tính lớn (mainframe) với máy vi tính. Vào thời điểm đó, việc ứng dụng tin học ở Việt Nam còn quá xa vời. Máy tính rất ít, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước XHCN. Trung tâm của ông Ngô Vi Đồng làm có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai các ứng dụng của kỹ thuật máy tính nhằm phục vụ cho công tác quốc phòng và dân sự. Ông Đồng được giao trách nhiệm đề ra các giải pháp về hạ tầng cơ sở, đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc. Hầu hết máy tính thời đó là loại máy lớn (main frame), có cái to bằng cả một căn phòng, cũ kỹ, sắp hết đát, công nghệ lạc hậu lại không có vật tư để sửa chữa nhưng những dữ liệu trong đó vẫn còn giá trị sử dụng.
Trung tâm của ông Đồng làm được Bộ Quốc phòng giao thực hiện đề tài nghiên cứu chuyển đổi dữ liệu từ các máy main frame sang các máy tính nhỏ hơn, sao cho dữ liệu vẫn hoạt động được. Phải mất hơn một năm mày mò, tìm kiếm tài liệu khắp các thư viện, tìm mua cả linh kiện ở chợ trời, chúng tôi mới hoàn thành đề tài. Năm 1987, ông được cử vào TP.HCM để triển khai đề tài, có thể nói nhờ đề tài này mà nhiều đơn vị lớn như Điện lực, Bưu điện, Ngân hàng Công thương… đã “lột xác”.
Cũng nhờ làm việc trong ngành công nghệ thông tin nên ông Vi Đồng thấy được tốc độ phát triển chóng mặt của ngành này, cái mới xuất hiện hàng ngày, hàng giờ. Để ứng dụng được những thành tựu mới đó vào thực tế đời thường, năm 1990 ông xin chuyển ngành. Ban đầu, nhiều đơn vị mời ông về làm việc như Ngân hàng Công thương, Viện Kinh tế TP.HCM… nhưng ông chọn FPT vì nơi đó “chất” tin học đậm nét hơn cả.
Năm 1994, Công ty HP (Hewlett Packard - Mỹ) mời FPT hợp tác trong lĩnh vực triển khai ứng dụng các giải pháp tin học nhưng trước đó FPT đã là đối tác của IBM. Để tháo gỡ vướng mắc đó, HP đồng ý hợp tác với FPT thông qua một công ty mới do FPT thành lập là Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ tin học HPT (High Performance Technology Co. Ltd HCMC), đến năm 2004 thì chuyển thành công ty cổ phần. Ông Vi Đồng là một trong năm thành viên của FPT tham gia sáng lập và lãnh đạo HPT đến giờ. Tuy có “gốc gác” từ FPT nhưng ông luôn tự bươn chải, đứng trên đôi chân của chính mình cho đến hiện nay.
- Từ năm 1990 đến năm 1995, ông là Phó giám đốc FPT TP.HCM.
- Từ 1995 đến nay, ông là thành viên sáng lập Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT và giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty cho đến ngày hôm nay.
HPT dưới sự lãnh đạo và điều hành của ông đã xây dựng bằng sự thấu hiểu thị trường và phát triển những ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông cho khách hàng tại Việt Nam và quốc tế.
HPT nằm trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VR500) nhiều năm liền, hiện nay đã phát triển khắp Việt Nam và từng bước vươn ra thị trường thế giới: Trụ sở chính tại TP.HCM, Chi nhánh tại Hà Nội, Chi nhánh tại Đà Nẵng và Chi nhánh tại Campuchia.
Với triết ký kinh doanh bằng năng lực, sự tận tụy với khách hàng, hợp tác chặt chẽ với các hãng CNTT hàng đầu thế giới, HPT đã thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức trên khắp Việt Nam ứng dụng giải pháp, dịch vụ CNTT tiên tiến trên thế giới, mang lại hiệu quả thiết thực cho tất cả các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế cũng như hỗ trợ công tác quản lý các cơ quan Nhà nước.
Năm 2020, HPT đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho 6 giải pháp phần mềm vừa được nghiên cứu và phát triển. HPT cũng được Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đủ tiêu chuẩn (tính tại thời điểm được cấp phép) để cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC).
Bí quyết của tôi cũng chẳng "cao siêu" gì, chỉ là không đặt cho mình những mục tiêu quá khả năng và mục tiêu đó phải dung hòa được với lợi ích của những người có liên quan. Nếu nỗ lực vì những mục tiêu quá sức, người ta dễ bị đuối và mệt mỏi, muốn bỏ cuộc là điều tất nhiên. Cả cuộc đời mình, tính đến hiện nay, tôi đều sống rất nhẹ nhàng nhưng chưa bao giờ quên cố gắng. Đó là nhờ tôi luôn đặt cho mình những mục tiêu nhất định, có định hướng rõ ràng và có kỳ vọng ở bản thân.
Ngay từ nhỏ, tôi đã cảm thấy mình thích và có niềm đam mê đặc biệt với những trang sách. Lúc ấy, đọc chỉ là đọc thế thôi, nhưng lâu dần tôi ý thức rõ những giá trị tôi nhận được từ sách. Đó là một thế giới mênh mông, rộng lớn nhưng hỗ trợ rất nhiều cho hành trình sống và làm việc của tôi. Trong một thời điểm, tôi không chỉ có một mà có hai, ba quyển sách gối đầu giường.
Trong kinh doanh, nếu có hy sinh thì chỉ có hy sinh bản thân mình. Việc hy sinh quyền lợi khách hàng hay nhân viên đều là con đường dẫn đến cái kết thất bại. Đây là tôn chỉ mà tôi và Ban lãnh đạo ở HPT luôn đề cao. Sự hy sinh nào cũng đau đớn nhưng nếu nhìn xa hơn, sẽ thấy quyền lợi mà mình không đạt được ấy sẽ quy đổi thành uy tín trong tương lai. Một cái giá khá công bằng!
Không có con đường bằng phẳng, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh hiện nay. Với đối thủ cạnh tranh, tôi vẫn chủ trương cạnh tranh lành mạnh và bằng nội lực. Nếu thua vì dở hơn thì phải tôn trọng và học hỏi đối thủ. Chỉ có như thế người kinh doanh mới không bị giày vò. HPT coi chính trực là giá trị cốt lõi đầu tiên. Có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn cảm thấy an lành, dù ai đó đã từng ví von thương trường là chiến trường.
Tác phẩm liên quan
Bài báo do ông Ngô Vi Đồng viết: Sống như Inamori Kazuo
Báo chí viết về ông Ngô Vi Đồng:
2. Ông Ngô Vi Đồng: 3 yếu tố cốt lõi làm nên thương hiệu HPT
3. Ông Ngô Vi Đồng: “Quân ngũ đã rèn luyện tinh thần vượt khó”