Sự du nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp vào Việt Nam theo con đường thực dân vào nửa cuối thế kỷ XIX đã tác sâu sắc đến tầng lớp thương nhân bản xứ. Các doanh nhân Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và áp dụng cung cách làm ăn tư bản chủ nghĩa từ những thương gia nước ngoài đến làm ăn, buôn bán tại Việt Nam.
Sự du nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp vào Việt Nam
Dù đã mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam gần 40 năm nhưng đến gần hết thế kỷ XIX, người Pháp vẫn chưa thể tổ chức khai thác để mang lợi ích kinh tế về cho nước Pháp như dự tính ban đầu. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và sự lúng túng của bộ máy cai trị người Pháp trong buổi đầu đã khiến cho chi phí đầu tư vào cuộc xâm lược ngày càng trở thành một gánh nặng to lớn cho ngân sách của nước Pháp.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882
(Nguồn: Wikipedia)
Nam kỳ là phần lãnh thổ Việt Nam đầu tiên được thực dân Pháp áp đặt quyền cai trị thông qua các thỏa ước giữa thực dân Pháp với triều đình Huế vào năm 1862 và 1874. Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp và là nơi người Pháp tiến hành xây dựng các cơ sở sản xuất vận hành theo mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa, phục vụ cho công cuộc thiết lập sự thống trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1864, công binh xưởng Ba Son được xây dựng trên nền xưởng đóng tàu cũ của Gia Định. Tiếp theo đó, một số cơ sở công nghiệp chế biến được xây dựng ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn như nhà máy rượu bia (1874), nhà máy cưa (1875), nhà máy kéo sợi (1876). Tính đến năm 1895, Nam kỳ có tới 200 xưởng xay xát gạo, chuyên chế biến gạo xuất khẩu, trong đó có hai nhà máy chạy bằng đầu máy hơi nước.
Người Pháp cho xây dựng Ngân hàng Đông Dương năm 1875, có đặc quyền phát hành giấy bạc và cho vay tín dụng. Chính quyền đặc quyền phát hành tiền tệ đã giúp cho ngân hàng này dễ dàng kiểm soát nền tài chính của Đông Dương và tái đầu tư vào các ngành nghề chủ yếu của nền kinh tế thuộc địa. Các chi nhánh của nó nhanh chóng được mở trong cả nước: Hải Phòng (1885), Hà Nội (1887), Đà Nẵng (1891).
Ngân hàng Đông Dương (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Sự cai trị của thực dân Pháp trên đất nước ta đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong xã hội. Đầu tiên là ở Chợ Lớn, giai đoạn này đã xuất hiện các công ty kinh doanh của người Hoa. Điều này cho thấy sự liên kết mạnh mẽ giữa người Hoa ở Chợ Lớn với mạng lưới kinh tế người Hoa ở khu vực. Sau năm 1860, các hàng hóa nhập khẩu vào Nam kỳ đều được sự bảo trợ của các thương nhân người Hoa trong Hội Hải hiệp thực dân địa.
Cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn đầu thế kỷ XX (Nguồn: Wikipedia)
Ngoài ra, sự xâm nhập của người Pháp vào Việt Nam còn hình thành nên một cộng đồng kinh tế mới. Những người Ấn từ Pondicherry và Karikal, là những thuộc địa Pháp ở Ấn Độ, được di dân đến Nam kỳ sinh sống và làm ăn. Họ bao gồm người Pháp gốc Ấn và người Anh gốc Ấn. Bên cạnh một bộ phận làm công nhân, nhân viên chính quyền và quân đội, người Ấn ở Nam kỳ còn là những thương nhân năng động. Những thương nhân Sindi người Ấn thường hoạt động trong ngành dệt may, đặc biệt là tơ lụa. Còn với người Ấn Hindu thì có khoảng 300 người làm trong lĩnh vực cho vay, tín dụng hay nhân viên ngân hàng, theo thống kê thập niên 30 của thế kỷ XX.
Sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên
Sau khi đánh bại các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xem như đã bình định xong Việt Nam và bắt đầu bước vào thời kỳ khai thác thuộc địa trên đất nước ta và cả Đông Dương nói chung. Sau khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương năm 1897, Paul Doumer đã vạch ra một chương trình hành động gồm bảy điểm quan trọng, trong đó tập trung vào việc cải cách nền hành chính Đông Dương theo hướng tập trung quyền lực vào chính quyền liên bang, chuyển đổi mô hình bảo hộ sang “trực trị”; cải cách nền tài chính trong toàn liên bang; xây dựng các công trình công cộng để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa; đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp…
Chân dung Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Nguồn: Wikipedia)
Những kế hoạch kiến thiết Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khởi xướng và được tiếp nối sau đó đã mang lại một diện mạo mới cho cơ sở hạ tầng của nền kinh tế Việt Nam. Trên phương diện kinh tế, từ cuối thế kỷ XIX, các công ty tư bản Pháp đã nhanh chóng đầu tư vào thị trường mới mẻ và đầy hấp dẫn ở Đông Dương, mà chủ yếu là ở Nam kỳ và một số mỏ than ở Bắc kỳ. Bước sang đầu thế kỷ XX, để tiếp tục duy trì ưu thế của mình ở thuộc địa, chính quyền Đông Dương đã ban hành nhiều chính sách ưu ái cho người Pháp, nhằm biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế chính quốc.
Cùng với đó, những chính sách của Paul Doumer đã tác động rất lớn đối với nhiều lĩnh vực của đời sống người dân Việt Nam. Sự khủng hoảng trong đường lối cứu nước cũng như sự thất thế về vị thế kinh tế, chính trị trước các nhóm người Hoa và người Ấn ngay trong đất nước của mình đã khơi dậy tinh thần dân tộc của giới tinh hoa Việt Nam. Hệ tư tưởng dân chủ tư sản cũng như những sinh hoạt kinh tế theo phương thức tư bản đã bắt đầu khiến cho người Việt thay đổi quan điểm đối với việc kinh doanh. Điều này dẫn đến các cuộc vận động thay đổi tư duy kinh tế song hành cùng với các cuộc vận động chính trị đấu tranh giành độc lập, phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi, bắt đầu từ Nam kỳ, sau đó lan rộng đến Bắc và Trung kỳ.
Các phong trào vận động thay đổi tư duy kinh tế giai đoạn này này có thể kể đến như phong trào Duy tân ở Quảng Nam do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp lãnh đạo; sự ra đời của trường Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can làm hiệu trưởng ở Hà Nội; cuộc vận động Minh Tân trên hai tờ Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn do Trần Chánh Chiếu phát động… đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chính trị trong nước. Cuộc vận động này xuất phát từ thực tế người Việt chịu yếu thế về kinh tế so với các doanh nhân người Pháp, người Hoa và người Ấn ngay trên quê hương mình. Tuy phong trào bị đàn áp về chính trị nhưng đã thổi một luồng sinh khí mới cho tinh thần chấn hưng thực nghiệp trong cả nước.
Nhiều cơ sở kinh tế được thành lập từ các phong trào này đã vượt qua sự đàn áp về chính trị để có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh trong các giai đoạn về sau. Sự đả thông về tư tưởng này đã khuyến khích người Việt thay đổi quan điểm về kinh tế, nhiều cơ sở kinh tế do các doanh nhân tài năng đã ra đời.
Nhờ vào những thành quả nhất định của nền giáo dục Tây học và sự phổ biến của chữ Quốc ngữ, ngành báo chí và xuất bản Việt Nam phát triển khá mạnh vào đầu thế kỷ XX, trở thành một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng của người Việt trong bước đường tìm kiếm vị thế kinh tế và chính trị của mình. Sự ra đời của các doanh nghiệp do người Việt điều hành như chuỗi Công ty Đồng Lợi, Hội buôn Hưng Thịnh, Công ty Nam Phong, Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty, Liên Thành thương quán… cho thấy giai đoạn này, doanh nhân Việt Nam đang trong thời kỳ phôi thai hình thành, dù số lượng còn ít, thực lực kinh tế còn hết sức hạn chế. Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng để chuẩn bị cho bước phát triển trong các giai đoạn về sau.
Trụ sở Liên Thành thương quán tại Sài Gòn
(Nguồn: Công ty nước mắm Liên Thành)
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, những chuyển biến tại chính trường Pháp đã tác động đến chính sách thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai diễn ra ở Đông Dương trong một bối cảnh đầy phức tạp của cục diện quốc tế. Về kinh tế, giai đoạn sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư bản Pháp đầu tư mạnh mẽ vào các ngành mang lại lợi nhuận lớn ở Đông Dương như cao su, hầm mỏ, buôn bán lúa gạo và một số ngành công nghiệp khác.
Sự tái đầu tư ở Đông Dương trở nên mạnh mẽ bắt đầu từ năm 1924 khi tư bản Pháp khắc phục được những khó khăn ở chính quốc sau chiến tranh từ năm 1920. Thời kỳ 1925-1930 được xem là đỉnh cao trong đầu tư tư bản của Pháp vào Đông Dương. Khi Albert Saurrat giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1917 đến năm 1919 đã tiếp tục cổ súy cho chính sách được gọi là “Pháp – Việt đề huề”. So với thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, không gian hoạt động của người bản xứ phần nào được nới lỏng. Người bản xứ được tham gia vào các thiết chế tư vấn, giúp việc cho Toàn quyền Đông Dương.
Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, doanh nhân người Việt đã có thể mở rộng kinh doanh với thương nhân nước ngoài, mua nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa để xuất khẩu. Sự thiếu hụt hàng hóa từ Pháp qua cũng tạo điều kiện cho các cộng đồng kinh tế bản xứ tăng cường sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường ở Đông Dương. Qua những chuyển biến trên, tầng lớp doanh nhân người Việt đương thời đã có một sự khởi sắc nhất định. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trước đây là sân chơi độc quyền của tư bản người Pháp, người Hoa, người Ấn thì người Việt đã từng bước len lỏi vào và khẳng định được chỗ đứng của mình. Nhưng do ít vốn, tính liên kết đoàn thể không cao, các tổ chức kinh tế của người Việt còn hết sức manh mún, khó có thể cạnh tranh với vị thế kinh tế của người Pháp và người Hoa trong nền kinh tế Đông Dương lúc bấy giờ.
Một xưởng dệt tại Hà Nội giai đoạn 1920-1929
(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)
Những sự thay đổi trên đã nới lỏng không gian hoạt động cho tầng lớp tinh hoa trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, mở đường cho những người hoạt động trên lĩnh vực kinh tế thể hiện quan điểm của mình trên địa hạt chính trị, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Nền kinh tế Đông Dương là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Pháp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến những tổn thất hết sức nặng nề cho tầng lớp thương gia, kỹ nghệ gia vừa mới tích lũy, phát triển từ sau Thế chiến thứ nhất. Từ năm 1929-1933, Tòa án Thương mại Đông Dương đã xử 502 vụ án phá sản và phát mại tài sản ở ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, chính quyền thuộc địa buộc phải ban hành chế độ thuế quan mới nghiêm ngặt hơn để tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Pháp ở Đông Dương. Đối với công thương trong xứ, chính quyền Pháp không ngừng tăng thuế và dùng Ngân hàng Đông Dương độc quyền phát hành, phân phối giấy bạc để can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ Đông Dương. Một lượng lớn giấy bạc bị rút khỏi thị trường khiến đồng bạc Đông Dương bị đẩy giá lên cao, giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ.
Chợ Lớn năm 1931 trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933
(Nguồn: flickr.com)
Bức tranh ảm đạm trong tình thế "một cổ hai tròng"
Những biến cố về kinh tế chính trị ở Đông Dương từ những năm 30 trở đi đã cho thấy bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp trong “sứ mệnh khai hóa”, “bảo hộ” cho Đông Dương và càng đẩy giới doanh nhân ở Việt Nam đi vào con đường khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đó, giới doanh nhân Việt đã thể hiện vai trò của mình, mở rộng phạm vi hoạt động trên các địa hạt văn hóa, xã hội và cả chính trị nước nhà.
Đến năm 1936 trở đi, kinh tế Đông Dương có dấu hiệu hồi phục lại so với mức trước khủng hoảng. Một số ngành công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng như khai thác than, điện, bia, rượu, thuốc lá… Nhưng nền kinh tế Đông Dương hồi phục chưa được bao lâu lại phải chứng kiến một biến động chính trị cực kỳ to lớn.
Ngày 22/9/1940, quân đội Nhật tràn vào chiếm đóng Việt Nam. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương nhanh chóng bắt tay với Nhật cùng khai thác Đông Dương. Nhật Bản coi Đông Dương là bàn đạp chiến lược và căn cứ hậu cần của mình trên chiến trường châu Á – Thái Bình Dương. Việc duy trì chính quyền Pháp tại Đông Dương giúp Nhật nhanh chóng ổn định tình hình, không cần tốn nhiều sức lực để bình định.
Quân đội Nhật vào Lạng Sơn, tháng 9/1940
(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Bên cạnh xuất khẩu gạo, lương thực theo nhu cầu của quân đội, Nhật thực hiện chính sách nhổ lúa trồng đay. Do nguồn cung cấp bao tải đay từ Ấn Độ bị gián đoạn nên người Nhật đã thành lập một công ty độc quyền sản xuất bao tải đay phục vụ cho Khối thịnh vương chung Đại Đông Á do Nhật dựng lên. Ngoài đay, các loại cây thầu dầu, đậu phộng cũng được yêu cầu trồng thay thế lúa. Chính sách này khiến giá lương thực lên cao, sản xuất lúa thu hẹp lại, nhất là ở các tỉnh Bắc kỳ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã làm chững lại sự phát triển của tầng lớp doanh nhân người Việt. Đến sau khủng hoảng kinh tế, chỉ xuất hiện thêm vài công ty, xưởng sản xuất nhỏ của người Việt nhưng quy mô không lớn như trước đây. Khi Nhật vào Đông Dương, hoạt động kinh doanh của người Việt lại càng thêm khó khăn. Tình hình nguyên vật liệu khan hiếm, hàng hóa đắt đỏ, thuế cao đã đẩy họ vào tình thế hoạt động cầm chừng. Cũng có một bộ phận đi theo con đường đầu cơ tích trữ và giàu lên nhanh chóng. Một số doanh nghiệp thì hùn vốn với tư bản Pháp, Nhật để hoạt động như Công ty Kỹ nghệ thương mại Pháp – Việt, Công ty Đại lý và kỹ nghệ, Công ty Vô danh Việt – Nhật… Trong khi đó, các công ty vốn ít, bị phá sản hoặc bị thu mua bởi các công ty tư bản có tiềm lực tài chính mạnh.
Những biến cố chính trị sau đó tại Đông Dương càng khiến cho bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ đó thêm màu ảm đạm, hoạt động của các doanh nhân ngày càng khó khăn.